Rồi chúng ta vỡ mộng taxi, xe ôm công nghệ giá rẻ?

22/08/2017 - 14:00

PNO - Đây là vấn đề nghiêm túc mà chính chúng ta – những người tiêu dùng – phải đối mặt và lựa chọn. Có thể không phải lựa chọn ngay lúc này, nhưng ngay từ bây giờ nếu quá phụ thuộc thì sẽ vỡ mộng ngày mai...

“Double tăng” của Grab và Uber

Mới đây thôi, các tài xế xe ôm GrabBike tại Hà Nội đã… “được dịp” vỡ mộng sau khi phía Grab cho biết sẽ tăng chiết khấu đối với đối tác GrabBike từ 15% lên 20% từ ngày 5/9. Sau thông báo này, nhiều tài xế GrabBike tại Hà Nội phản ứng gay gắt bằng cách đóng tài khoản Grab, đặt cuốc xe GrabBike ảo… khiến phía Grab phải dùng lời đe dọa hủy tài khoản.

Điều đáng nói là, lí do để Grab nâng tỉ lệ chiết khấu gây thiệt cho tài xế GrabBike chỉ đơn giản là “nhằm đảm bảo một mức phí thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại cả hai thành phố, đồng thời nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike…”, còn quyền lợi của tài xế hay người tiêu dùng ra sao qua cú tăng này thì không có giải thích rõ ràng.

Roi chung ta vo mong taxi, xe om cong nghe gia re?
Có thể không phải lựa chọn ngay lúc này, nhưng ngay từ bây giờ nếu quá phụ thuộc vào Uber, Grab thì sẽ vỡ mộng ngày mai...

Sau cú tăng của Grab “đánh” vào tài xế GrabBike, đến lượt Uber cũng thông báo tăng cước “đánh” vào người tiêu dùng. Theo đó, từ thời điểm 24/8/2017, cước Uber tại khu vực TP.HCM tăng từ mức 7.000 đồng/km lên mức 8.500 đồng/km, tương ứng với tỉ lệ tăng hơn 21%, một mức không hề nhỏ. Cước Uber tại Hà Nội cũng được doanh nghiệp này cho biết sẽ điều chỉnh tăng trong thời gian tới với lí do chung chung là “nhằm cải thiện dịch vụ và hỗ trợ thu nhập cho tài xế”.

Cần nhớ rằng, gần đây nhất Uber tăng giá cước vào tháng 11/2016. Khi đó, Uber tăng cước quãng đường từ 5.000 đồng/km lên 7.500 đồng/km – tức tăng đến 50%, cước tối thiểu cho mỗi chuyến đi tăng từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng – tức 300%, và mức chiết khấu sử dụng dịch vụ đối với tài xế là 25%.

Trong đợt tăng lần thứ hai áp dụng trong vài ngày tới, cước phí tối thiểu mỗi chuyến đi và cước phí theo thời gian (450 đồng/phút) vẫn giữa nguyên.

Không còn taxi công nghệ giá rẻ nữa!   

Không phải là sẽ, mà là ngay bây giờ, đã không còn!

Hãy xem, với cước tối thiểu mỗi chuyến đi của Uber 15.000 đồng/chuyến, thêm cước phí theo thời hian (450 đồng/phút), và cước giờ cao điểm (thường tiền cước bình thường nhân với ít nhất là 1.1, cộng với cước quãng đường 8.500 đồng/km, nếu so với taxi truyền thống tại Hà Nội của các hãng như Sông Nhuệ, Hương Lúa, Sao Hà Nội, Taxi Phù Đổng…, thì Uber chẳng còn rẻ hơn, thậm chí trong nhiều tình huống đi chuyến ngắn, giờ cao điểm, sẽ còn đắt hơn rất nhiều. Trong khi đó, tài xế đối tác lại bị “chặt” chiết khấu sử dụng dịch vụ cao hơn mặt bằng chung 5%.

Người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, nắm vững thông tin và chịu khó tìm kiếm trên mạng để tìm ra các dịch vụ taxi có mức cước phí có lợi nhất chứ hiện nay Uber và Grab không còn là “ông vua taxi công nghệ giá cước rẻ nhất” nữa.

Còn nếu chúng ta so sánh với chỉ riêng tuyến Hà Nội – sân bay Nội Bài và ngược lại, thì cước taxi công nghệ Uber và Grab đều cao hơn so với dịch vụ của ứng dụng Việt - Carento hay các tổng đài dịch vụ taxi sân bay tuyến Nội Bài.  

Tại thị trường TP.HCM, hiện chưa có nhiều dịch vụ taxi cước rẻ như Hà Nội. Thị trường đang do Grab, Uber và một số taxi truyền thống có thương hiệu mạnh như Vinasun, Mai Linh chiếm giữ phần lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, một ứng dụng taxi công nghệ Việt cũng đã cung cấp dịch vụ tại TP.HCM cho các chuyến đường dài với mức cước ngang ngửa và thậm chí rẻ hơn cả Grab và Uber.

Vấn đề là người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, nắm vững thông tin và chịu khó tìm kiếm trên mạng để tìm ra các dịch vụ taxi có mức cước phí có lợi nhất chứ hiện nay Uber và Grab không còn là “ông vua taxi công nghệ giá cước rẻ nhất” nữa.

Trên thực tế, một tương lai vỡ mộng taxi công nghệ Uber, Grab giá rẻ đã được một số chuyên gia cảnh báo từ trước. Đó là, ở giai đoạn đầu, hai thương hiệu này cần thu hút tài xế đối tác và người tiêu dùng, với nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm dồi dào họ hạ mức cước đến mức thấp nhất, trang bị xe mới phục vụ hành khách vừa đẩy mạnh truyền thông quảng bá thương hiệu và tạo thiện cảm với người tiêu dùng.

Roi chung ta vo mong taxi, xe om cong nghe gia re?
Trên thực tế, một tương lai vỡ mộng taxi công nghệ Uber, Grab giá rẻ đã được một số chuyên gia cảnh báo từ trước.

Giai đoạn thứ hai, họ đấu quyết liệt với taxi truyền thống bằng các chương trình khuyến mãi liên miên để “gây nghiện” người tiêu dùng đồng thời “hủy diệt” đối thủ (ở đây chủ yếu là taxi truyền thống) và củng cố vững chắc vị thế, song song đó bắt đầu đẩy mạnh việc sử dụng dư luận để phản ứng, chỉ trích lại các chính sách bất lợi với họ đồng thời bắt đầu điều chỉnh lại một số chính sách (điển hình như chúng ta đã và đang thấy là tăng mức phí sử dụng dịch vụ của đối tác, tăng cước phí đối với hành khách…).

Giai đoạn 3, sau khi “hạ gục” các đối thủ và thống lĩnh thị trường, ở vị thế dẫn dắt cuộc chơi, và cũng xong quá trình “gây nghiện” đối với người tiêu dùng, họ bắt đầu thao túng thị trường mà điển hình là giá cước nhằm “lấy lại những gì đã chi” và thu vén lợi nhuận.

Đó là chiến lược đã được hoạch định rõ và tính toán rất thực tế của những Uber, Grab; vì thế, sự hưởng lợi taxi công nghệ giá rẻ từ hai thương hiệu này e rằng chỉ theo giai đoạn nhất định chứ đừng ảo tưởng là mãi mãi. Một khi người tiêu dùng “hồ hởi” quá mức với Uber, Grab tạo nên tương quan quá có lợi cho hai thương hiệu này trên thị trường, thì chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu những chèn ép của Uber, Grab về sau.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI