Rộ xu hướng “đi ăn một mình”

08/09/2024 - 06:00

PNO - Theo trang web đặt nhà hàng OpenTable, số lượng đặt chỗ cho bàn ăn một mình đã tăng 29% trong 2 năm qua tại Mỹ. Năm 2024, con số này ở Đức là 18%, ở Anh là 14%.

Parisa Imanirad - một nhà khoa học nghiên cứu ung thư tại Mỹ - cho biết mình đã kết hôn, có mối quan hệ xã hội rộng. Tuy nhiên, 1 hoặc 2 lần mỗi tuần, cô lại tự mình đến nhà hàng. Việc dùng bữa một mình giúp cô có thời gian để suy nghĩ hoặc đọc sách. Cô cố gắng không chạm vào điện thoại để tận hưởng sự thinh lặng. “Giống như ở spa, nhưng theo một kiểu khác” - Imanirad chia sẻ.

Nhà nghiên cứu ung thư Parisa Imanirad có thói quen đến nhà hàng một mình - Nguồn ảnh: AP
Nhà nghiên cứu ung thư Parisa Imanirad có thói quen đến nhà hàng một mình - Nguồn ảnh: AP

Imanirad không phải là người duy nhất thích những “bữa ăn 1 người”. Theo trang web đặt nhà hàng OpenTable, số lượng đặt chỗ cho bàn ăn một mình đã tăng 29% trong 2 năm qua tại Mỹ. Năm 2024, con số này ở Đức là 18%, ở Anh là 14%.

Nhật Bản thậm chí còn có một thuật ngữ đặc biệt để chỉ việc ăn uống một mình: ohitorisama. Đó là cách nói thể hiện sự tôn trọng người chỉ thích ăn một mình. Trong cuộc khảo sát gần đây, Viện Nghiên cứu ẩm thực Hot Pepper Gourmet của Nhật phát hiện ra rằng, 23% người dân nước này ăn uống một mình, tăng từ mức 18% vào năm 2018.

Debby Soo - Tổng giám đốc điều hành trang OpenTable - cho rằng: chế độ làm việc từ xa là một trong các lý do khiến thực khách tìm kiếm sự nghỉ ngơi khỏi “văn phòng tại nhà” của họ bằng việc dùng bữa một mình. “Tôi nghĩ rằng, có một phong trào rộng rãi hơn. Đó là tình yêu bản thân, ý thức tự chăm sóc và thực sự muốn tận hưởng sự cô đơn của riêng mỗi người” - bà Soo nói.
Giáo sư Anna Mattila (Đại học Penn State, Mỹ) đã nghiên cứu nghiêm túc về xu hướng ăn uống một mình.

Bà cho biết, đại dịch COVID-19 khiến các tương tác xã hội trở nên ít hơn, việc đi ăn bên ngoài cũng trở nên ít quan trọng hơn. Thêm một lý do lớn là điện thoại thông minh giúp con người cảm thấy kết nối được dễ dàng với người khác ngay cả khi ở một mình. “Các chuẩn mực xã hội đã thay đổi. Mọi người không còn nhìn những người ăn tối một mình với suy nghĩ rằng họ hẳn là một kẻ cô đơn nữa” - Mattila giải thích.

Theo trung tâm nghiên cứu Pew, sự gia tăng xu hướng trên còn do ngày càng có nhiều người sống độc thân. Năm 2019, có 38% người từ 25-54 tuổi ở Mỹ sống mà không có bạn đời, tăng từ mức 29% của năm 1990. Tại Nhật Bản, các hộ độc thân hiện chiếm 1/3 tổng số hộ dân. Chính phủ dự báo con số này ​​sẽ tăng lên 40% vào năm 2040. Bên cạnh đó, sự quan tâm ngày càng tăng đối với du lịch một mình - đặc biệt là du khách từ 55 tuổi trở lên - cũng làm cho nhu cầu dùng bữa một mình tăng lên.

Trong chuyến đi gần đây đến Lucerne (Thụy Sĩ), Carolyn Ray - Giám đốc điều hành kiêm biên tập viên của trang web JourneyWoman dành cho những phụ nữ lãng du một mình trên 50 tuổi - đã sửng sốt khi được nữ tiếp viên dẫn đến một chiếc bàn tuyệt đẹp có bình hoa trang trí xinh xắn nhìn ra hồ. Đó là bàn dành riêng cho thực khách đi một mình. Điều đó cho thấy các nhà hàng đã nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu của những thực khách một mình.

Quán ăn thuần chay sang trọng Avant Garden (New York, Mỹ) đã quyết định thuê nhóm tư vấn Lightspeed nhằm điều chỉnh không gian và thực đơn theo nhu cầu của người ăn uống một mình. Chủ quán Drew Brady cho biết nhóm thực khách này chiếm khoảng 8% khách hàng của họ và nhấn mạnh rằng, dịch vụ phục vụ thực khách đi một mình sẽ là hướng đầu tư thường xuyên, lâu dài của Avant Gardner.

“Dù có thể lỗ ngắn hạn nhưng chúng tôi đang hướng tới dài hạn và và mong muốn khẳng định chuỗi nhà hàng của mình thực sự là một nơi đặc biệt” - ông nói. Avant Garden hiện có khu vực dành riêng cho thực khách đi một mình với thực đơn 4 món giá 65 USD. Khi khách dùng bữa một mình gọi 1 ly cocktail, nhân viên sẽ đến pha chế ngay tại bàn của họ. Brady cho biết, khách đi ăn một mình khá đồng đều về giới tính.

Nhiều nhà hàng ở Nhật cũng đang thiết kế lại chỗ ngồi, thay đổi thực đơn và sáng tạo thêm những nét đặc biệt khác để thu hút thực khách một mình. “Ngay cả những nhà hàng mang danh nghĩa dành cho gia đình cũng đang tăng số lượng ghế ngồi tại quầy hoặc những bàn đơn lẻ cho các thực khách cô độc. Nhà hàng cũng phải cung cấp các món ăn với khẩu phần ít hơn để người ăn một mình có thể thưởng thức được nhiều món khác nhau” - Masahiro Inagaki - nhà nghiên cứu cao cấp tại Hot Pepper Gourmet - cho hay.

Nam Anh (theo AP, NYP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI