Rộ trào lưu dùng người ảo livestream bán hàng

05/01/2024 - 06:25

PNO - Nhiều cá nhân, tổ chức đang dùng người ảo được tạo từ phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để phát sóng trực tiếp (live stream) bán hàng thay cho người thật. Đây là cách làm mới, tiết kiệm được nhân sự nhưng cũng có nhiều nhược điểm.

Dùng người ảo quảng cáo sản phẩm

 “Tại sao bụng dưới lại to? Rất nhiều người không mập nhưng bụng dưới như có bầu 3-4 tháng, nhất là các ông hay uống rượu, bia. Đông y gọi đây là khí âm quá nhiều không đào thải được. Hãy làm theo công thức sau để đẩy hàn âm ra ngoài, lấy lại vóc dáng đón tết… Tại đây có bán 10 loại lá, nếu quan tâm thì ấn vào giỏ hàng bên góc trái màn hình”.

Đây là đoạn video quảng cáo của một đơn vị bán thảo dược, do một “thầy thuốc AI” trình bày. “Thầy” có giọng nói trầm ấm, đứng trong quầy thuốc được thiết kế theo phong cách cổ trang, trông rất đẹp. Lối nói của “thầy” khá ngắn gọn, súc tích, không gây phản cảm cho người xem như các video quảng cáo thảo dược do người thật trình bày. Đoạn video trên nhanh chóng thu hút 20.000 lượt thích, gần 10.000 lượt bình luận, 3.000 lượt chia sẻ trên Facebook chỉ sau vài ngày đăng. 

Một số người bán hàng ảo được tạo bởi AI đang được các cá nhân, tổ chức sử dụng trong các video quảng cáo trên Facebook
Một số người bán hàng ảo được tạo bởi AI đang được các cá nhân, tổ chức sử dụng trong các video quảng cáo trên Facebook

Các trang chuyên bán thảo dược giảm cân như “Sức khỏe cộng đồng - mỗi ngày một mẹo hay”, “Farm nông sản 37” cũng dùng người ảo từ AI thay người thật để quảng cáo. Điểm chung của các người ảo là có ngoại hình và trang phục bắt mắt, dễ thu hút người xem. 

Trong sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” diễn ra từ ngày 11 - 16/12/2023, một số đơn vị đã đưa người ảo live stream trên TikTok shop để bán hàng. Sau 18 giờ, các streamer ảo đã chốt được khoảng 900 đơn hàng từ 600 người mua, thu về hơn 150 triệu đồng. 

Trước đó, cuối tháng 10/2023, tại triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2003), cũng xuất hiện streamer ảo có khả năng trò chuyện, live stream bán hàng. 1 tuần sau đó, một công ty dược đã tạo ra người bán hàng ảo “Diễm Hằng AI” với khả năng nói được 60 ngôn ngữ để live stream 7 ngày 7 đêm liên tục trên TikTok và Shopee. 

Người ảo không thể bằng người thật

Chị Vũ Bích Hồng (Cô Ba Sài Gòn) - người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), vừa hỗ trợ tiểu thương chợ Bến Thành live stream bán hàng - cho biết, sử dụng người ảo từ AI để live stream bán hàng giúp đa dạng hóa hình ảnh quảng cáo cho kênh bán hàng nhưng người ảo không thể thay thế và có sức hút bằng người thật. 

Theo chị, live stream bán hàng là kết hợp giữa bán hàng và giải trí, khách dựa vào sự giải trí này để chốt đơn, nên cảm xúc của người live stream đóng vai trò rất quan trọng. Các streamer ảo cũng được cài đặt cảm xúc như nhoẻn miệng cười, nghiêng đầu, nâng tay nhưng cảm xúc này không chân thật. Trong buổi live stream, người mua thường nêu các thắc mắc về tính năng sản phẩm nên người ảo thường được cài đặt sẵn câu trả lời dựa trên các câu hỏi thường gặp này. Với những câu hỏi chưa từng xuất hiện, chưa được AI cập nhật, các streamer ảo sẽ không giải đáp được mà chỉ nói chung chung. Ngoài quảng bá sản phẩm và bán hàng, các KOL còn tư vấn cho chủ cửa hàng về những gói giảm giá trong phiên live stream để thu hút khách, bố trí nhân sự để chốt đơn, hướng dẫn cách chăm sóc khách hàng sau đó. Đây là những điều mà người ảo không thể làm được. 

“Có những phiên live stream, người mua yêu cầu giảm giá nhiều hơn mới chốt mua số lượng lớn. Người thật sẽ linh hoạt đồng ý giảm giá nếu được, còn người ảo thì không thể. Người thật có thể học hỏi và tự điều chỉnh cách live stream cho phù hợp hoàn cảnh nên không tốn nhiều chi phí về thiết bị, còn muốn dùng người ảo thì phải thông qua các công ty dịch vụ công nghệ, phải đầu tư thời gian quay, dựng, cài đặt nội dung. Do đó, người thật vẫn chủ động, có lợi thế và thu hút hơn người ảo” - chị Vũ Bích Hồng nhận định. 

Nhiều người nổi tiếng tham gia live stream bán hàng đạt kết quả tốt ở sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” diễn ra từ ngày 11 - 16/12/2023 - ẢNH: QUỐC THÁI
Nhiều người nổi tiếng tham gia live stream bán hàng đạt kết quả tốt ở sự kiện “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành” diễn ra từ ngày 11 - 16/12/2023 - Ảnh: Quốc Thái

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, một doanh nghiệp chú trọng bán hàng bằng hình thức live stream - cho biết ông chỉ sử dụng nhân viên của công ty hoặc nhờ các KOL live stream chứ không dùng người ảo. Lý do là người ảo tiện lợi, đẹp nhưng được mô phỏng từ gương mặt, khẩu hình, cử chỉ, thông tin cá nhân của người thật nên sẽ nảy sinh vấn đề bảo mật thông tin cá nhân; người ảo không truyền đạt được hết câu chuyện xoay quanh sản phẩm đến người xem. Việc đầu tư để tạo ra một nhân vật ảo tốn nhiều chi phí hơn mời người nổi tiếng. Trên thế giới, các doanh nghiệp vẫn chưa dùng AI để bán hàng mà chỉ dùng ở một số khâu chăm sóc khách hàng, tổng đài viên, soạn nội dung quảng cáo... Ông Nguyễn Ngọc Luận nhận định: người thật vẫn ưu việt hơn người ảo.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - thông tin, trong thời gian tới, Shopee vẫn dùng con người để live stream bán hàng chứ không dùng người ảo được tạo bằng phần mềm máy tính: “Số sản phẩm bán ra qua live stream trong các đợt siêu sale vừa qua đều tăng gấp 24-28 lần. Trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm âm lịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào live stream, tận dụng mạng lưới tiếp thị liên kết với các KOL đang được quan tâm nhất hiện nay để giúp doanh nghiệp trên sàn đạt doanh thu, mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”. 

Rủi ro nhiều hơn lợi ích

Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, công tác ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), việc sử dụng AI để live stream bán hàng cho các sạp ở chợ Bến Thành là một ví dụ điển hình cho xu hướng công nghệ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong tương lai, AI có khả năng thay thế con người do có nhiều lợi thế, như tự học hỏi dữ liệu để trở nên thông minh hơn, giúp tiết kiệm chi phí lao động và đào tạo nhân viên; có tính nhất quán, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hay sự mệt mỏi, có thể xử lý nhiều thao tác cùng lúc, giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng; có khả năng phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của khách hàng.

Tuy nhiên, AI cũng có mặt hạn chế, như không thể hiểu hết những nhu cầu cụ thể và cảm xúc của khách hàng; không thể linh hoạt như con người trong việc xử lý các tình huống bất ngờ hoặc phức tạp; việc thu thập và xử lý dữ liệu của AI có thể gây ra các nguy cơ về bảo mật thông tin, lừa đảo, giả mạo. “Chỉ nên sử dụng AI cho các tác vụ tự động hóa cơ bản, còn con người xử lý các tình huống phức tạp hơn. Muốn sử dụng AI, phải đầu tư mạnh mẽ vào các biện pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu khách hàng, hạn chế chia sẻ những thông tin nhạy cảm”- ông Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - khuyến cáo nhà bán hàng phải hết sức cân nhắc khi sử dụng AI bởi rủi ro cao hơn lợi ích. Do AI là sản phẩm kỹ thuật số nên dễ bị sao chép, làm giả. Nếu một nhãn hàng hay một cơ quan, tổ chức dùng AI tạo ra một nhân vật ảo để quảng bá sản phẩm cho mình thì những đối tượng lừa đảo có thể sao chép hình ảnh, giọng nói nhưng thay nội dung để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí thay bằng các nội dung vi phạm pháp luật thì hậu quả sẽ rất lớn. 

Thanh Hoa


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI