Rời bỏ quê khi tết cận kề

15/01/2022 - 17:37

PNO - Khi tết đã cận kề, ông lại phải rời bỏ quê hương mà đi. Chưa ra khỏi địa phận tỉnh nhà, ông đã thấy nhớ quê vô cùng.

Ông nhìn qua cửa kính ô tô, những ngôi nhà trên con đường quen thuộc cứ khuất dần phía sau. Chỉ vài tiếng nữa, ông sẽ đặt chân lên một vùng đất mới để định cư, khi đã gần 70 tuổi.

Bà ngồi bên cạnh đang bận tính toán tiền, nhìn ông sững sờ, chép miệng bảo: “Vào đó mình mua nhà mới, lại được sống gần con cháu, có phải tốt hơn không”. Ông hững hờ không đáp vì biết mình có nói gì cũng vô ích.

Căn nhà nhỏ mà ông đã gắn bó gần cả cuộc đời đã được bán đi, giờ đâu còn đường quay lại. Lúc chia tay, em gái ông cứ khóc mãi, nắm tay bịn rịn: “Biết bao giờ mới gặp lại anh, hay thành nắm tro tàn mới được trở về quê hương”.

Ông khóc, lần đầu tiên ông rơi nước mắt ở chỗ đông người. Bản lĩnh của một người lính xông pha chiến trận vào sinh ra tử giờ lại trở nên mềm yếu đến lạ lùng.

Bà động viên: Vào sống cùng con cháu, việc gì phải buồn nhưng làm sao hiểu được nỗi buồn trong lòng ông. Ảnh minh họa
Bà động viên: "Vào sống cùng con cháu, việc gì phải buồn", nhưng bà làm sao hiểu được nỗi trăn trở trong lòng ông. Ảnh minh họa

Ông bà lấy nhau đã gần 40 năm, có 5 đứa con 2 trai 3 gái. Lớn lên, các con đều xa quê lập nghiệp, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống chứ chẳng dư dả. Gần chục năm nay, bà đi lại như con thoi giữa quê và thành phố để phụ các con chăm cháu.

Cách đây 4 năm, bà bàn với ông bán nhà vào sống gần các con cho gia đình sum họp. Ông trù trừ không quyết khi bà tính toán bán cả đất lẫn nhà đang ở cũng được vài tỷ đồng, chia cho các con mỗi đứa một ít còn lại mua một căn chung cư nhỏ để hai vợ chồng ở.

Bà bảo, có chút tiền cho con lại được gần chúng nó, tiện cả đôi đường chứ cứ “một cảnh hai quê” vất vả quá. Ông kể với bà những trường hợp bán nhà đi theo con rồi rơi vào bế tắc khi tuổi già sức yếu. Bà gạt đi, trách ông cạn nghĩ, người ta như thế vì không giữ tiền, chứ mình có tiền trong tay thì lo sợ gì.

Ông nói chẳng được bà nên tìm cách khác để trì hoãn. Ông đồng ý bán nhà nhưng lại rao giá thật cao để không ai mua. Bà thấy giá cao thì ủng hộ. Người ta chỉ đến hỏi rồi đi, chứ không đặt vấn đề mua bán.

Bà vào ở hẳn với con, còn ông ở một mình để chờ đợi bán nhà. Ông tính, nhà bán mãi không được, các cháu đã lớn, chắc bà sẽ chấp nhận về quê với ông. Nhưng không ngờ, cơn sốt đất ở quê ông bỗng nổi lên nhanh chóng, giá cả tăng phi mã từng ngày.

Người tìm đến hỏi mua nhà ông đông nườm nượp vì nó trở thành vị trí đất vàng ngay bên cạnh dự án căn hộ cao cấp của một tập đoàn lớn. Trong khi cuộc sống của các con ở trong đó gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà và con trai biết tin, tức tốc về quê gấp để xúc tiến việc bán nhà. Ông chẳng biết làm thế nào khi người mua đồng ý ngay lập tức với giá đưa ra dù cao hơn trước đó nhiều lần.

Từ ngày bán nhà, ông như người mất hồn. Chưa rời quê hương mà ông đã thấy nhớ da diết. Ảnh minh họa
Từ ngày bán nhà, ông như người mất hồn. Chưa rời quê hương mà ông đã thấy nhớ da diết. (Ảnh minh họa)

Chỉ trong vòng nửa tháng, mọi thủ tục mua bán đã xong xuôi, tiền bạc thanh toán đầy đủ. Chủ nhà để cho gia đình thu xếp trong một tuần để chuyển đi vì họ cần lấy mặt bằng gấp để khởi công.

Từ ngày bán nhà, ông như người mất hồn, còn bà và con trai rất phấn khởi. Con trai vào trước để lo tìm mua căn hộ cho ba mẹ, còn ông bà thu xếp vào sau. Ông dành những ngày còn lại để đi thăm hàng xóm, họ hàng trước khi rời quê. Lời chúc mừng thì ít mà những tiếng thở dài, cái nhìn ái ngại càng làm ông thêm nặng lòng.

Những năm trước, vừa qua tháng Chạp, ông tất bật dọn dẹp để chờ đón con cháu về ăn tết. Vậy mà năm nay, khi tết đã cận kề, ông lại phải rời bỏ quê hương mà đi. Bà bảo, năm nay gia đình sẽ có một cái tết sum vầy, không thiếu một thành viên nào cả, nhưng nỗi hụt hẫng trong lòng ông không có gì lấp đầy được.

Chưa ra khỏi địa phận quê hương, ông đã thấy nhớ vùng đất ấy vô cùng. Nỗi nhớ ấy biết bao giờ mới nguôi…

Thanh Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI