Rồi cũng phải mở cửa bảo nhau

01/03/2024 - 11:08

PNO - Cánh cửa mà người ta hay “đóng lại bảo nhau” ấy vô hình mà nghiệt ngã lắm...

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1. Một đêm mưa miền Trung, chị ngồi dậy đi kiếm đồ chặn chỗ gió lùa. Gần cửa, chiếc áo mưa màu xanh lá của chồng chị được treo trên móc, ngay ngắn và khô ráo. Mở cửa nhìn ra hiên, chị thấy cái áo mưa của mình, cũng màu xanh lá, nằm sõng soài dưới đất cát, bị mưa gió làm ướt hết.

Chị lượm cái áo mưa lên, nhìn trân trối trong vô vọng. Mối quan hệ của vợ chồng chị đã lên tới đỉnh điểm ăn miếng trả miếng. Chị nhớ hồi chiều về, đã máng tạm cái áo mưa lên tay nắm cửa, chờ ráo bớt nước sẽ mang vô nhà. Chắc chồng chị về sau, nhìn thấy, bực mình (thứ đàn bà vụng, tay nắm cửa chứ phải chỗ treo móc đâu mà bạ đâu móc đó). Chắc chồng chị đã quăng áo mưa xuống nền cho bõ ghét. Còn cái áo mưa của anh, anh mang vào treo, cất ngay ngắn trong nhà.

2. Chị là giảng viên một trường đại học ở địa phương, chồng cũng là giảng viên, tiến sĩ hẳn hoi. Vợ chồng cùng trường, cùng khoa, cùng tổ. Chị là sinh viên được giữ lại trường, quen nhau 1 năm, họ kết hôn dưới sự hối thúc của gia đình nhà chồng vì chồng chị là con trai một.

Kết hôn xong, 3, 4 năm sau chị vẫn chưa có bầu. Đi khám, bác sĩ bảo vợ chồng chị hiếm muộn, nguyên nhân chính từ anh, bởi lượng tinh trùng bình thường gần như không có. Vô tình, sau 5 năm, “nhờ” dịch COVID-19, vợ chồng chị có bé trai. Cũng từ đó, mọi thứ đảo lộn. Đứa bé trở thành cục cưng của cả nhà và là minh chứng cho thấy chồng chị chẳng có bệnh tật gì, sở dĩ anh chưa con đàn cháu đống là vì vợ mà thôi.

Trong mắt gia đình chồng, anh là giảng viên đại học danh giá, chị chỉ là thứ đeo bám vào anh. Họp hành, lễ lạt ở trường, anh bảo vợ chồng chỉ cần 1 người đi. Mẹ chồng chị bảo phụ nữ hy sinh là chuyện bình thường, vợ đi thì chồng phải ở nhà chăm con, nghe chướng lắm, người ta chửi mình không biết điều. 

Chị gần như dành hết thời gian để chăm con. Nhà trường nhiều lần nhắc nhở chị nộp điểm chậm, không tham gia họp tổ chuyên môn. Chồng chị hồi đầu còn giải thích với người xung quanh: “Thằng bé không khỏe, đòi mẹ suốt nên cô ấy phải ở nhà”, sau rồi anh gọn lỏn: “Vợ tôi vụng lắm”. Mỗi lần thằng bé bệnh vặt là anh nhiếc móc vợ: “Không biết nuôi con thì ra khỏi nhà, biến đâu thì biến, thứ đàn bà làm gì cũng không nên tật”. 

Chị làm gì anh cũng không hài lòng (ảnh minh họa)
Chị làm gì anh cũng không hài lòng (ảnh minh họa)

3. Thằng bé lên 3 tuổi mà vẫn đau lên bệnh xuống, đu bám mẹ suốt đêm ngày. Không khỏe, nên thằng bé có gì không vừa ý đều khóc to, khóc dai, như thể có bao nhiêu sức lực nó dồn cả vào việc khóc. Mỗi lần tiếng khóc của con vang lên, chị cuống quýt ôm con, dỗ dành, ẵm bồng ra ngõ ra vườn. Chị sợ tiếng chửi của cha mẹ chồng, rằng sinh con không biết nuôi, không biết dạy.

Chị bị ám ảnh từ lúc mới sinh xong, con chị khóc dạ đề gần 2 tháng. Chị gần như kiệt quệ, bản thân ít sữa, lại chịu áp lực từ mẹ chồng không muốn cháu nội phải bú sữa ngoài, mà thật sự chị cũng chẳng có tiền mua sữa ngoài cho con. 

Con biết ăn dặm, chị đi dạy trở lại. Bà nội tiếng là giữ cháu cho chị đi làm, nhưng bà canh đúng giờ chị từ trường về, vừa gạt chống xe xuống là bà giao lại đứa nhỏ. Giờ đó cũng là giờ cho con ăn, 2 mẹ con đánh vật với tô cháo dưới ánh mắt kiểm soát của mẹ chồng. Nhiều bữa chị cảm tưởng nếu con chị không ăn hết tô cháo to ấy, bà sẽ không cho chị bưng chén cơm lên.

Đứa bé từ nhỏ đã biết hành hạ mẹ, cứ không thích việc gì là nắm tóc mẹ mà giật. Nhiều bữa chị ôm con, thằng bé giãy ra: mẹ hôi quá. Lúc nào chị không chiều ý con hoặc khi thằng bé muốn gì mà chị chưa làm kịp là nó hét, khóc, quăng ném đồ chơi vào người chị. Vậy mà cái nết hỗn của thằng bé được bà nội tán thưởng.

4. Hơn 3 năm nuôi con ở nhà chồng, chị chưa bao giờ được tắm gội cho thong thả. Mùa hè toàn thân bẩn thỉu, hôi hám, mùa đông áo xống tanh rình vì con nôn trớ, đái dầm lên người mẹ. Chị nhìn vào gương, thấy một người đàn bà béo ú, phục phịch, tóc xù... đang nhìn lại mình một cách hằn học, sẵn sàng giương nanh múa vuốt. 

Lần đó, con chị bị ngã xe tròn. Cú ngã bình thường như bao đứa bé ngã. Nhưng cả cha mẹ chồng đều hốt hoảng nhào đến, thằng bé được thể khóc ngằn ngặt, ông bà to tiếng chửi mắng con dâu bằng từ ngữ thậm tệ. Chị quá sốc, ngồi đờ người ngay lúc đó. Chồng chị đi làm về, giật con khỏi tay vợ, đuổi thẳng chị về nhà ngoại. Chị cúi gục đầu ngồi yên lặng. Anh chửi vợ: “Ngu như bò, đần thối mặt”.

Sống với nhau mấy năm, chồng chị hiện nguyên bộ mặt ích kỷ vô cảm, chỉ quan tâm mỗi thân mình. Trời mưa anh chỉ lấy mỗi quần áo của mình, còn đồ của vợ con để lại mặc kệ. Thông báo, thư từ giấy tờ liên quan, chồng chị chỉ nhận phần mình, phần của vợ không quan tâm.

Cả nhà chồng đều để mắt canh chừng việc chị chăm con. Chị  thường xuyên bị cha mẹ, các em chồng chê vụng, xấu. Chị cũng tin rằng mình vụng thật, còn xấu thì thấy rõ quá rồi. Nhiều lần tự so sánh, chị sợ mình đi bên cạnh chồng người ta bàn tán, cười cợt mình vừa già vừa nhà quê, dần dần chị thôi không còn xuất hiện cạnh chồng nữa. 

Giai đoạn chồng chị đang học tiến sĩ, chị gần như làm hết mọi việc nhà. Lâu lâu bị mắng chửi, chị còn nghĩ chồng đang căng thẳng, cần tập trung vào sự nghiệp. Hoàn thành luận án, chồng đi bảo vệ, ông bà nội cho 5 triệu đồng, ông bà ngoại cũng gửi cho 3 triệu đồng, chị bỏ thêm vào túi chồng 3 triệu đồng. Trong luận án của anh, trang cảm ơn đầu tiên không hề nhắc đến vợ hay cha mẹ vợ, dù chỉ một dòng.

Lên tiến sĩ, lên lương, chồng chị có thêm niềm vui đếm tiền, kiểm tra tài khoản, chi li từng đồng. Góp tiền nuôi con, có lần chồng nói chuyển khoản dư một ít, chị coi lại tài khoản, số dư ra chỉ là 30.000 đồng cũng phải chuyển lại cho anh. Tiền trong tài khoản ngày càng tăng, chồng chị càng thích và càng không dám chi. Anh tiếc cả tiền đổ xăng, tiếc cả tiền mua card điện thoại.

Người đàn bà ấy ba mươi mấy tuổi mà dáng vẻ tự ti, cam chịu, cằn cỗi như ngoài 50. Tôi hỏi sao chị cứ phải chịu đựng như vậy mãi? Chị bảo, chồng con ai chẳng vậy, được cái là có gì đóng cửa bảo nhau, dù gì mình cũng là giảng viên đại học.

5. Sáng nay, chị có tiết 1, nhưng 6g57 chị vẫn chưa ra khỏi nhà. Vợ chồng cãi nhau về chuyện đưa con đi nhà trẻ. Chồng chị muốn vợ là người đưa đón con. Chị phân trần trời mùa đông, 6g30 sáng vẫn còn sương, lạnh, chị không nỡ đưa con đi sớm vậy, đi muộn hơn thì chị trễ giờ dạy, trong khi chồng nghỉ nguyên buổi sáng rảnh rỗi. Chồng chị bảo mình làm việc ban đêm, sáng sớm cần phải ngủ cho lại sức.

Chị vừa chuẩn bị đồ vừa nói đáng lý anh phụ em chuẩn bị thay vì nằm ngủ vô cảm như vậy, tức thì chồng chị chửi: “Cút! Mày giáo viên mà ăn nói mất dạy”.

Như bao lần trước, chị sẽ chọn đối phó bằng cách quên đi chuyện ấy, coi như không thấy sự tồn tại của chồng, coi như việc mình mình làm. Nhưng lần này, cái dốc vô cổng trường trơn trượt quá, mưa lạnh, 2 mẹ con té dập mặt. Y tế trường băng bó sơ qua rồi bảo mẹ đưa bé về nhà theo dõi. 2 mẹ con lại lóc cóc từ nhà trẻ trở về nhà. Đằng sau cánh cửa nhà, chồng chị vẫn đang ngủ yên trong chăn nệm ấm áp. 

Chị lật tấm chăn, cơn gió thốc vào từ cánh cửa mở dựng người đàn ông dậy. Chị đặt thằng bé ngay lên người chồng, dằn mạnh. Thằng bé khóc to. Chị ghìm giọng: “Ở nhà với ba, để mẹ đi làm”.

Khuỷu tay trầy xước rướm máu, cái ống quần rách một lỗ ngay đầu gối, chị mặc kệ, bước ra khỏi nhà. Chồng chị ngồi sững trên giường, ôm con, nhìn vợ lạ lẫm, chưa kịp mở miệng, chị đã ra khỏi cổng rồi.

Cơn gió lạnh táp vào mặt làm chị tỉnh lại. Bộ dạng này không phải của mình, không đúng với công việc của mình. Chị gọi điện, cho lớp nghỉ, rồi ghé quán cà phê, ngồi nhìn ra sông, mưa trắng. Từ nay, chị sẽ thoát kiếp làm dâu, làm vợ, làm mẹ theo kiểu này. Dù có cực khổ thế nào chị cũng chịu được.

Chị đi làm có lương, tuy không nhiều, nhưng cũng ổn định; trước nay gần như tã, sữa, áo quần, thuốc thang, đồ chơi của con chị đều bỏ tiền ra lo, chị sẽ nuôi được con. Mà nhà chồng không cho chị giữ con cũng được thôi, chị chấp nhận. Điện thoại rung từng chặp, chị bấm nghe nhưng không lên tiếng, giọng chồng chị khẩn thiết: “Có về không? Phải đi dạy bây giờ. Sữa để đâu?”.

Chị mỉm cười, cúp máy. Chồng chị vẫn trống không như vậy xưa nay. Nhưng nay thì anh ta sẽ hiểu: phải tự tìm lấy thôi. Chị sẽ không về. Cánh cửa mà người ta hay “đóng lại bảo nhau” ấy vô hình mà nghiệt ngã lắm, nhưng hôm nay, chị đã đứng bên ngoài cánh cửa ấy rồi. 

Hoàng Mai

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trương Mỹ Hương 03-03-2024 09:04:38

    Ở bên một người chồng vô tâm, cộc cằn, không lo gì cho vợ con mà bạn còn chịu không đến bao nhiêu năm trời thì quả là quá tài tình. Tại sao không thương cho bản thân mình vậy? Hãy chấm dứt luôn đi bạn. Bạn có đủ thực lực sống tự lập cho bạn, cho con thì sẽ không điều gì làm bạn sợ cả.

  • M.Y 01-03-2024 14:01:28

    Sao lại chậm đến vậy ? Để bản thân đến mức điêu tàn rồi mới...đứng lên ?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Mua sắm đi, con gái!

    Mua sắm đi, con gái!

    31-10-2024 06:14

    Thanh xuân của tôi không đánh dấu bằng một tài khoản tiết kiệm nhiều con số, mà là những trải nghiệm quý báu, những giây phút thăng hoa vui vẻ.

  • Tái hôn vội để chồng cũ thấy mình... có giá

    Tái hôn vội để chồng cũ thấy mình... có giá

    30-10-2024 12:03

    Chị ly hôn sau 30 năm chung sống với anh chồng đẹp trai. Trước đó, chị chỉ khoe cuộc hôn nhân mỹ miều, hạnh phúc.

  • Vì con hay vì mình?

    Vì con hay vì mình?

    30-10-2024 06:18

    Trên sàn diễn đó, cha mẹ là những diễn viên, con cái là khán giả, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng sau này.

  • Lấy chồng nuôi cả nhà chồng

    Lấy chồng nuôi cả nhà chồng

    29-10-2024 18:10

    Sự việc này cô chưa biết giải quyết sao, cứ nghĩ tới công sức vất vả cả tháng, rồi đưa hết cho mẹ chồng thì quá ấm ức.

  • Sao cứ phải tự làm khổ mình!

    Sao cứ phải tự làm khổ mình!

    29-10-2024 15:10

    Trong một lần vợ chồng tranh cãi, anh nói rõ quan điểm: “Nhà này không ai bắt em như thế cả, tự em làm rồi than vãn gì”.

  • Thất nghiệp thì đi bán hàng cho vợ

    Thất nghiệp thì đi bán hàng cho vợ

    29-10-2024 06:07

    Tôi thường nghĩ về những đôi vợ chồng trẻ chọn chợ làm nơi sinh nhai. Tôi cũng hay nghĩ về những người mất việc trong thời kỳ kinh tế khó khăn này.

  • Chồng vô cảm

    Chồng vô cảm

    28-10-2024 18:23

    Với người chồng vô cảm, nếu nhận ra “bộ mặt thật” chỉ sau một lần biến cố, thì người vợ chẳng nên níu kéo, chần chừ.

  • Đàn bà uống rượu

    Đàn bà uống rượu

    28-10-2024 15:35

    Chuyện uống rượu bia của đàn bà thời nay không còn quá xa lạ. Có quán nhậu nào không có phụ nữ?

  • Dù mẹ không còn bên tôi

    Dù mẹ không còn bên tôi

    28-10-2024 06:37

    Từ mùa cuối năm của năm 2020, những ngày lễ, những kỳ nghỉ hoặc du lịch thú vị đã không còn ý nghĩa với tôi nữa khi mẹ không còn.

  • Giao bếp cho chồng

    Giao bếp cho chồng

    27-10-2024 16:14

    Chị biết chồng vẫn ăn được món đó nhưng anh nói thế để có ý nhắc nhở vợ, nên chị càng buồn lòng.

  • Chồng trẻ hơn sẽ luôn ngoại tình?

    Chồng trẻ hơn sẽ luôn ngoại tình?

    27-10-2024 07:06

    Ai dám chắc một anh chồng trẻ hơn sẽ luôn ngoại tình, còn một ông chồng "tuổi đẹp" sẽ trọn đời chung thủy?

  • Bạn… chồng

    Bạn… chồng

    26-10-2024 06:06

    Chị báo tin sẽ ly hôn khi ngấp nghé tuổi 40. Mọi người đều bất ngờ, can ngăn, nhưng chị không lay chuyển.

  • Đơn thân trong hôn nhân, cách nào thoát ra?

    Đơn thân trong hôn nhân, cách nào thoát ra?

    25-10-2024 18:11

    Dù hôn nhân bất hạnh đến mức nào, Quỳnh vẫn có cách để ổn định tâm trạng, vững bước trên hành trình đã chọn.

  • Bây giờ thì hạnh phúc, biết mai này ra sao!

    Bây giờ thì hạnh phúc, biết mai này ra sao!

    25-10-2024 11:36

    Dù sau này có như thế nào cũng chẳng sao! Chẳng phải mưa đến đâu thì mát mặt tới đó đấy thôi!

  • Bất ngờ từ một vụ chia đất

    Bất ngờ từ một vụ chia đất

    25-10-2024 06:27

    Bấy lâu vợ tôi đã cố gắng cảnh báo tôi về sự thay đổi của lòng người, để tôi không quá bị sốc.

  • Tôi cứ nghĩ mình đã đủ tốt

    Tôi cứ nghĩ mình đã đủ tốt

    24-10-2024 16:34

    Điện thoại vợ báo lịch hẹn với bác sĩ, trong khi cô ấy có biểu hiện hoàn toàn bình thường. Liệu vợ có giấu tôi điều gì hay không?

  • Gia vị cho ngày mới

    Gia vị cho ngày mới

    24-10-2024 06:17

    Nhìn các bạn vui vẻ thảo luận, Ngọc hơi chùng lòng. Tại sao mọi người có quá nhiều điều để mong ngóng, còn cô thì không?

  • Đối phó với vợ mè nheo âu yếm

    Đối phó với vợ mè nheo âu yếm

    23-10-2024 17:17

    Dù nhiều ông chồng hết sức thông cảm, thậm chí khoái chí với những đòi hỏi của vợ, nhưng lệ thường, cái gì quá cũng ngán.