Robot tập đi cho bệnh nhân liệt chân

21/03/2021 - 06:15

PNO - Lần đầu tiên tại TP.HCM, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Bệnh viện 1A) đưa robot tập đi vào trị liệu, giúp bệnh nhân sải bước sau những tháng ngày bị liệt.

 

Clip robot tập đi

8g sáng, Bệnh viện 1A tất bật khi phòng tập vật lý trị liệu có tới 14 bệnh nhân đang nằm tập kéo sức cơ, ngồi gần đó là vài chục người bệnh chờ gọi tên.

Robot tập đi cho nhẹ đôi vai mẹ

:Kỹ thuật viên đang kiểm tra các thông số sức khỏe của bệnh nhân Khang trước khi cho robot tập đi.
Kỹ thuật viên đang kiểm tra các thông số sức khỏe của bệnh nhân Khang trước khi cho robot tập đi

8g30, bệnh nhân Y Vĩnh Khang (42 tuổi, nhà ở Q.Tân Phú, TP.HCM), bị di chứng đột quỵ phải ngồi xe lăn, được đẩy vào phòng tập đi với robot. Kỹ thuật viên Huỳnh Hùng Mạnh kiểm tra lượng pin đã sạc từ đêm qua rồi khởi động các thông số. Sau một phút, robot báo hiệu ổn định, bệnh nhân được hai kỹ thuật viên dìu từ xe lăn vào trước thân robot. 

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Yến Oanh điều chỉnh độ cao của đai, cố định phần đùi và cẳng chân của bệnh nhân Khang giúp robot nhận diện, kỹ thuật viên Huỳnh Hùng Mạnh mở màn hình cảm ứng trên thân robot để kiểm tra dữ liệu. Ngay lập tức, robot hiện thông tin của bệnh nhân, chiều cao 1,60m; cân nặng 52kg; chiều dài cẳng chân 87cm, bắp chân 47cm, đùi 40cm... 

Anh Mạnh giải thích, đây là lần thứ hai bệnh nhân Khang tập đi nên robot đã lưu lại những thông tin trước đây. Robot cũng nhận dạng anh là bệnh nhân thứ 14 được robot tập đi. Nói dứt lời, anh Mạnh kiểm tra lại khoảng cách sải bước chân và tốc độ đi của bệnh nhân mà bác sĩ đã chỉ định trước đó. Xong, anh bấm nút điều khiển, robot di chuyển êm ái, bệnh nhân Khang sải từng bước đều tăm tắp. Bàn chân phải vừa nhón gót nâng lên thì mũi bàn chân trái đã hạ xuống. 

Anh Khang có thể tự bước đi với robot mà không phải ngồi xe lăn.
Anh Khang có thể tự bước đi với robot mà không phải ngồi xe lăn

Bước một đoạn khoảng ba phút, bệnh nhân tự điều khiển quay đầu để tránh đụng tường. Bệnh nhân vừa sải bước, màn hình trên máy cập nhật các thông số về quãng đường đã đi là 11m, tốc độ 0,5km/giờ trong thời gian 1 phút 19 giây. Mục tiêu của bệnh nhân Khang phải tập cho được 30 phút trong sáng nay.

Anh kể: “Trước tết chừng một tháng, đang ăn trưa thì tôi chóng mặt rồi ngã lăn ra. Tôi được mẹ và vợ đưa vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu tai biến mạch máu não. Xong, tôi được xuất viện về nhà tập duỗi chân, tay, tập đứng, tập lê từng bước để không bị liệt. Nhìn cảnh mẹ và vợ phải dìu tôi từng bước, nhiều khi xốc tôi lên vài phút đã mệt lả; còn tôi thì đứng xiêu vẹo, thấy đau lòng quá”.

Cuối cùng, anh Khang đến bệnh viện để tập vật lý trị liệu. Sau hai tuần, dù vẫn còn ngồi xe lăn nhưng sức cơ tốt dần lên nên bác sĩ cho anh tập đi với robot. Anh vui mừng nói: “Tập đi với robot để mẹ và vợ được nhẹ đôi vai. Hành lang rộng, sạch sẽ nên tôi có thể thoải mái bước tới, chứ không e dè như ngồi xe lăn”. 

Các thông số của bệnh nhân được hiện lên trên màn hình của robot
Các thông số của bệnh nhân được hiện lên trên màn hình của robot

Ưu điểm khi tập đi với robot

Bệnh viện 1A là nơi đầu tiên tại TPHCM đưa robot tập đi vào phục hồi chức năng di chuyển sớm cho bệnh nhân yếu, liệt chân do di chứng đột quỵ, tổn thương tủy sống, parkinson, xơ cứng rải rác... Robot được nhập từ Hàn Quốc và hiện người bệnh được tập đi miễn phí. Sắp tới, bệnh viện đề xuất được bảo hiểm y tế chi trả. 

Kỹ thuật viên Huỳnh Hùng Mạnh nhớ lại: “Nếu ai đã chứng kiến người bệnh sải được bước đầu tiên sau thời gian nằm liệt giường sẽ cảm nhận được họ hồi sinh lần nữa. Có lần, họ cầm tay tôi thật chặt, mắt đỏ hoe khiến tôi cũng vui lây. Dù có robot tập đi nhưng kỹ thuật viên phải luôn sát bên để động viên, khích lệ, theo dõi sức khỏe người bệnh và xử lý, điều chỉnh robot trong những tình huống cần thiết”.

Thạc sĩ Trần Thái Học, Trưởng khoa Phục hồi chứng năng của bệnh viện, thông tin, trước đây, khi chưa có robot, kỹ thuật viên phải tập đi cho bệnh nhân, mất nhiều công sức nhưng không hiệu quả bằng robot.

Ưu điểm đầu tiên của robot là giúp bệnh nhân sải những bước “chuẩn không cần chỉnh”. Ví dụ, người bệnh chân yếu bước ngắn, chân lành bước dài hơn, và bước không đúng chu kỳ (không đẩy gót chân, gập gối mà đưa hẳn cẳng chân lên trước, hoặc đánh vòng ra ngoài để bước do không gập gối và gập cổ chân…).

Nếu đi sai thì sau này khó sửa, dáng đi không đẹp. Mặt khác, với những cử động lặp đi lặp lại nhiều lần khi tập đi với robot sẽ kích thích não bộ, tạo đường truyền thần kinh mới cho cử động đi này, giúp chức năng vận động được phục hồi. 

Lợi ích nữa của robot tập đi là “giải phóng” sức lao động cho kỹ thuật viên trị liệu và cả người nhà bệnh nhân. Mỗi ngày có hơn 100 người bệnh trong số 300 bệnh nhân đến điều trị tại khoa cần phục hồi chức năng di chuyển. Do đó, kỹ thuật viên khi tập đi “thủ công” sẽ không còn thời gian, sức lực để thực hiện các bài tập vận động như: điều hợp, thăng bằng, sức cơ, kéo giãn… cho bệnh nhân khác.

Robot hỗ trợ kỹ thuật viên lẫn người bệnh chuẩn xác hơn khi tập đi
Robot hỗ trợ kỹ thuật viên lẫn người bệnh chuẩn xác hơn khi tập đi

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Yến Oanh cho biết, nhờ robot tập đi cho sáu người vào mỗi buổi sáng nên chị còn sức lực để chăm lo cho những bệnh nhân còn lại.

Tùy vào sức khỏe người bệnh, robot tập đi sẽ được điều chỉnh vận tốc từ 0,5 - 2km/giờ, buổi tập kéo dài từ 30 - 60 phút. Tuy nhiên, nếu người bệnh hôm đó không ổn định về huyết áp, tim mạch thì bác sĩ sẽ cho ngưng. Mỗi bệnh nhân sẽ được robot tập đi cách ngày, những ngày xen kẽ sẽ được tập sức bền, giãn cơ, tập đứng, tập ngồi… tại giường bệnh.

Lợi ích thứ ba của robot tập đi là khi đặt bệnh nhân vào tư thế đứng, trọng lực dồn lên chân, kích thích các cảm thụ bản thể ở chân, từ đó kích thích các cơ ở chân hoạt động.

Tư thế đứng còn giúp tăng cường hoạt động của hệ tim mạch và tránh các biến chứng ở tư thế nằm như: loãng xương, lở loét, sỏi thận, viêm phổi, nguy hiểm là hình thành cục máu đông…

Cuối cùng, robot tập đi còn giúp người bệnh có cảm giác phấn chấn, lạc quan khi không phải là “gánh nặng” của gia đình, từ đó cơ thể tiết ra những hormone có lợi, giúp sức khỏe phục hồi nhanh hơn. 

Bệnh nhân được thiết kế bài tập đi riêng

Người bệnh sẽ được đo chiều dài chân, khám, đánh giá kỹ mức độ tổn thương vận động bằng các kỹ thuật thích hợp như: đo tầm vận động khớp, sức cơ bằng tay, trương lực cơ hay các thử nghiệm chức năng chuyên biệt… Nhờ mô phỏng chính xác cử động tập luyện, bác sĩ sẽ thiết kế bài tập riêng phù hợp với sức khỏe và bệnh lý. 

Văn Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI