|
Bác sĩ Phạm Phú Phát (thứ hai từ phải sang) trong cuộc hội chẩn |
Đang trò chuyện với anh, một số bệnh nhân xin phép cắt ngang vì muốn cảm ơn về ca mổ thành công, ngày mai xuất viện về với gia đình. Khi chúng tôi hỏi: “Có khi nào anh run sợ trước ca mổ khó như khi gặp đối thủ khó nhằn?”. Anh trả lời: “Nhờ chơi bóng bàn từ năm chín tuổi nên tôi hình thành tính quyết đoán, ngay cả trên bàn mổ. Đứng trước mổ ung thư thận, tôi quyết tâm loại bỏ các tế bào ác tính như cách hạ đối thủ đáng gờm”.
Kiện tướng bóng bàn những năm 1980 nay chính là tiến sĩ - bác sĩ Phạm Phú Phát, Phó khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Chứng kiến người ung thư thận khi còn quá trẻ, bác sĩ Phạm Phú Phát đau đáu với phương pháp làm sao mổ lấy khối u mà vẫn để lại trái thận cho bệnh nhân. Năm 2008, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân bắt đầu thực hiện cắt thận một phần qua nội soi cho bệnh nhân ung thư. Đến nay, hàng trăm bệnh nhân đã được hưởng lợi từ kỹ thuật này.
Bỏ thể thao chuyên nghiệp, thi vào trường y
Năm 17 tuổi, vận động viên bóng bàn Phạm Phú Phát đoạt giải vô địch tay vợt trẻ toàn quốc sau nhiều năm liền “thống trị” giải bóng bàn trẻ TP.HCM. Đó cũng là lần cuối cùng, người hâm mộ nhìn thấy kiện tướng Phạm Phú Phát. Nhắc đến tay vợt cừ khôi Phạm Phú Phát, cựu huấn luyện viên bóng bàn của đội tuyển quốc gia Nguyễn Trọng Trúc gật gù: “Anh này có kỹ thuật đánh rất khéo, toàn diện và đặc biệt biết sử dụng cái đầu để chơi bóng”.
Bác sĩ Phạm Phú Phát nhớ lại, do gia đình có bàn bóng bàn nên từ lúc chín tuổi anh đã đến với môn thể thao này. Lúc đó, cha mẹ chỉ chấp nhận cho anh chơi với điều kiện “vẫn học giỏi”.
|
Bác sĩ Phát (bên phải) chụp chung với đồng đội và khi luyện tập thi đấu |
Bước sang tuổi 18, anh trai khuyên anh thi vào đại học y khoa để anh em chung nghiệp y như mong ước của cha mẹ. Gác cây vợt trên bàn, anh nhận ra nghiệp thể thao hơi “đoản thọ”, khi qua 30 tuổi sức khỏe xuống dần, khó đạt thêm thành tích. Nhưng nếu trở thành bác sĩ thì khi về hưu vẫn có thể tiếp tục cứu người.
Suy nghĩ kỹ, anh quyết định nhanh gọn như cách hạ đối thủ trên bàn bóng. Anh từ chối nhận gạo, tiền lương từ trung tâm huấn luyện của thành phố. Rồi thu dọn quần áo, đồ nghề rời Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao. Giấu cây vợt vào góc nhà, anh lao vào ôn thi vào Trường đại học Y Dược TP.HCM. Thời gian tập luyện bóng bàn dày đặc từ 4 giờ sáng chạy quanh sân vận động Thống Nhất, hay tập thể lực và chơi bóng từ chiều đến tận tối… đã thay cho ý chí “dùi mài kinh sử”. Anh quyết bám trụ với đèn sách đến tận 2-3 giờ sáng hôm sau để bổ sung kiến thức.
Ngày nhận kết quả đậu trường y, anh không quá vui vì “máu bóng bàn” vẫn còn “nóng ran” khắp người nhưng anh tập cách từ bỏ. Vào đại học chưa được bao lâu, anh nhận hung tin anh ruột vừa tốt nghiệp trường y, chuẩn bị về làm bác sĩ cho Bệnh viện Bình Dân, bất ngờ bị tai nạn giao thông tử vong.
Anh trai mất, chàng thanh niên Phạm Phú Phát lặng lẽ nghĩ về cuộc đời phía trước. Phải bỏ sự nghiệp thi đấu thể thao, nghe lời cha mẹ chuyên tâm học hành, tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của anh trai. Ngoài những giờ lên lớp, chàng sinh viên y khoa Phạm Phú Phát nhờ người thân ở nước ngoài tìm kiếm tài liệu, sách báo y khoa để tự mình nghiên cứu.
“Bóng bàn giúp tôi quyết đoán, xử lý khối u nhanh gọn”
Vừa ký hồ sơ bệnh án chuẩn bị cho những ca mổ mới, bác sĩ Phát vừa chia sẻ: trước đây, khi bệnh nhân bị ung thư thận, bác sĩ thường mổ hở và cắt bỏ hết trái thận để hạn chế tối đa di căn. Tuy nhiên, khi cơ thể chỉ còn một quả thận thì quả thận này sẽ làm việc hết công suất, dễ bị hư thận, dẫn đến suy thận mãn và phải đến bệnh viện chạy thận suốt đời. Lúc này, người bệnh có khi không chết vì ung thư mà chết do suy thận.
Nhờ đam mê chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ Phạm Phú Phát được chọn đi tu nghiệp chuyên ngành tiết niệu tại Trường Y Saint Antoine (Paris, Pháp) trong hai năm 1997-1998. Khi quay về Việt Nam, chứng kiến không ít người bị ung thư thận khi còn quá trẻ, có cả những bệnh nhân mới 25 tuổi đến Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ Phạm Phú Phát đau đáu với phương pháp làm sao chỉ mổ lấy khối u mà vẫn để lại trái thận cho bệnh nhân.
Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ từ lúc đưa dao vào mổ lấy khối u đến khi khâu cầm máu chỉ dưới 30 phút, nếu không bệnh nhân thiếu máu nóng sẽ tử vong ngay trên bàn mổ. Bác sĩ Phát giải thích, thận và gan là hai cơ quan mà máu lưu thông qua nhiều nhất, riêng thận chiếm đến 20% lượng máu lưu thông. Do đó, chỉ cần bác sĩ kéo dài thời gian cắt thận, bệnh nhân mất máu sẽ tử vong. Ca mổ còn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và nỗ lực hết mình của bác sĩ.
Năm 2008, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân bắt đầu thực hiện cắt thận một phần qua nội soi cho bệnh nhân ung thư. Tính đến nay, bệnh viện đã áp dụng và mang lại lợi ích cho hàng trăm bệnh nhân từ kỹ thuật này, với chi phí chưa tới 20 triệu đồng/ca mổ. Nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Bình Dân ghi nhận, trong ba năm theo dõi (từ 2015-2018), 100% bệnh nhân không tái phát ung thư sau cắt bỏ một phần thận. Nhờ thành công này, nhiều bác sĩ nước ngoài ở Philippines, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… đến học tại Trung tâm Huấn luyện phẫu thuật nội soi của Bệnh viện Bình Dân.
Nói về đam mê đưa anh trở thành một phẫu thuật viên giỏi như anh đã từng là một vận động viên bóng bàn đỉnh cao, bác sĩ Phạm Phú Phát trầm ngâm: “Đứng ở khía cạnh khoa học, tôi thích những lĩnh vực khó, những kỹ thuật có thể duy trì lâu dài cho thế hệ sau hơn là những kiểu thời trang, chạy theo mốt rồi vụt tắt. Có những kỹ thuật trong y khoa chỉ sau ba năm đã tụt hậu, phải thay thế bằng phương pháp mới. Còn cách mổ cắt bỏ một phần thận đã kéo dài 10 năm nay và đang được các nhà khoa học tìm hướng phát triển lên cao hơn”.
|
Bác sĩ Phạm Phú Phát (bên phải) mổ nội soi cắt một phần thận cho bệnh nhân ung thư thận |
Mỗi năm, Bệnh viện Bình Dân có đến 200 ca ung thư thận đến điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân suy thận ngày càng tăng và số lượng bệnh nhân chờ ghép thận ngày càng nhiều, nhưng quá ít người cho thận cứu người. Do đó, việc ứng dụng kỹ thuật cắt một phần thận là nhu cầu cấp thiết.
Sau bao nhiêu năm tâm huyết nghề y, bác sĩ Phạm Phú Phát vừa đoạt giải KOVA với đề tài nghiên cứu “Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trong điều trị ung thư thận”.
Ở tuổi 53, mái tóc gần như bạc trắng, anh suy tư: “Nghề y cực quá. Nhưng y đức cũng như nghiệp bám vào người, tôi lo vật lộn với những khối ung thư để cứu bệnh nhân, gần như không còn thời gian cho bản thân, gia đình”. Nhưng anh không muốn bỏ nghề, bởi theo anh, làm bác sĩ sẽ nhân hạt giống tâm hồn, kết nối tình yêu thương cho bệnh nhân và gia đình.
Có lúc nào anh sợ run tay, không mổ được cho người bệnh nữa không? “Mai này, đời mình sẽ qua nên tôi mong các bác sĩ trẻ mới ra trường hãy tiếp cận ngay các kỹ thuật khó để y học nước nhà không tụt hậu. Lúc đó, mọi người bệnh đều được tiếp cận kỹ thuật này, chứ không cần phải đến Bệnh viện Bình Dân”, bác sĩ Phạm Phú Phát kỳ vọng.
Văn Thanh