Rộ 'mốt' trồng cây ăn trái trong nhà phố

04/10/2014 - 15:45

PNO - PN - Sau phong trào tự trồng rau củ, thời gian gần đây, người dân Sài Gòn lại thích trồng cây ăn trái tại nhà. Hầu hết các loại cây ăn trái trồng trong chậu có giống nhập ngoại. Khác với rau củ, chi phí đầu tư về giống, chậu và...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ro 'mot' trong cay  an trai trong nha pho

Đa dạng cây ăn trái trồng chậu

Tại các điểm bán cây giống trên nhiều cung đường như Thành Thái (Q.10), Nguyễn Trãi (Q.5), Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh)… hàng loạt chậu cây lủng lẳng trái như ổi, cóc, táo, khế… được bày sẵn ngay mặt tiền. Không chỉ những người thích trồng cây, ngay cả “dân ngoại đạo” cũng bị hấp dẫn bởi những loại cây này.

Thấy khách vừa ghé vào, chủ tiệm bán cây giống trên đường Thành Thái nhanh chóng tiếp thị “đây là giống ổi nữ hoàng, kia là ổi lê Đài Loan ăn rất ngon và ngọt. Những trái này đã chín, mua về có thể hái và thưởng thức ngay”. Những trái ổi chín sẵn trên cây, trái to khoảng gần 0,5kg, da căng bóng rất thu hút khách hàng.Tuy nhiên, giá cây giống thì lại không mấy “ngọt ngào”. Những cây ổi, cóc, táo… bắt mắt có giá không dưới 300.000 đồng/cây. Nếu tính cả chậu và giá thể (đất thịt, tro, trấu, xơ dừa, phân động vật đã xử lý…), để đầu tư một cây ăn trái trồng chậu, giá không dưới 500.000 đồng. Ngoài những cây được chưng “làm mặt”, người bán còn giới thiệu hàng loạt các cây khác. Hầu như cây ăn trái nào trồng trên đất cũng đều được đưa vào chậu.

Thông tin về giống cây đưa ra từ người bán khiến khách hàng không khỏi băn khoăn. Một người bán ở khu vực đường Thành Thái khẳng định: “Cây được trồng từ hạt ở vườn nhà Hóc Môn nên rất khỏe. Yên tâm, cây sẽ sống tốt và ra trái nhiều sau khi mua về”.

Trong khi đó, tại một cửa hàng cây kiểng trên đường Nguyễn Trãi, người bán cho biết: “Dạng cây giống này hiện chỉ là cây người ta chiết ghép, chứ trồng từ hạt thì biết đến khi nào mới có trái”. Các “cửa hàng cây kiểng” di động (trên xe đạp hoặc xe máy) hiện cũng có bán nhiều loại cây ăn trái. Do đặc điểm phải di chuyển nhiều nên những “cửa hàng” này chỉ bán những cây giống còn nhỏ, chưa có trái hoặc nếu có thì còn rất nhỏ. Do đó, giá cây giống cũng có phần “mềm” hơn, dao động từ 100.000-150.000 đồng/cây, tùy loại, kích cỡ. Tại các nhà vườn, trại cây giống ở khu vực vùng ven như Q.12, Q.Bình Tân, giá cây giống khá rẻ, từ 80.000-160.000 đồng/cây, tùy loại, tùy kích cỡ.

Ro 'mot' trong cay  an trai trong nha pho

Nếu tính cả chậu và đất thịt, tro, trấu, xơ dừa, phân…, để đầu tư một cây ăn trái trồng chậu, tốn không dưới 500.000đ

Chọn cây giống sao cho hiệu quả?

Theo kỹ sư Hoàng Đắc Hiệt, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cây trồng nói chung và cây ăn trái nói riêng đều trồng được trong chậu. Tuy nhiên, không phải cây ăn trái nào trồng trong chậu cũng cho trái. Chỉ một số loại như ổi, cóc, khế, chanh, tắc… dễ trồng, có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh và dễ cho trái. Đây là những giống vừa được trồng làm kiểng và vừa cho trái. Những loại khác hầu như chỉ để làm kiểng và đáp ứng thú vui trồng trọt.

Lưu ý chung khi chọn mua giống là nên chọn những cây giống còn nhỏ, mới ghép. Nếu mua cây lớn, đã cho trái sẽ vận chuyển khó khăn, khi đem cây trồng vào chậu cần cẩn thận nhằm tránh dập vỡ bầu. “Nên mua loại giống cây chiết vì chất lượng bảo đảm, đồng đều, nhanh cho ra trái. Cây được trồng từ hạt theo kiểu truyền thống thì lâu ra trái và chất lượng không đảm bảo”, kỹ sư Hoàng Đắc Hiệt tư vấn.

Ổi là cây được các kỹ sư nông nghiệp khuyên trồng vì dễ trồng, hiệu quả cao. Người mua cần lưu ý vì hiện có đến hàng chục giống ổi khác nhau. Kỹ sư Nguyễn Chí Cường, trại cây giống Tân Chánh Hiệp (Q.12, TP.HCM) tư vấn: “Cây ăn trái đa phần ra trái theo mùa vụ, chỉ một số ít ra quanh năm, trong đó có cây ổi. Tuy nhiên, trong loài ổi, rất nhiều giống cũng cho trái theo mùa vụ như ổi không hạt, ổi xá lị, ổi bom…, một năm chỉ ra một-hai vụ. Hiện có giống ổi nữ hoàng, ổi Thái, ổi lê là ra trái liên tục và mỗi đợt ra rất nhiều, thậm chí phải tỉa bớt để cây khỏi kiệt sức. Nên chọn những giống này trồng ở nhà phố vừa dễ, đẹp và hiệu quả”. Nên bao trái lại ngay khi trái ổi to bằng khoảng ngón chân cái, khi đó trái sẽ phát triển tốt, đẹp hơn và không bị sâu ăn.

Theo các kỹ sư nông nghiệp, người trồng có thể lựa chọn thêm khế, chanh, tắc hoặc cóc giống Thái vì dễ trồng và cho trái quanh năm. Tuy nhiên, cóc Thái lại dễ bị sâu bệnh, trái không ngon, đậm đà như cóc ta.

Giá thể phù hợp nhất để trồng cây ăn trái trong chậu vẫn là đất thịt vì sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, khỏe hơn và cho trái nhanh hơn các loại giá thể khác. Nếu không có đất thịt, bạn có thể sử dụng hỗn hợp mụn xơ dừa (đã qua xử lý), phân chuồng hoai (phân bò, phân gà…) và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân chuồng hoai + 10% tro trấu.

Đa phần cây ăn trái có rễ cọc. Nhưng khi chiết, cây có rễ chùm, thích hợp trồng trong chậu. Trường hợp tự trồng bằng hạt, rễ cọc của cây có thể đâm xuyên qua chậu. Khi đó có thể cắt phần rễ cọc đi, cây sẽ tự phát triển rễ phụ. Tốt nhất, khi còn ở giai đoạn cây con, nên cắt phần rễ cọc để rễ không làm hư chậu.

Người trồng cũng cần chú ý về kích thước chậu. Nên chọn chậu có đường kính bằng 2/3 đường kính tán cây và tối thiểu bằng 1/3 đường kính tán cây. Nếu có xuất hiện sâu bệnh thì nên bắt hoặc cắt bỏ phần sâu bệnh hại chứ không cần phun thuốc.

Theo kỹ sư Nguyễn Chí Cường, khi trồng cây ăn trái, nên lưu ý về chất lượng của giống trồng bằng cách đến những nhà vườn có uy tín để xem thực tế, chọn mua và được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc.

 An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI