Rộ xu hướng kinh doanh sản phẩm “ăn theo” phim ảnh

23/09/2024 - 08:42

PNO - Kinh doanh các sản phẩm “ăn theo” phim là ngành kinh doanh hái ra tiền ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Gần đây, xu hướng này bắt đầu nở rộ, đánh dấu sự giao duyên thú vị giữa phim ảnh với các thương hiệu Việt.

Cũ người mới ta

Mới đây, phim Ngày xưa có một chuyện tình (dự kiến chiếu ngày 1/11) và Nhà xuất bản (NXB) Trẻ đã ra mắt 2 phiên bản sách đặc biệt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một phiên bản khổ thông thường có kèm poster hình 3 diễn viên chính cùng postcard từ phim. Phiên bản còn lại là khổ mini có bìa sử dụng hình từ phim. Bà Đào Mai Ly - Trưởng phòng Truyền thông NXB Trẻ - cho biết: “NXB Trẻ trước đây đã phát hành những phiên bản sách nhân dịp ra mắt phim như Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương đông Mắt biếc.

2 phiên bản sách đặc biệt “ăn theo” phim Ngày xưa có một chuyện tình (ảnh trên) và vật phẩm nước hoa của Nâu Nâu “ăn theo” phim Cám (ảnh dưới)
2 phiên bản sách đặc biệt “ăn theo” phim Ngày xưa có một chuyện tình (ảnh trên) và vật phẩm nước hoa của Nâu Nâu “ăn theo” phim Cám (ảnh dưới)

Nếu như Mắt biếc tặng kèm sổ tay có hình ảnh trong phim thì lần này Ngày xưa có một chuyện tình có 2 khổ sách, quà tặng, bìa và giá bán cũng khác nhau, tạo thêm lựa chọn cho bạn đọc. Đoàn phim cũng dành bộ hình chụp đặc sắc để đưa vào các phiên bản sách. Hy vọng người đã đọc sách sẽ có sự chờ đợi với phim và bộ phim cũng sẽ thôi thúc ai chưa đọc thử sẽ tìm đọc nguyên tác”.

Phim Cám vừa khởi chiếu cũng ra mắt bộ sản phẩm đồng hành đa dạng từ quần áo, nước hoa, đồ gốm cho đến bánh trung thu, thẻ bài chơi game. Đây là kết quả hợp tác giữa nhà sản xuất Production Q với 8 thương hiệu Việt gồm Nâu Nâu, Nắng Ceramics, Moonalisa, CaoStu, The Mad Lab, Scott Platon, Icon Denim và Meeple In Saigon.

Nhà sản xuất Hoàng Quân của phim Cám cho biết: “Mục tiêu chính khi hợp tác với các nhãn hàng là quảng bá văn hóa và tài sản trí tuệ (IP) Việt, sau đó mới là thử nghiệm các sản phẩm phù hợp với thị trường và khán giả. Chúng tôi mong muốn mang đến những trải nghiệm sâu sắc hơn cho khán giả. Đó không chỉ giới hạn ở việc xem phim mà còn là sở hữu những món đồ liên quan, tạo ra một cộng đồng những người ủng hộ IP Việt Nam. Việc hợp tác cũng giúp các thương hiệu tăng cường sự hiện diện đối với nhóm khán giả xem phim, theo dõi phim”.

Ngoài 2 phim trên còn có phim Kính vạn hoa bắt tay với thương hiệu thời trang Grimm DC cho ra mắt sản phẩm “ăn theo”. Anh Phan Thanh Duy - nhà sáng lập Grimm DC - “bật mí”: “Bộ sưu tập thời trang Kính vạn hoa gồm 10 vật phẩm, sẽ được đặt trước vào tháng Mười một song song với việc đặt vé trước. Khi khách hàng đặt combo vé xem phim, các sản phẩm sẽ đến tận tay vào dịp phim khởi chiếu, với mức giá ưu đãi”.

Tín hiệu vui ban đầu

Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết: “Phim Cám mang đậm chất Việt nên tôi nhận thấy việc đồng hành với các thương hiệu nội địa không chỉ giúp quảng bá văn hóa Việt mà còn tạo ra các sản phẩm thương mại độc đáo, từ thời trang đến mỹ phẩm, đồ gốm, đồ chơi và board game phù hợp với xu hướng hiện đại. Trước đây, tôi đã sản xuất nhiều phim kinh dị, nhưng việc bắt tay với các nhãn hàng chỉ trở thành hiện thực khi tôi cảm thấy đã đến thời điểm thị trường và khán giả đủ sẵn sàng để đón nhận những trải nghiệm đa chiều, từ rạp phim đến sản phẩm thực tế. Đặc biệt, với board game và art toy - những sản phẩm có lượng người dùng quốc tế cao - đây là cơ hội để quảng bá cho các IP nội”.

Các sản phẩm phát hành kèm phim
Các sản phẩm phát hành kèm phim Ngày xưa có một chuyện tình

Bước đầu xu hướng mới này đã nhận được tín hiệu vui. Theo bà Đào Mai Ly, ngay ngày phát hành chính thức 19/9, 2 phiên bản sách đặc biệt Ngày xưa có một chuyện tình được tái bản với cùng số lượng như lần in đầu vì nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ bạn đọc. Nhà sản xuất Hoàng Quân khoe: “Bộ board game đã bán 2.000 bộ - một kỷ lục ấn tượng đối với board game xuất phát từ IP Việt. Ngoài ra, có ít nhất 2 đối tác nước ngoài bày tỏ mong muốn mua bản quyền phát hành độc quyền bộ board game trên toàn cầu, cho thấy các sản phẩm này có tiềm năng vươn xa ngoài biên giới Việt Nam”.

Thông qua các sản phẩm “ăn theo”, nhà làm phim tạo ra sợi dây kết nối cảm xúc giữa thương hiệu với người dùng. Mối giao duyên giữa phim ảnh và thương hiệu Việt đem lại lợi ích cho 2 bên. Bà Dương Hải Yến - Giám đốc marketing của CJ HK Entertainment (đơn vị sản xuất phim Ngày xưa có một chuyện tình) - nhận định: “Xu hướng hợp tác giữa phim điện ảnh và các thương hiệu Việt đang được nhiều ê kíp chú trọng trong thời gian gần đây. Tùy thể loại và chất liệu của từng bộ phim mà mỗi ê kíp sẽ lựa chọn những sản phẩm kết hợp khác nhau. Việc hợp tác có thể góp phần lan tỏa hình ảnh và thông tin về bộ phim đến nhiều đối tượng khán giả hơn, tạo sự mong đợi phim ra rạp và ngược lại cũng giúp sản phẩm của thương hiệu Việt được quảng bá rộng rãi, tiếp cận khách hàng thông qua các kênh truyền thông chính thức của phim hay trang mạng xã hội của các diễn viên trong phim”.

Nhà sản xuất Hoàng Quân đồng tình: “Tiềm năng của xu hướng hợp tác này ở Việt Nam rất lớn, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm mang giá trị văn hóa và bản sắc địa phương. Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng đầu tư vào một IP Việt mà họ quen với việc mua bản quyền IP nước ngoài nhiều hơn. Ngoài ra, khối lượng công việc từ nghiên cứu sản phẩm, cho đến sản xuất mẫu, kiểm tra và tiến hành sản xuất, truyền thông là vô cùng lớn, cũng là một trong những thách thức của tôi. Chưa kể đến những vấn đề về tài chính và nguồn lực khi so sánh với các thương hiệu quốc tế”.

Huơng Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI