Mồi nhử "hoa hồng cao"
Trước đây, các mẩu tin “Lazada, Tiki, Shopee tuyển dụng cộng tác viên” thường xuất hiện dưới dạng tin nhắn qua iMessage hoặc bài đăng trên Facebook với nội dung rất sơ sài, không có địa chỉ làm việc cụ thể. Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo chuyển hướng, giả danh trang Facebook (fanpage) của các doanh nghiệp nổi tiếng hoặc sử dụng trang có nhiều thành viên (hầu hết là thành viên ảo), rao tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng và đăng dưới dạng chạy quảng cáo với nội dung khá chuyên nghiệp. Nhiều tin ghi “Lazada, Shopee, Tiki tuyển dụng”, nêu rõ nơi làm việc là văn phòng hiện tại của các sàn này.
Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TPHCM, chị N.T.D. (TPHCM) cho biết, do thấy thông tin tuyển dụng trên khắp các mạng Facebook, TikTok, Instagram nên chị nghĩ chỉ có doanh nghiệp lớn, uy tín, cần nhân viên gấp mới chấp nhận bỏ tiền chạy quảng cáo nhiều như vậy. Thấy nhãn hàng thời trang Yody (trang giả mạo) tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn hàng, chị D. đăng ký, liền được một người tên Lê Minh Tuấn liên hệ qua Zalo. Lúc này, chị D. được thông báo là sẽ làm việc cho trang Lazada.
|
Các mẩu tuyển dụng thường được đăng dưới dạng quảng cáo (được tài trợ) |
Tuấn cho chị D. xem thẻ nhân viên Lazada (thẻ giả), chứng minh nhân dân, quyết định phê duyệt dự án kinh doanh online của Lazada, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, gửi định vị cho thấy Tuấn đang ở văn phòng của Lazada. Tài khoản Zalo của Tuấn đăng ảnh đại diện gia đình, rất nhiều bài viết về các chương trình của Lazada nên chị D. tin Tuấn là nhân viên của Lazada thật. “Ai ngờ tôi đã bị lừa mất gần 172 triệu đồng”.
Cụ thể, lấy lý do một số gian hàng trên trang Lazada chưa có người mua, cần tăng lượng tương tác nên Tuấn đã yêu cầu chị D. làm công việc là thanh toán đơn hàng theo đường link Tuấn gửi, từ 3 - 5 đơn hàng mỗi ngày. Cứ mỗi đơn hàng được thanh toán, chị D. sẽ nhận lại tiền gốc đã thanh toán kèm hoa hồng từ 5 - 20%. Nhưng thay vì thanh toán trực tiếp đơn hàng trên Lazada, chị D. phải chuyển tiền vào tài khoản một người mà Tuấn cho biết đó là chủ gian hàng trên Lazada. Tuấn gửi cho chị D. xem ảnh chụp nội dung tin nhắn mà Tuấn đã tất toán các đơn hàng cho khách nên chị D. rất tin tưởng. Chị D. thanh toán ba đơn hàng đầu tiên thì được hoàn tiền ngay, đến đơn thứ tư có giá cao hơn, Tuấn yêu cầu chị D. phải thanh toán ba đơn cùng lúc để liền đơn.
Chị D. muốn hủy thanh toán nhưng Tuấn không chấp nhận và hù dọa chị phải bồi thường tổn thất cho doanh nghiệp do đã bỏ việc ngang. Thế là chị D. phải tiếp tục thanh toán ba đơn liên tục, gồm chuyển 11,08 triệu đồng và 28,046 triệu đồng vào tài khoản Nguyen Thi Yen Thi của Vietcombank, 44,1 triệu đồng vào tài khoản Nguyen Hoang Thuyen Lam của Techcombank. Sau khi chị D. chuyển tiền xong, Lê Minh Tuấn thông báo không thể tất toán do chị chuyển sai cú pháp; nếu không kéo tiền này về ví ID của chị (ví do phía Tuấn tạo cho chị D.) thì toàn bộ số tiền sẽ mất. Sau đó, Tuấn yêu cầu chị D. chuyển tiếp 44,1 triệu đồng vào số tài khoản Nguyen Thi Thanh Hang của VPBank.
Sau khi chị D. chuyển tiền xong, Tuấn nói thao tác này chỉ kéo tiền về ví ID, chị cần chuyển khoản một lần cuối và nhận tiền tất toán. Tuấn còn đảm bảo, nếu lần này có trục trặc phát sinh, Tuấn sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tin tưởng, chị D. chuyển tiếp 44,1 triệu đồng vào tài khoản Nguyen Thi Yen Thi. Nhưng viện lý do điểm tín nhiệm của chị D. không đủ để tất toán, Tuấn tiếp tục yêu cầu chị chuyển tiếp 75 triệu đồng nữa. Khi chị D. không chịu chuyển tiền nữa thì Tuấn cắt liên lạc. “Hiện Tuấn đang lấy hình chụp tin nhắn giữa tôi và Tuấn, hình ảnh Tuấn tất toán ba đơn hàng cho tôi trước đó để đăng lên Zalo, lừa những người khác” - chị D. kể.
Chị N.T.T.H. (tỉnh Trà Vinh) cũng bị lừa 60 triệu đồng với chiêu lừa thanh toán đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Tiki. Với đơn hàng đầu tiên, chị H. chỉ thanh toán 660.000 đồng, tiền hoa hồng là 5%, với đơn thứ hai, số tiền thanh toán là 3,6 triệu đồng, tiền hoa hồng tăng lên 10%; với đơn thứ ba, số tiền thanh toán là 8,3 triệu đồng, tiền hoa hồng tăng lên 15%. Thấy hoa hồng được hứa hẹn 20%, chị H. mạnh dạn thanh toán tiếp đơn thứ tư với số tiền 11,9 triệu đồng.
“Đến đây, họ lấy lý do tôi nhập mã sai nên không hoàn tiền, yêu cầu tôi thanh toán tiếp. Do muốn lấy lại số tiền đã thanh toán trước đó, tôi thanh toán tiếp nhưng càng chuyển thì số tiền mất càng nhiều. Toàn bộ số tiền tôi đều chuyển qua tài khoản Hoang Duc Thinh của ngân hàng ABB. Ban đầu, để tạo niềm tin, các đối tượng này gửi cho tôi xem rất nhiều hình ảnh cộng tác viên khác chuyển tiền vào tài khoản Hoang Duc Thinh từ 100 - 500 triệu đồng, cho thấy số tiền lừa được từ chiêu thức này rất lớn” - chị H. nói.
Tiếp tục lừa bằng chiêu "thu hồi tiền bị lừa"
Biết các nạn nhân muốn lấy lại số tiền đã bị lừa, gần đây, những kẻ lừa đảo liền đăng trên TikTok nhiều video “nhận thu hồi tiền bị lừa làm cộng tác viên” từ các ngân hàng. Dưới mỗi video, có hàng trăm bình luận của nạn nhân. Để nhử những nạn nhân này, thỉnh thoảng, nhóm lừa đảo giả làm nạn nhân, bình luận rằng đã nhận lại được tiền bị mất.
|
“Thu hồi tiền bị lừa làm cộng tác viên” tiếp tục là chiêu lừa đảo khác |
Trong vai là một nạn nhân vừa bị lừa mất 60 triệu đồng, chúng tôi liên hệ với chủ kênh T.H.T.B.L. đang có hơn 12.000 lượt người theo dõi thì được thanh niên tên Phùng hứa hẹn giúp thu hồi lại số tiền này từ các ngân hàng. Phùng có nhiều lượt theo dõi, được tin tưởng là do trước đó, anh ta đã đăng nhiều video khuyến cáo mọi người về chiêu lừa tuyển dụng cộng tác viên Shopee.
Phùng yêu cầu chúng tôi chuyển hóa đơn giao dịch, cung cấp thông tin gồm tên ngân hàng, số tài khoản, tên chủ thẻ, địa chỉ nơi mở thẻ, số căn cước công dân, soạn một giấy ủy quyền cho phép Phùng được thay mặt chúng tôi làm việc với ngân hàng. Để tạo lòng tin, Phùng còn gửi chúng tôi xem ảnh chụp nội dung trao đổi giữa Phùng và các nạn nhân khác, hình nạn nhân chuyển tiền cảm ơn Phùng… “Tùy số tiền em chuyển nhiều hay ít mà anh thu phí khác nhau, từ 10 - 20% trên tổng số tiền đã bị mất” - Phùng nói.
Theo dõi bình luận dưới các video của Phùng, chúng tôi thấy có người tố cáo rằng, đã chuyển cho Phùng hơn 19 triệu đồng phí thu hồi nhưng không thu hồi được tiền. Sau đó không lâu, lời tố cáo này bị Phùng xóa mất.
Ông Phạm Hoàng Bảo - Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - đánh giá, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia nên nạn lừa đảo trên thị trường này có xu hướng nở rộ hơn. Trò lừa tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử phổ biến, nạn nhân đông, số tiền bị lừa lớn là do sau đợt dịch COVID-19, nhu cầu kiếm tiền online tăng cao, các đối tượng đánh trúng tâm lý hám lời của nạn nhân.
“Tôi cũng thấy nhiều video chia sẻ nội dung “thu hồi tiền bị lừa”. Đây là trò đánh vào tâm lý hoảng loạn của nạn nhân để tiếp tục lừa đảo. Ngân hàng không được quyền tác động vào số tiền trong tài khoản của khách hàng, trừ khi có yêu cầu của cơ quan công an. Do đó, không có chuyện ai đó có thể thu hồi lại số tiền mà nạn nhân đã chuyển”.
Cũng theo ông Phạm Hoàng Bảo, đứng sau chiêu lừa tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng là cả một đường dây, tổ chức; số tài khoản mà nạn nhân đã chuyển tiền vào là tài khoản mà các đối tượng thuê hoặc mua lại của người khác. Ngay khi tiền được chuyển vào tài khoản, các đối tượng liền chuyển đi lòng vòng qua nhiều tài khoản khác trước khi rút ra tiêu xài, nhằm qua mắt cơ quan điều tra. Đó là lý do khiến cơ quan công an khó truy ra được tội phạm dù có được thông tin về số tài khoản mà nạn nhân đã chuyển tiền vào.
Đại diện các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki cho biết, các sàn này không áp dụng hình thức tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng để nâng cao thứ hạng của người bán, chia sẻ hoa hồng, kêu gọi hợp tác đầu tư. Tất cả các giao dịch mua bán, cung cấp thông tin tuyển dụng đều được thực hiện thông qua các ứng dụng, trang web, fanpage có dấu (tick) xanh của sàn. Các thông tin bên ngoài trang, ứng dụng của sàn đều là giả mạo. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong sáu tháng đầu năm nay, cục đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh về các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị mạo danh. |
Thanh Hoa