Có dễ mười năm tôi không về làng cũ, nơi tôi trải qua gần như trọn vẹn tuổi thơ mình. Thời đầu trần chân đất cầm que tre đi sau lưng đàn bò với ống quần bên thấp bên cao để sẵn sàng lao xuống mương tát cá hoặc đuổi theo con bò hỗn, dám thè lưỡi ngoạm lén bụi lúa gần bờ.
Cậu con út, cháu con đầu nên cậu chỉ hơn tôi năm tuổi. “Năm tuổi nhưng là hai thế hệ khác nhau nhé!”, cậu thường nói tôi thế khi tôi được giấy khen, được ông khen hay các dì cho quà mỗi khi đi chợ tỉnh về. Dù là cháu, lại nhỏ tuổi nhưng tôi thường bị đòn nhiều hơn cậu vì ông để mắt đến tôi rất dữ. Ông nói: “Mày là cháu, lỡ có gì tao không đền cho bố mẹ mày được!”. Tôi không biết ông nói thế cho tôi khỏi buồn, hay bởi ông… bó phép trước sự bênh vực và thương chiều con của bà.
|
Ảnh: Internet |
Cậu tôi, vừa ra đời đã mang danh đích tôn, trưởng họ, tôi nghe người ta nói “sau này chuyện lớn bé gì cả họ phải trông chờ vào nó!” và tôi tủi thân không ít khi là con gái. Tôi chỉ biết âm thầm phục thù bằng cách thứ gì cũng phải hơn cậu, cho cậu bét nhè!
Cậu tôi hai mươi, như con nghé mới vực, dù không đến nỗi hư hỏng nhưng lêu lổng lười biếng thì có, ông phải gấp gáp tìm vợ cho cậu, là một phụ nữ đảm đang, hiền lành và nhu nhược. Khi cậu mợ cưới, tôi đã không còn ở làng nhưng khi về thăm, tôi đã… lắc đầu với mợ. Mợ chu đáo quán xuyến hết chuyện trong nhà ngoài họ, nhưng cậu chỉ trừng mắt là mợ im thít. Lúc này ông tôi đã mất, và cậu kịp cho ông nhìn thấy mặt “thằng cháu đích tôn”, thành tích này khiến cậu vênh vang hể hả lắm.
Khuya, tôi lôi mợ ra đồng, hai mợ cháu ngồi giữa cánh đồng trơ gốc rạ nói với nhau rất nhiều, mà hầu như chỉ mình tôi nói, mợ chỉ nghe và thút thít khóc. Tôi nói mợ mà không cứng rồi thằng Tí cũng đi theo vết chân cậu thôi, mợ đừng nuông chiều nó, làm ơn quên đi cái danh đích tôn, trưởng họ. Đích làm gì khi người ta đi xa về gần học hành làm việc thì cậu tôi bám làng không đi đâu xa sợ “giỗ chạp không ai đứng ra, ma chay không ai xăn áo”, và một ngày cậu tụ sòng đâu sáu bảy tiếng, hai tiếng ra đồng lượn lờ và thời gian còn lại trong ngày dành cho việc ngủ.
Cậu là trưởng họ mà không nhìn thấy nhà mình rách nát từ thời ông bà, trong khi các em chi dưới người mái bằng người lên tầng, đi làm đồng bằng xe máy. Cậu cũng có xe máy nhưng bằng tiền mợ vay mượn và bán lúa non. Các chị có nói thì cậu gạt phăng, có lần còn nói hỗn: “Chướng mắt thì đừng về!”.
Làm sao các chị cậu không về khi bàn thờ tổ tiên ông bà còn ở đây?
Rồi cậu bệnh, lại mắc căn bệnh của nhà giàu. Tôi không biết rủi hay may khi thời gian đầu cậu coi thường không thèm khám chữa, để bệnh phát triển khá nhanh, và chưa đầy một năm, cậu đi. Nợ nần cậu để lại cho mợ và mấy đứa trẻ không phải quá lớn, trong lúc đau buồn, không hiểu sao tôi lại bật thốt: “Cậu là cậu ấm, không có sức chịu đau, cậu đi nhanh vậy cũng nhẹ thân cậu”. Lạ là các dì tôi đều im lặng như đồng tình.
|
Ảnh minh họa |
Thằng Tí năm nay đã hai mươi hai, vừa học xong cao đẳng, nó theo mấy chú bác trong xóm làm nghề. Không hiểu sao tôi lại thấy nó đang từng bước bước vào con đường của bố nó ngày trước khi ráo hoảnh trả lời khi tôi ngỏ ý: “Em không đi làm xa đâu, làm gần có gì còn về!”
Tôi bực mình hỏi dồn: “Có gì là có gì? Chuyện nhà cửa chẳng lẽ mẹ em và các bác không làm được chắc, lại phải cần thằng bé chíp hôi như em? Mai kia em còn trách nhiệm với gia đình riêng của mình nữa. Em không phải thánh để gánh tất cả những chuyện làng chuyện họ!”. Nó có vẻ tự ái vì bị gọi “chíp hôi”, nhưng cũng cố phản ứng yếu ớt: “Mẹ em không cho em đi xa đâu!”
Nó lôi mẹ nó, là bà mợ nhu nhược của tôi ra làm bình phong. Mấy ngày tôi về đưa cậu, thấy nó mặc áo tang còn tranh thủ cày game trên điện thoại, thấy mợ người nhỏ như con chim chích vẫn khòm lưng kéo từng gàu nước đổ vào thau cho thằng “trưởng họ” hai mấy tuổi tắm, và mình ngồi hì hục vò quần áo cho cả nhà, trong khi những nhà trong làng đã dùng nước máy hoặc nước giếng khoan.
Tôi lại kéo mợ ra đồng, đồng làng vào những ngày nắng nung đến tối vẫn chưa hết nóng. Vẫn như mười năm trước, tôi nói, mợ nghe, mẹ tôi và các dì cũng ra theo. Những người phụ nữ có cùng nỗi lo về một thằng “đích tôn”. Trái với lần trước, lần này mợ cứng rắn: “Em xin nghe các bác!”.
|
Ảnh: Internet |
Tôi nắm bàn tay nhỏ thó thô ráp lục cục xương của mợ, sực nhớ mợ hơn tôi bốn tuổi mà già ngang mẹ tôi. Tôi tự hỏi có ngày nào mợ được nghĩ cho mình hay sống cho mình? Tôi ôm lưng mợ, vòng lưng chỉ nhỉnh hơn chẹn tay: “Buông tay đi mợ, tụi nó đủ lông cánh lâu rồi. Việc của chúng là phải tự bay.”
Tất nhiên, sẽ có những bàn tay kịp thời đỡ chúng.
Thanh Bình