Rộ phong trào trồng hoa đậu biếc chữa bá bệnh, bác sĩ đông y nói gì?

13/12/2018 - 06:11

PNO - Hiện nhiều gia đình rộ phong trào trồng hoa đậu biếc để phơi khô làm trà, chắt lấy nước tạo màu xanh cho xôi… Và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bán hoa đậu biếc trên mạng xã hội.

Hoa đậu biếc ngừa cả bệnh ung thư?

Rao bán hoa đậu biếc sấy khô trên mạng xã hội, một bạn trẻ có bút danh Đ.B.N.Q. rao: “Hoa đậu biếc tốt cho mắt! Chị em nào hay ngồi máy tính, sử dụng điện thoại nhiều thì nên uống trà đậu biếc.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
Trà hoa đậu biếc sấy khô được rao bán trên mạng

Sau khi uống, trà đậu biếc điều hòa dòng chảy của máu qua các mao mạch mắt, cải thiện thị lực, hỗ trợ điều trị đục thủy tinh thể, chữa lành tổn thương võng mạc, tốt cho người cận, viễn hay loạn thị. Tri ân khách hàng cuối năm: Mua 1 gói hoa khô 100g sẽ được tặng 10 hạt giống hoa đậu biếc”.

Ngoài ra người bán còn khẳng định dùng hoa đậu biếc giúp giảm rụng tóc, tăng cường sinh lý nam, sáng da, giảm thâm nám… Để thu hút khách hàng, người bán đưa ra công thức pha trà hoa đậu biếc hoặc hướng dẫn cách làm các món ăn chứa màu xanh tím của hoa đậu biếc như: hấp khoai mì, nấu xôi, đổ rau câu, chế biến nước giải khát, trà sữa cho con trẻ.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
Các món ăn uống được chế biến từ màu hoa đậu biếc

Trong khi một bà mẹ có nickname M.K. rao hàng: “Hoa đậu biếc tươi thơm nức mũi, đổ về phục vụ chị em rồi ạ. Giá chỉ 125.000 đồng/gói 100gr hoa khô (tức 1,25 triệu đồng/kg - PV). Hoa chứa nhiều Proanthocyanidin - chất chống oxy hóa cao, vượt gấp mấy lần vitamin E và vitamin C. Uống trà hoa đậu biếc đều đặn mỗi ngày giúp người già cải thiện trí nhớ và ngăn chặn nguy cơ ung thư, làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể”.

Để minh chứng cho lời rao của mình, người bán dẫn bài viết từ một trang điện tử với tên" Danh mục cây thuốc Việt Nam" để nói về công dụng của hoa đậu biếc. Thế nhưng, trong bài viết này cũng chỉ nói công dụng của hạt và rễ cây mà không bàn đến hoa đậu biếc: “Rễ dùng giải nhiệt, chữa bệnh tiêu chảy trẻ em. Ở Philippines, người ta nghiền hạt và trộn với bitartrat kalium liều gấp đôi sẽ gây xổ có hiệu quả nhanh và đảm bảo vô hại. Lá đậu biếc dùng đắp chữa rò, mụn mủ. Dịch lá dùng chữa viêm mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây trị nọc rắn cắn”.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
 

Không chỉ có những bạn trẻ "khởi nghiệp" bán hoa đậu biếc, hiện nhiều chị em tại TP.HCM rộ phong trào trồng và học cách sấy khô hoa đậu biếc để chữa bệnh.

Chưa có trong cây thuốc ở Việt Nam

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Giám đốc Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM – cảnh tỉnh: Hoa đậu biếc (hay dây bông biếc có tên gọi khoa học: Clitoria ternatea Lnn, thuộc họ đậu Fabaceae). Nhưng hoa đậu biếc chưa có trong danh sách các loại cây dược liệu điều trị bệnh ở Việt Nam.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
 

"Trước đây, người dân TP.HCM rộ phong trào trồng cây nở ngày đất. Ngay lập tức chúng tôi cho thử nghiệm trên chuột và chuột chết giãy đành đạch" -TS.BS Trương Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Theo bác sĩ Lan, để một loại cây được đưa vào chữa bệnh trong Đông y phải có ít nhất 20 công trình nghiên cứu về tính an toàn, công dụng chữa bệnh, thử độc tính…  Các công trình này phải báo cáo cho hội đồng y khoa.

Nếu hoa đậu biếc hoàn toàn không có độc chất thì cũng cần nghiên cứu tiếp nên thu hoạch hoa vào tháng nào trong năm, thời điểm nào trong ngày? Mặt khác, thu hoạch nụ hay hoa, trồng hoa đậu biếc đơn hay hoa đậu biếc kép?

Ngoài ra, để cây hoa đậu biếc trở thành cây thuốc còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp… để tạo nên lượng hoạt chất đủ chuẩn chữa bệnh.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
Nước hoa đậu biếc

Bác sĩ Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM – cho biết: Đến thời điểm hiện nay, thành phần cây hoa đậu biếc mới tìm ra được các chất: triterpenoids, flavonol glycoside, chất màu xanh blue-proanthocyanidin... Trên thế giới hiện nay mới có Y học cổ truyền của Ấn Độ nghiên cứu cây đậu biếc trên động vật để điều trị các bệnh thần kinh như: mất ngủ, lo âu, khó tập trung, trầm uất. Các nhà nghiên cứu ghi nhận, đậu biếc khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy an toàn, có tác dụng chống nhiễm trùng, kháng oxy hóa mạnh. 

Theo bác sĩ Năm, hoa đậu biếc chưa có trong sách dược liệu kinh điển của Việt Nam và chưa được nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng để đánh giá hiệu quả của hoa biếc. Thế nhưng người Việt lại dùng rầm rộ theo kinh nghiệm dưới dạng uống trà và chế biến thực phẩm vì  người dân tin hoa đậu biếc dễ ngủ, giảm đau đầu, bớt lo âu.

Ro phong trao trong hoa dau biec chua ba benh, bac si dong y noi gi?
Nhiều chị em ngâm nếp với nước hoa đậu biếc chuẩn bị nấu xôi

Do đó, nếu người tiêu dùng vẫn thích dùng hoa đậu biếc thì chỉ nên dùng liều rất thấp vài bông hoa và nên mua ở cơ sở sản xuất uy tín, đạt tiêu chuẩn an toàn đã được công nhận an toàn thực phẩm. Còn nếu người dân muốn chữa bệnh bằng hoa đậu biếc phải tham khảo ý kiến thầy thuốc và không tự ý ngưng các thuốc đang điều trị trước đó.

Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI