Rộ mua hợp đồng lao động giả để vay tín chấp

12/12/2013 - 22:56

PNO - PN - Dịp cuối năm, một số ngân hàng tại TP.HCM đã phát hiện và từ chối khá nhiều hồ sơ vay tín chấp dùng hợp đồng lao động không trung thực. Các ngân hàng cảnh báo người vay không nên tin một số dịch vụ làm giả hợp đồng lao...

edf40wrjww2tblPage:Content

Công khai rao bán hợp đồng lao động

Theo một số nhân viên NH tại TP.HCM, để được vay vốn dạng tín chấp, người vay phải đảm bảo hồ sơ đủ các điều kiện: hộ khẩu hoặc KT3, có công việc ổn định với mức lương tối thiểu 7,2 triệu đồng/tháng, HĐLĐ từ sáu tháng trở lên. Lợi dụng người dân muốn vay tín chấp để giải quyết một số khó khăn trong dịp Tết nhưng lại không có một số giấy tờ cần thiết, nhiều đối tượng đã công khai mua bán HĐLĐ, bảng xác nhận lương và giấy xác nhận làm việc để hỗ trợ khách hàng muốn vay tín chấp…

Ro mua hop dong lao dong gia de vay tin chap

Khách hàng làm thủ tục vay tín chấp tại NH

Trong vai một người không có việc làm nhưng có nhu cầu vay tín chấp, sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã liên hệ được với T., số điện thoại 0908132… - 0934298… Qua trao đổi, T. nói: “Em đang ở nhà làm nội trợ hả? Ok! Anh sẽ làm cho em một bộ giấy tờ đẹp như mơ mà bên NH em vay yêu cầu, đảm bảo HĐLĐ như mẫu chung, bảng xác nhận lương, giấy xác nhận công tác”.

Giá cả thế nào? Làm sao “qua mặt” được NH? T. cười khẩy: “Phí anh thu 20% tùy mức lương em đưa ra để vay, ví dụ lương 10 triệu đồng/tháng, anh lấy hai triệu đồng. Em chỉ cần cung cấp thông tin, khi nào giao hồ sơ, bên anh sẽ viết phiếu thu, có bảng cam kết kèm theo. Nhân viên NH gọi điện hoặc xuống kiểm tra, tụi anh sẽ lo hết. Khi NH không đồng ý cho vay, họ sẽ có phiếu trả lời, em cứ mang phiếu đó và bảng cam kết đến, bất cứ lỗi nào của công ty, công ty sẽ chịu trách nhiệm và hoàn trả tiền cho khách hàng”.

Khi chúng tôi muốn biết rõ tên và địa chỉ công ty ở đâu để còn “bắt đền” nếu không vay được thì T. ậm ừ nói: “Công ty anh là Công ty TNHH Tin học T.V. ở Q.12. Cái này hơi tế nhị nên anh không cho địa chỉ cụ thể được. Khi nào em cần lấy thì anh hẹn em ở quán cà phê, giao hồ sơ, nhận tiền”.

Ro mua hop dong lao dong gia de vay tin chap

Rao bán HĐLĐ vay tín chấp công khai trên mạng

Cuộc trao đổi đang dở dang thì điện thoại bỗng nhiên tút tút… sau đó, T. điện lại và sự việc này lặp lại nhiều lần. “Anh sợ gì mà cứ ngắt câu chuyện đang dang dở thế”, chúng tôi hỏi. T. nói thẳng: “Anh cũng chẳng biết em là ai nên phải làm thế cho an tâm”. Tuy nhiên, sau đó T. lại cam kết: “Em an tâm. Công ty anh đã làm trót lọt hơn 100 bộ hồ sơ để “qua mặt” được NH với 80% được giải ngân. Anh đảm bảo cho em vay được một lần bất cứ NH nào, nếu không được thì nhảy sang NH khác”. Theo T., công ty có thể giúp khách hàng nộp hồ sơ nhiều chỗ nhưng đảm bảo một lần được giải ngân. Nếu vay được, khách hàng chỉ cần “bo” cho nhân viên NH khoảng 500.000 - một triệu đồng. T. có thể làm giấy tờ với mức lương tối đa là 20 triệu đồng/tháng, vay từ 150-160 triệu đồng.

T. cho số điện thoại một nhân viên NH tên N. và... đảm bảo “Ok”. Khi chúng tôi gọi cho N. thì “kịch bản” cũ lặp lại, N. hỏi tôi ở đâu? Cần vay bao nhiêu? rồi tắt máy. Sau đó cô ta gọi lại hỏi rõ tôi người giới thiệu tên gì? Và… tắt điện thoại.

Chị N.H. (Q.Gò Vấp) kể: "Tôi lúc đầu cả tin, thấy họ quảng cáo vay dễ quá nên đem hết thông tin cá nhân cung cấp cho một người nhận làm HĐLĐ, đặt cọc cho họ trước hai triệu đồng rồi sau đó liên lạc lại nhưng máy ò í e và chấp nhận mất trắng".

Ro mua hop dong lao dong gia de vay tin chap

Việc phát hiện những hợp đồng lao động giả không phải quá khó 
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Người vay cần tỉnh táo

Theo một số nhân viên NH, vay tín chấp tạo điều kiện cho khách hàng vay được một khoản tiền theo mong muốn trong một thời gian ngắn, hồ sơ thủ tục vay đơn giản, tiện lợi, dễ thực hiện. Khi đủ điều kiện để vay tín chấp, khách hàng chỉ cần viết giấy đề nghị vay vốn kèm phương án trả nợ. Tuy nhiên, NH cũng rất chặt chẽ và xác minh kỹ hồ sơ. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc NH Á Châu (ACB) cho biết, thời gian qua, NH này phát hiện và từ chối khá nhiều hồ sơ vay tín chấp dùng HĐLĐ giả. Theo ông Toại, vấn đề làm giả HĐLĐ đã xuất hiện khá lâu khi dịch vụ cho vay tín chấp được nhiều NH triển khai. “Để phát hiện những HĐLĐ giả không phải quá khó, bởi chỉ cần kiểm tra sơ qua về địa chỉ công ty là có kết quả”, ông Toại nói.

Đại diện NH Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho rằng, HĐLĐ và bảng lương chỉ là một trong những điều kiện để NH xem xét cho vay. Hiện nay, hầu như NH nào cũng đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp, tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên của NH là người vay phải lãnh lương qua ATM. Sau đó, người vay phải sao kê lương trong ba tháng gần nhất. “Đây là yêu cầu phụ nhưng rất quan trọng mà người đi vay tín chấp cần chú ý. Có thể làm giả HĐLĐ và bảng lương, tuy nhiên làm giả sao kê lương thì khó”, đại diện Maritime Bank nhận xét. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc NH Nam Á (Nam A Bank) cũng cho rằng, HĐLĐ và bảng lương chỉ là những điều kiện cần chứ chưa đủ để NH giải ngân cho những hợp đồng vay tín chấp.

Vay tín chấp là dịch vụ dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập ổn định hàng tháng, tuy nhiên lãi suất khá cao, thường gấp đôi so với hình thức vay thế chấp. Vì NH cho vay bằng niềm tin, nên việc xác minh thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng được NH tiến hành rất chặt chẽ và thận trọng. Do đó, các NH khuyến cáo, người có nhu cầu vay tiền NH bằng hình thức tín chấp không nên làm giả HĐLĐ vì không thể qua mặt được NH. Nếu có nhân viên NH tiếp tay để bỏ qua khâu xác minh thì sau đó người vay cũng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ NH. “Dù vay tiền NH bằng bất cứ hình thức nào thì người vay cũng phải trả nợ, không thể quỵt được. Do đó, nếu không có khả năng trả nợ thì không nên vay, đặc biệt là làm giả giấy tờ”, ông Toại nói.

 Mai Phan - Ca Hảo

Chiếm đoạt tài sản từ hai triệu trở lên bị xử lý hình sự

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM), trường hợp người sử dụng HĐLĐ giả xin cấp tín dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của NH có giá trị từ hai triệu trở lên thì bị xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 139 BLHS). Trường hợp người sử dụng HĐLĐ giả không có ý thức chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản cho NH mà chỉ có ý định sử dụng HĐLĐ giả để được vay tiền nhanh, bản thân người vay có đủ khả năng thanh toán nợ cho NH thì bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Người bán/cung cấp HĐLĐ giả thì bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trường hợp biết người sử dụng HĐLĐ giả có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NH hoặc tổ chức, cá nhân khác mà vẫn cung cấp HĐLĐ giả thì còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm.

Trường hợp cán bộ tín dụng NH biết người vay sử dụng HĐLĐ giả nhưng vẫn cho vay thì tùy mức độ thiệt hại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “cho vay đối với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật” (điều 14 Nghị định 202/2004/NĐ-CP), nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (điều 179 BLHS).Trường hợp cán bộ NH chủ động kết hợp với người bán/cung cấp HĐLĐ giả, người sử dụng HĐLĐ giả để nhằm chiếm đoạt tài sản của NH thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng, NH có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng và thu hồi nợ trước hạn (điều 95 Luật các tổ chức tín dụng).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI