Rộ tin nhắn lừa đảo chào mời mại dâm - nhà mạng nói gì?

29/08/2023 - 05:54

PNO - Gần đây, điện thoại của chồng chị M.H. (quận Tân Bình, TPHCM) liên tục nhận được các tin nhắn “sẵn sàng đến tận nơi phục vụ tình dục”. Chị đã nhiều lần phản ánh với nhà mạng về tin nhắn rác nhưng không ăn thua.

Ngày nào cũng nhận được tin nhắn 

Theo chị M.H., nội dung các tin nhắn khá giống nhau: “nữ, 18 (hoặc 20) tuổi, dáng chuẩn, cần kiếm thu nhập, sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của khách, kể cả bạo dâm”. Có người giới thiệu rõ tên, tự nhận là sinh viên, công nhân, rồi để lại tài khoản Zalo, Telegram (ứng dụng nhắn tin trực tuyến) để tiếp thị hình ảnh, giao dịch. 

Gần đây, rất nhiều  nam giới dùng điện thoại  di động thường xuyên nhận được những tin nhắn  gạ tình kiểu như thế này -  Ảnh do nạn nhân cung cấp
Gần đây, rất nhiều nam giới dùng điện thoại di động thường xuyên nhận được những tin nhắn gạ tình kiểu như thế này - Ảnh do nạn nhân cung cấp

Mỗi tuần, anh T. (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng nhận được ít nhất 2 tin nhắn mồi chài bán dâm. Anh kể, nhiều bạn bè của anh cũng thường xuyên nhận được các tin nhắn tương tự. Đáng chú ý, có những tin nhắn có thêm các đường dẫn (link) mời tham gia hội, nhóm để nhận quà, kiếm tiền. 

Anh L. (quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, do tò mò anh nhấp vào link và trở thành thành viên “Nhóm nhận quà - internet Việt”. Một số người trong nhóm này tự nhận là nhân viên Công ty Truyền thông Internet Việt Nam, kèm giấy đăng ký kinh doanh. Mỗi ngày, anh chỉ cần vào nhóm điểm danh là nhận được 30.000 đồng, chơi một trò chơi nhỏ (mini game) trong đó thì có thêm 30.000 đồng, nhấn thích (like) các sản phẩm liên kết trên các sàn thương mại điện tử rồi báo cáo lại thì nhận tiếp 30.000 đồng. Các khoản này đều được chuyển vào tài khoản của anh.

Vài ngày sau, anh L. được yêu cầu làm nhiệm vụ để lấy hoa hồng. Anh chuyển 300.000 đồng theo hướng dẫn thì được chuyển lại 480.000 đồng. Ham lãi cao, anh chuyển 4,6 triệu đồng để được hoàn 6 triệu đồng, nhưng không được. “Họ yêu cầu tôi phải chuyển thêm 6,8 triệu đồng nữa, mới được trả 6 triệu đồng (gồm 4,6 triệu đồng tiền gốc và 1,4 triệu đồng tiền lãi). Tôi làm theo yêu cầu như các thành viên khác trong nhóm. Lúc nhận ra mình bị lừa thì tôi đã chuyển tổng cộng gần 30 triệu đồng” - anh kể. 

Sau khi liên hệ với các địa chỉ giao dịch từ tin nhắn mại dâm, một số người bị dụ vào các nhóm trên Zalo, Telegram với rất đông thành viên. Kẻ xấu cung cấp hình ảnh các cô gái ăn mặc mát mẻ để nạn nhân lựa chọn, sau đó lừa nạn nhân đóng phí tham gia nền tảng kết nối bạn tình với mức từ 150.000 đến hơn 2 triệu đồng tùy theo thời gian và số lần mua dâm. Có người bị dụ đến các trang web có các đoạn phim cấp 3, muốn xem tiếp trọn bộ thì phải tải ứng dụng lạ về điện thoại.

Khó có giải pháp xử lý triệt để? 

Đến nay, các nhà mạng đã chuẩn hóa thông tin thuê bao nhưng thực tế là vẫn chưa dẹp được nạn tin nhắn rác. Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) - việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là nhằm kết nối thông tin đăng ký SIM vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chứ không đảm bảo chắc chắn rằng người đang dùng thuê bao đó chính là người đăng ký thuê bao. Nghĩa là, một số người có thể đến các cửa hàng, đại lý mua SIM đã được kích hoạt sẵn với thông tin của người khác. Từ nhà mạng ra tới cửa hàng, chiếc thẻ SIM điện thoại qua nhiều khâu trung gian nên nhà mạng khó biết được người dùng có đúng là người đăng ký số thuê bao hay không. 

Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết thêm, các nhà mạng cũng đã rà soát những người có từ 10 số thuê bao di động trở lên để ngăn SIM rác nhưng số SIM rác vẫn còn nhiều. Có thể người bán SIM dùng thông tin của người chỉ sở hữu 2 SIM để đăng ký SIM thứ ba, tức là SIM rác. “Khi việc đăng ký SIM bằng thông tin của người này rồi bán cho người khác vẫn còn phổ biến thì SIM rác vẫn tồn tại, dẫn đến tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác” - ông nói. 

Cũng theo ông Vũ Ngọc Sơn, một số người nhận được tin nhắn gạ tình từ các ứng dụng (app) như iMessage, Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram chứ không phải từ đầu số thuê bao di động. Các ứng dụng này không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của các nhà mạng. 

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - có dạng tin nhắn được gửi từ các trạm phát sóng di động (trạm BTS) giả. Dùng trạm BTS giả, tội phạm có thể tạo tin nhắn brandname (tin nhắn thương hiệu) mạo danh bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Với các tin nhắn gạ tình, cờ bạc, kẻ xấu dùng brandname là một dãy số như số thuê bao di động, ngụy trang là tin nhắn rác được gửi từ số thuê bao di động. Nhà mạng không thể quản lý được loại tin nhắn này, nên nếu khách hàng báo cáo tin nhắn rác, cũng không nhận được kết quả gì. Những trạm BTS giả này được nhập lậu vào Việt Nam, có thể nhắn tới hàng ngàn tin/phút, hàng trăm ngàn tin mỗi ngày. 

“Thông qua các tin nhắn có nội dung mại dâm này, kẻ xấu sẽ gửi đường dẫn tới các giao diện giống như của Facebook, Google, Apple hoặc dẫn vào các trang web có chứa vi rút, dẫn dụ tải các ứng dụng chứa mã độc để đánh cắp thông tin người dùng” - ông Võ Đỗ Thắng nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI