Robot AI ghi dấu ấn với hơn 100 ca mổ u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não thành công

23/12/2024 - 08:35

PNO - Ngày 22/12, tại TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh công bố đạt mốc kỷ lục 100 ca mổ u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não bằng Robot AI Modus V Synaptive với kết quả an toàn cao, giúp người bệnh thoát cửa tử, hồi sinh cuộc sống.

Bộ Y tế đã cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM ứng dụng kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI, đồng thời chỉ định bệnh viện đào tạo, nhân rộng chuyên môn này, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ y tế.

ThS. BS. CKII Chu Tấn Sĩ là người đầu tiên thực hiện mổ u não, u tủy sống bằng Robot AI - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
ThS. BS. CKII Chu Tấn Sĩ là người đầu tiên thực hiện mổ u não, u tủy sống bằng Robot AI - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, kỹ thuật này giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ mổ não bằng Robot AI hiện đại. Ngoài Việt Nam, thế giới chỉ có 14 nước sử dụng, đa phần ở các quốc gia phát triển.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (giữa) và ê kíp phẫu thuật mổ não bằng Robot AI cho người bệnh - Ảnh: Bình An
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (giữa) và ê kíp phẫu thuật mổ não bằng Robot AI cho người bệnh - Ảnh: Bình An

Theo ThS. BS. CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM - trong các ca mổ não và tủy sống truyền thống, các bác sĩ gặp hạn chế khi chỉ quan sát được khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành trên từng hình ảnh riêng biệt (X-quang, CT, MRI).

Bác sĩ không thể thấy rõ toàn diện các cấu trúc trong não trên cùng một hình ảnh, không thể chủ động định vị trước đường mổ an toàn. Do đó, khi mổ, bác sĩ có nguy cơ phạm phải các bó sợi thần kinh, cấu trúc não lành hoặc làm vỡ thêm mạch máu lớn, khiến người bệnh đối mặt di chứng, khiếm khuyết chức năng thần kinh.

Trong khi đó, Robot AI có khả năng hòa hình CT, MRI, DTI, DSA… giúp bác sĩ quan sát toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống bao gồm cả khối u, khối máu tụ trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều, độ phân giải cao. Từ đó, định vị chính xác khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh. Công nghệ AI còn chỉ ra các hướng tiếp cận khối u, khối máu tụ an toàn từ bên ngoài hộp sọ, tránh gây tổn thương các cấu trúc lành.

Robot AI cho phép bác sĩ "mổ mô phỏng" trên phần mềm chuyên dụng, từ đó chủ động nghiên cứu, lựa chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống an toàn và hiệu quả nhất.

Khi mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ, mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. “Hệ thống cánh tay robot Robot AI di chuyển tự động theo dụng cụ mổ hoặc giọng nói và phát tín hiệu cảnh báo xanh (an toàn), vàng (cảnh giác), đỏ (đi chệch hướng) để xác quyết “real time” (ngay tức thì) cho đường mổ an toàn” - bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Khi tiếp cận khối u, hệ thống “cắt hút siêu âm Cusa” chuyên dụng sẽ “đánh nhỏ”, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống. Người bệnh được bảo toàn tối đa chức năng thần kinh, phục hồi nhanh, về nhà sớm - điều mà kỹ thuật mổ truyền thống không thể làm được.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ê kíp thực hiện mổ não bằng Robot AI

Chị Thanh Thúy, 42 tuổi, có khối u màng não ở vùng yên và trên yên khá lớn, kích thước khoảng 5cm. Khối u phát triển đè lên và ôm trọn dây thần kinh thị giác khiến bệnh nhân mù mắt phải và thị lực mắt trái còn 2/10. Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM mổ lấy u với sự trợ giúp của Robot AI Modus V Synaptive. Sau 24 giờ mổ, bệnh nhân nhìn thấy rõ hơn bằng cả hai mắt.

Phẫu thuật u não 5cm bằng Robot AI giúp chị Thanh Thúy nhìn thấy ánh sáng. Trước đó chị mù một mắt, mắt còn lại thị lực 2/10 - Ảnh: Bình An
Phẫu thuật u não 5cm bằng Robot AI giúp chị Thanh Thúy nhìn thấy ánh sáng. Trước đó chị mù một mắt, mắt còn lại thị lực 2/10 - Ảnh: Bình An

Chứng kiến nhiều người bệnh u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não… hồi phục, khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, thậm chí cận kề cái chết, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ cho biết “thật sự xúc động”.

Bác sĩ Tấn Sĩ hiện là kỷ lục gia châu Á, người đầu tiên mổ não bằng Robot AI. Ông hiện tại cũng là người đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam học kỹ thuật mổ não thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não bằng Robot AI theo kỹ thuật ENRICH tại Viện Nghiên cứu Thần kinh Aurora, Wisconsin, Mỹ và triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo cấp phép của Bộ Y tế.

Đây là kỹ thuật mới được Hội Đột quỵ thế giới đánh giá là “cuộc cách mạng” trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não.

Tuệ Diễm

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI