Rồi cũng dẫm chân nhau như kiểu 'quản lý bánh bao'

31/07/2017 - 17:00

PNO - Chưa biết hiệu quả đến đâu và sẽ gặp phản ứng gì, nhưng chắc chuyện quản lý thực phẩm ở TP.HCM xem ra vẫn “một cái bánh bao, ba nơi quản lý” bởi nơi nào cũng muốn khẳng định vai trò...

Những viễn cảnh “trong mơ”

Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tại hội nghị sơ kết sáu tháng triển khai thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, đến rạng sáng 31/7, toàn bộ thịt heo cung ứng cho thị trường TP.HCM sẽ phải kiểm soát được nguồn gốc.

Hiện nay, lượng thịt cung ứng cho thị trường chủ yếu qua hai kênh: chợ đầu mối và hệ thống phân phối hiện đại. Tại kênh hiện đại, công tác truy xuất đã được thực hiện tương đối tốt, nên việc truy xuất sẽ tập trung chủ yếu tại hai chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) và Bình Điền (Q.8), tức heo phải đeo vòng truy xuất ở chân mới được vào chợ.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, các chủ thể đăng ký tham gia đề án đã làm quen với quy trình, kỹ thuật khai báo và kích hoạt thông tin truy xuất. Công tác chuẩn bị cũng đã được các sở ngành TP.HCM phối hợp với các tỉnh lên kế hoạch và phương án chi tiết, bố trí đầy đủ nhân sự để triển khai.

Ngoài giải pháp căn cơ để tiến đến kiểm soát toàn bộ nguồn thịt heo, bảo đảm an toàn thực phẩm, đề án còn làm tiền đề giúp tái cơ cấu hoạt động chăn nuôi, sản xuất theo hướng công nghiệp, văn minh, chuẩn hóa về chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.

Đại diện sở này cũng liệt kê hàng loạt viễn cảnh “trong mơ” mà đề án hứa hẹn mang lại: truy xuất đầy đủ thông tin xuyên suốt toàn bộ quá trình từ chăn nuôi đến chế biến và phân phối, từ đó giúp truy được trách nhiệm đến từng chủ thể tham gia khi xảy ra vi phạm; nâng cao trách nhiệm và tính tự giác của từng khâu, từng công đoạn trong chuỗi sản xuất, cung ứng; người chăn nuôi, nhà sản xuất có điều kiện thuận lợi để xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu; người tiêu dùng có điều kiện để chọn lựa và quyết định sản phẩm tiêu dùng; không có chỗ cho sản phẩm “bẩn”, mất an toàn v.v…

Cấm heo vào chợ, coi chừng bị kiện

Theo Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, thực tế, còn có rất nhiều hình thức khác nhau để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tùy theo cơ quan quản lý, chứ không phải chỉ có chương trình của Sở Công thương. Chương trình quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn mà BQL kế thừa từ Sở Y tế TP.HCM cũng là truy xuất nguồn gốc, nhưng có các tiêu chí khác chương trình đeo vòng. Cũng may, đa số đơn vị tham gia chuỗi đều đã “phải tham gia” chương trình đeo vòng của Sở Công thương. Mục tiêu 100% heo vào chợ phải đeo vòng chỉ là ý muốn chủ quan của người làm đề án.

Hơn nữa, Luật ATTP cũng chỉ yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhưng không hề bó khung trong bất kỳ hình thức truy xuất nào. Vì vậy, BQL cho rằng, đeo vòng chỉ nên là chương trình thí điểm. Bởi hiện tại, các sản phẩm thịt từ các tỉnh về TP.HCM đều phải có giấy kiểm dịch động vật do các tỉnh cấp. Khi vào bốn cửa ngõ của TP.HCM, các trạm thú y tại đây sẽ kiểm tra, kiểm soát giấy này trước khi cho nhập chợ đầu mối.

Xét về chức năng quản lý nhà nước, heo đã có giấy kiểm dịch, tức chất lượng bảo đảm, phải được vào chợ bình thường. Heo không có vòng nhưng có đủ giấy kiểm dịch, mà cơ quan quản lý nhà nước không cho vào, nhiều khả năng đối diện với việc người dân thưa kiện. 

Xem ra, việc quản lý ATTP của TP.HCM vẫn chưa được như ước mong của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Đó là tập trung về một mối quản lý để khi xảy ra sự cố về thực phẩm, phải có “người” đứng ra chịu trách nhiệm. Hiện tại, cơ quan thú y (thuộc ngành nông nghiệp), quản lý thị trường (ngành công thương) và BQL ATTP vẫn tiếp tục dẫm chân nhau. 

Ngày 1/9, đến lượt gia cầm “đeo vòng”

Ngoài thịt heo, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Công thương đang tiếp tục triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm. Theo kế hoạch, từ ngày 1/9 tới, sẽ có sản phẩm thịt gia cầm và trứng gia cầm truy xuất nguồn gốc cung ứng ra thị trường.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI