Sau làn sóng làm phim hài, những phim Việt ra rạp sắp tới đây bắt đầu chuyển sang lấy nước mắt hoặc khơi gợi những hoài niệm nơi người xem. Tập trung khai thác về số phận con người, nhấn mạnh vào khía cạnh tình cảm và tìm về những giá trị văn hóa xưa là cách mà các nhà làm phim đang hướng đến, nhằm đổi màu cho phim Việt.
Trong tháng Ba này, khán giả đang mong chờ hai phim VN ra rạp là Dạ cổ hoài lang (khởi chiếu ngày 24/3) và Lô tô (khởi chiếu ngày 31/3). Nếu như Dạ cổ hoài lang đong đầy cảm xúc về câu chuyện của hai ông lão tha hương và những khác biệt văn hóa Đông Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, thì Lô tô phác họa cuộc sống của những phận đời trôi sông lạc chợ, những con người thuộc giới tính thứ ba.
Cuộc đời của ông Tư, ông Năm - hai nhân vật chính trong Dạ cổ hoài lang hay đời sống của những người đồng tính rày đây mai đó với gánh hát của mình không xa lạ gì với người xem, vì vở diễn Dạ cổ hoài lang trên sân khấu kịch quá quen thuộc hay bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã rất ăn khách, nhưng khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, cả hai phim hứa hẹn sẽ lấy nước mắt người xem.
|
Liệu câu chuyện của hai ông già tha hương và những dị biệt hóa trong bộ phim Dạ cổ hoài lang có đủ sức lay động khán giả như vở kịch cùng tên? |
Sau Dạ cổ hoài lang và Lô tô, khán giả sẽ còn có dịp rơi lệ với hai bộ phim mà chỉ mới qua cái tựa đã thấy lòng rưng rưng: Cha cõng con (ngày 5/4), Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (ngày 5/5).
Cùng tôn vinh ơn nghĩa sinh thành, phim trước kể về một cậu bé tên Cá mơ ước được chạm tay vào những đám mây trên trời nhưng bệnh tình không cho phép nên cha Cá - người đàn ông cả đời đánh cá trên sông - đã cõng Cá đi mãi để con được nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể. Phim sau là câu chuyện về bà Tư - người đàn bà 30 năm ngậm đắng nuốt cay chờ đợi đứa con bị hàng xóm khẳng định là kẻ giết người lưu lạc trở về.
Lâu nay trong phim ảnh, con người luôn là trung tâm của câu chuyện. Những bộ phim được tôn vinh là phim hay nhất của năm như 12 years a slave, The Artist hay mới đây là Moonlight bao giờ cũng xoáy sâu vào số phận con người, phơi bày những tâm tư tình cảm, góc khuất của họ. Điều này các nhà làm phim Việt trước giờ chưa thực sự chú trọng, bởi phim hài mới là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà làm phim.
Tuy nhiên, khi người xem đã chán ngán với những bộ phim ăn xổi, hài nhảm vô thưởng vô phạt thì nảy sinh tâm lý bắt đầu muốn tìm đến những tác phẩm có sức lắng đọng, khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, về con người. Điều này lập tức được kiểm chứng bằng thành công phòng vé của Em là bà nội của anh, Nắng hay Sài Gòn anh yêu em - những tác phẩm làm người xem thổn thức vì sự dung dị của cuộc sống, sự chân thật đến từ những mảnh đời của nhân vật.
Bên cạnh việc khai thác những phận người, phận đời, qua đó tôn vinh những giá trị tình cảm tốt đẹp của tình mẫu tử - phụ tử, tình bạn, tình làng nghĩa xóm, tình người với nhau, các nhà sản xuất hiện nay còn chuộng xu hướng làm phim có yếu tố khơi gợi những hoài niệm xưa, những giá trị văn hóa sắp mai một.
Em là bà nội của anh thành công khi nhắc nhớ về thời trang Sài Gòn xưa, Sài Gòn anh yêu em đi vào lòng người khi phác họa rõ nét khí chất hào sảng của người Sài Gòn, giới thiệu những nét riêng của Sài Gòn. Đi theo tiếng vang của các phim trên có hai dự án sắp triển khai: Mẹ chồng của Lý Minh Thắng và Cô Ba Sài Gòn của Ngô Thanh Vân.
Đạo diễn phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Mai Thế Hiệp chia sẻ: “Khán giả đã đến lúc bội thực phim hài nên có nhu cầu chuyển hướng sang xem những thể loại khác. Làm phim lấy nước mắt dễ hơn mua tiếng cười vì chỉ cần diễn viên diễn chân thật là người xem rớt nước mắt ngay.
Với phim hài, diễn xuất phải quăng bắt đúng nhịp, khó hơn nhiều so với hài trên sân khấu, chưa kể diễn viên phải có duyên hài. Thoại trong phim hài cũng phải chú trọng sao cho có thể gây cười, còn thoại trong phim tình cảm không cần quá chăm chút, vì chỉ một câu nói thì không thể khiến người xem bật khóc mà cảm xúc phải dồn nén dần dần mới bung ra”.
Lý Minh Thắng - nhà sản xuất phim Lô tô và là đạo diễn phim Mẹ chồng cho biết: “Thời buổi hiện đại, khán giả có tâm lý thích trở về với những hoài niệm xa xưa. Bản thân tôi cũng muốn gợi lại cho người xem nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, mà theo năm tháng người ta có thể dần quên lãng.
Trong phim Mẹ chồng nói về thân phận người phụ nữ sắp bấm máy vào tháng Sáu tới, khán giả sẽ có dịp khám phá ra những món ăn xưa, đắm mình trong những câu hát ru - những điều hết sức gần gũi với thế hệ trước nhưng xa lạ với thế hệ ngày nay”.
Xu hướng “mua” nước mắt và “bán” hoài niệm sẽ tạm thời chiếm ưu thế trên màn ảnh rộng trong năm nay bởi tâm lý đám đông ở ta thường là “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”.
Sự đổi dòng, đổi màu này của điện ảnh Việt liệu có được công chúng đón nhận nồng nhiệt không còn phải chờ thêm ít thời gian nữa mới có câu trả lời, nhưng hy vọng dòng phim này không bị chết yểu, không làm cho người xem thêm mất lòng tin vào phim Việt như đã từng chán ngán với các phim hài nhảm.
Hương Nhu