Rộ dịch vụ cầm cố, thu mua sổ bảo hiểm xã hội

18/06/2023 - 07:22

PNO - Khi chúng tôi liên hệ qua Messenger ngỏ ý muốn cầm hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội, một nữ đầu nậu yêu cầu chụp ảnh sổ để cô ta kiểm tra thông tin. Với sổ có mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần là 200 triệu đồng, cô ta sẽ mua với mức giá 100 triệu đồng.

Cầm lãi suất cao, mua giá rẻ bèo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người lao động mất việc, khó vay vốn đã mang sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cầm cố, thanh lý ở các điểm cầm đồ hay các đầu mối thu mua.

Thông qua một nhóm giao dịch sổ BHXH có hàng ngàn thành viên trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi liên hệ với một đầu nậu tên Kiều Hạnh, sống ở TPHCM. Khi chúng tôi nói cần bán sổ, Hạnh yêu cầu chụp ảnh sổ BHXH muốn bán để kiểm tra thông tin rồi mới báo giá. Hạnh cam kết mua mọi sổ bị lỗi (sai tên, sai năm sinh), sổ trùng, sổ chưa chốt, sổ gộp, sổ không lãnh được tiền… với điều kiện chủ sổ (người lao động tham gia BHXH) phải nghỉ việc từ tháng 10/2022 trở về trước, có căn cước công dân. 

Hạnh báo giá mua 100 triệu đồng đối với sổ không bị lỗi thông tin, có mức hưởng chế độ BHXH 1 lần dự kiến 200 triệu đồng. Với sổ có mức hưởng BHXH 1 lần như trên nhưng bị lỗi, không lãnh được BHXH, Hạnh chỉ thu mua lại với giá 50-60 triệu đồng, tức bằng 20 - 30% giá trị sổ.

Hạnh nói: “Em nghỉ việc từ tháng 10/2022 thì phải đến tháng 10/2023 mới đến hạn nhận tiền BHXH. Để tránh trường hợp em lật kèo, xin cấp lại sổ BHXH với lý do mất sổ rồi đi lãnh BHXH trước, bên chị sẽ giữ căn cước công dân của em đến tháng 11/2023 mới trả lại. Nếu em đồng ý, bên chị sẽ giao dịch ở phòng công chứng gần nhà em để tiện làm giấy ủy quyền công chứng cho bên chị”.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều đầu nậu rao thu mua sổ bảo hiểm xã hội giá cao nhưng thực tế chỉ mua với mức khoảng 50% giá trị sổ trở xuống
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều đầu nậu rao thu mua sổ bảo hiểm xã hội giá cao nhưng thực tế chỉ mua với mức khoảng 50% giá trị sổ trở xuống

Theo chỉ dẫn của một số công nhân từng cầm cố sổ BHXH, chúng tôi ghé 3 tiệm cầm đồ trên đường Trần Thanh Mai và An Dương Vương (quận Bình Tân TPHCM) để cầm sổ nhưng những nơi này nói không làm dịch vụ cầm sổ BHXH. Sau một lúc chuyện trò, nhân viên 1 trong 3 tiệm cầm đồ này cho hay, do thời gian qua bị công an kiểm tra nên các tiệm hoạt động kín đáo hơn, chỉ nhận sổ của khách quen hoặc do các đầu nậu đem tới. Điều kiện để cầm là sổ phải có thời gian đóng BHXH từ 5-10 năm trở lên, nếu chủ sổ đã nghỉ việc thì thời gian nghỉ đến nay ít nhất là 7 tháng.  

Nhân viên này nói: “Nếu cầm xe máy hay các loại giấy tờ khác thì lãi suất chỉ 0,2%, chẳng hạn như giá cầm cố 1 triệu đồng thì tiền lãi mỗi ngày chỉ 2.000 đồng. Nếu cầm sổ BHXH thì lãi suất là 0,5%, chẳng hạn cầm với giá 1 triệu đồng thì mỗi ngày đóng lãi 5.000 đồng. Chị vay dưới 5 triệu đồng thì không cần ký giấy ủy quyền, vay từ 10-20 triệu đồng/tháng thì phải ký giấy ủy quyền nhận BHXH 1 lần nếu không trả đúng hạn gốc và lãi”. 

Người mua sổ, bán sổ đều vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho biết, theo quy định, sổ BHXH được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng chế độ BHXH. Việc mua bán, cầm cố sổ BHXH là vi phạm pháp luật. Nhưng thực tế, không ít người xem sổ BHXH như một tài sản để bán hoặc cầm cố với lãi suất cao. Có người cầm xong, không có khả năng trả tiền gốc và lãi, phải  ký giấy ủy quyền cho bên nhận cầm cố nhận tiền chi trả BHXH 1 lần. 

Theo ông, cả người bán sổ, cầm sổ lẫn người nhận cầm cố, mua sổ đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt. Người lao động cầm cố, bán sổ BHXH mà bị cơ quan BHXH phát hiện thì sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Người nhận cầm cố và mua bán sổ để trục lợi thì sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù theo điều 24 Bộ luật Hình sự. Theo đó, nếu số tiền trục lợi từ 10-100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Ông Trần Dũng Hà - Phó giám đốc BHXH TPHCM - cho biết, tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH bắt đầu rộ lên kể từ khi có dịch COVID-19. Trong 1 năm trở lại đây, tình trạng này có chiều hướng gia tăng, bằng chứng là ngày càng có nhiều hội, nhóm rao mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội Facebook. Nguyên nhân là do năm nay, nhiều công nhân bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống khó khăn, không thể chờ đủ 1 năm để lãnh BHXH 1 lần, buộc phải “bán lúa non”.

Theo ông, cán bộ BHXH khó nhận biết được trường hợp nào là ủy quyền được pháp luật cho phép (người lao động bị bệnh, tai nạn thì được phép ủy quyền cho người thân nhận BHXH), trường hợp nào là mua bán sổ. Cán bộ BHXH chỉ có thể dựa vào dấu hiệu khả nghi là 1 người nhận ủy quyền cả chục lần từ nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau.

Hiện nay, BHXH TPHCM đã yêu cầu BHXH các quận, huyện thống kê. Nếu phát hiện 1 người nhận ủy quyền cho từ 2 người trở lên thì phải mời người ủy quyền và người được ủy quyền đến BHXH để xác minh. Có trường hợp thừa nhận có mua bán sổ, có trường hợp không thừa nhận. 

Theo ông Trần Dũng Hà, giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng bán sổ là trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sắp tới, nên quy định sổ giấy xen sổ điện tử, đẩy mạnh cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) thay thế dần sổ giấy để hạn chế tình trạng mua bán, cầm cố. Đồng thời bổ sung quy định trả tiền BHXH qua tài khoản, để khi người lao động có ủy quyền cho ai đó thì tiền vẫn được chuyển vào tài khoản cá nhân của chủ sổ. Do trong sổ BHXH đã thể hiện quá trình đóng tiền, cơ quan BHXH ước lượng được số tiền mà người lao động được nhận nên cần có chính sách hỗ trợ người lao động vay tiền trong khi chờ đủ thời gian 12 tháng để nhận BHXH 1 lần. Đơn vị cho vay có thể là ngân hàng chính sách xã hội hoặc một quỹ nào đó. 

Ông nói: “Người lao động nên trực tiếp đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn, không nên bán sổ BHXH bởi sẽ rất thiệt thòi, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Nếu lãnh BHXH trực tiếp thì người lao động được lãnh toàn bộ giá trị sổ, nhưng nếu bán sổ thì chỉ nhận được từ 30 - 50% giá trị sổ”. 

Cơ quan BHXH phải kiểm soát dấu hiệu trục lợi, mua bán sổ BHXH này. Nếu đối tượng nào được ủy quyền nhận BHXH 1 lần cho từ 2-3 người lao động trở lên thì nên đưa vào diện tình nghi, thẩm tra lại thật kỹ. Cơ quan BHXH chỉ chấp nhận việc ủy quyền trong trường hợp người lao động ốm đau, bị tai nạn bất ngờ, không thể đến cơ quan BHXH và phải có xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng của người ủy quyền. Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cần làm việc với nhà quản lý Facebook đề nghị gỡ bỏ những trang, nội dung rao thu mua, cầm cố sổ BHXH.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI