Rời con đi làm

25/01/2019 - 15:42

PNO - Cảm giác có lỗi với con vì không thể dành nhiều thời gian hơn cho con là điều bà mẹ bỉm sữa nào cũng trải qua khi bắt đầu trở lại với công việc.

Lindsay Mitchell và Lauren Brandt là đồng nghiệp, cùng nhau trải qua hành trình làm mẹ trong cùng thời điểm khi họ làm tại một công ty ở Mỹ. Năm 2016, cả hai biết mình mang thai, họ cùng nhau cập nhật những kiến thức chăm sóc thai nhi mới nhất. Sách báo và các phương tiện truyền thông hỗ trợ họ tối đa, cung cấp vô vàn kiến thức quý báu, giúp việc làm mẹ của cả hai không quá vất vả, cũng chẳng phải quá hoang mang. 

Thế nhưng, khi kết thúc kỳ thai sản, đi làm trở lại, họ bỗng có cảm giác hụt hẫng. Họ nhận ra mình cô đơn trong hành trình trở lại. Nào là phải chuẩn bị tinh thần ra sao, cần những bước cụ thể thế nào để không chới với trong sự xáo trộn cảm xúc khi phải xa con, cần phải chỉn chu vẻ ngoài đến đâu…

Roi con di lam
Nhiều người lay hoay khi rời con nhở để đi làm trở lại (Ảnh minh hoạ)

Lindsay và Lauren quả thực không biết bắt đầu từ đâu. Họ có cảm giác mình đang lao về phía trước, vừa đi vừa tìm đường, rất khó khăn. Thế là cả hai quyết định lập dự án “Ngày trở lại” với mục tiêu đây sẽ là nơi chia sẻ câu chuyện của những bà mẹ quay trở lại công việc cùng cảm xúc vui, buồn, háo hức xen lẫn lo lắng. Thông qua những câu chuyện ấy, Lindsay và Lauren gửi đi thông điệp rằng những bà mẹ tạm tách rời con, quay trở về công việc không cô đơn và họ cần tiếp thêm cho nhau nguồn động lực. Đấy là năng lượng giúp họ tiếp tục theo đuổi công việc, duy trì sức lực vun vén cho gia đình nhưng vẫn có thời gian chăm chút cho bản thân. 

Những câu chuyện trên trang web của dự án (tại địa chỉ www.thereturnityproject.com) chính là hình ảnh quen thuộc của rất nhiều mẹ bỉm sữa. Trong số ấy có câu chuyện của Katie. Chị làm công việc giám sát truyền thông cho một công ty, hiện đã có hai con. Chị nghỉ thai sản ở hai lần sinh lần lượt là 20 tuần và 10 tuần. Vị trí công việc không cho phép chị nghỉ quá lâu. Katie chia sẻ: “Quay trở lại công việc sau khi sinh con là điều khó khăn nhất trong hành trình làm mẹ của tôi”.

Katie không hề đối diện với bất cứ lo lắng, suy sụp nào sau sinh mà với chị, ở bên con là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Cho đến ngày rục rịch chuẩn bị quay trở lại với công việc, Katie mới thật sự không biết phải làm sao vì bản thân chị không muốn xa hai con còn quá nhỏ. Chị buồn và cảm giác có lỗi với con vì không thể dành nhiều thời gian hơn cho con. Thay vì cho con bú trực tiếp, Katie phải hút sữa và trữ ở ngăn mát tủ lạnh công ty hoặc có khi sữa quá nhiều phải hút đổ đi. Những lúc ấy, chị quay quắt nhớ con và thèm cái ôm âu yếm, vuốt ve dành cho con mình. Katie luôn cố giấu nước mắt khi nghĩ đến con. Những lúc ấy, Katie cảm thấy cô đơn tột độ. 

Roi con di lam
Nhiều lúc đang làm việc mà chị nhớ con quay quắt (Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện, cảm xúc như Katie không phải hiếm. Rất nhiều người mẹ từng lâm vào hoàn cảnh tương tự và bị chôn vùi bởi vô số suy nghĩ tiêu cực. Nỗi lo của mẹ bỉm sữa thường xoay quanh những chủ đề như: làm sao cân bằng công việc và cuộc sống, gián đoạn thời gian có ảnh hưởng đến công việc không, làm sao chăm sóc con thật tốt khi con còn quá nhỏ mà mẹ chẳng thể ở bên con 24/24 như những ngày đầu, cảm giác là người mẹ tồi khi phải lao đi với công việc.

Những điều ấy đều xuất hiện trên “Ngày trở lại”, một không gian giúp những người mẹ lắng lại, hiểu ra chúng ta đều như nhau và chia sẻ, thấu hiểu để tiếp thêm động lực cho hành trình dài phía trước. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI