Riêng trong chung mới hạnh phúc dài lâu

30/06/2021 - 05:59

PNO - Tưởng mẹ khó, ai ngờ mẹ dễ không tưởng. Mẹ từng làm dâu cực khổ, gò bó, nên nguyện với lòng sau này có con dâu sẽ để cho nó sung sướng, thoải mái.

- Ở trển anh làm gì?

- Anh làm điện lạnh.

- Ở dưới này em làm gì?

-Dạ em làm tiệm tóc và phụ ba mẹ buôn bán, lo cơm nước.

Duyên nợ của anh Hồ Văn Ngà - chị Trần Thị Thùy Linh gắn chặt chỉ từ vài câu sơ giao lần gặp mặt đầu tiên tại nhà chị ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. 

Phải duyên thì thắm…

Chuyện là, cháu của anh Ngà lập gia đình ở Cái Bè nên cũng muốn cậu mình “cắm rễ” miệt này. Ngặt nỗi, giới thiệu đã bốn mối rồi mà cậu cứ làm thinh. Chưa bỏ cuộc, người cháu thân quen với chú Sáu của chị Linh nên chủ động sắp xếp để hai người có dịp làm quen, “coi mắt”.

Không ngờ, anh Ngà chấm chị Linh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bóng anh vừa khuất khỏi cổng nhà, chị Linh đã nhận được cuộc gọi: “Nó chịu con rồi đó. Con thấy sao? Con chịu nó hông?”. Chị Linh chưng hửng: “Chịu gì mà lẹ dữ vậy chú Sáu? Mới hỏi qua hỏi lại có… hai câu!”.

Anh Ngà - chị Linh trong ngày cưới (năm 2010)
Anh Ngà - chị Linh trong ngày cưới (năm 2010)

Từ những cuộc gặp, điện thoại, anh chị càng mến nhau qua nụ cười tiếng nói, chờ người lớn bước tới. Quả thật, gia đình chị Linh hơi “khớp” khi thấy mẹ anh Ngà quá lớn tuổi. Vì anh Ngà là con thứ 11 nên mẹ anh bằng tuổi bà nội chị. Lời ăn tiếng nói điềm đạm, luôn bận áo dài tay nghiêm túc, bà có vẻ là một “bà già xưa” khó tính.

Con gái nhà mình lại mới 21 tuổi, chưa va chạm với đời, chưa bước ra khỏi xóm quê bên dòng sông An Hữu hiền lành, nghĩ đến phận làm dâu nơi đất khách quê người, mẹ chị Linh và các bà, các cô, dì cứ lo rầu, khóc. 

Bất ngờ với mẹ chồng

Chị Linh tin tưởng sẽ sống êm ấm trong mái nhà thứ hai vì suy nghĩ “mình cứ đối xử chân tình thì ai lại ghét bỏ”. Chị càng an tâm khi nghe mẹ chồng tương lai đến từ Sài Gòn thủ thỉ một câu mộc mạc, rặt miền Tây: “Con về làm con dâu của mẹ nhen!”.

Hỏi ra mới biết gốc gác gia đình chồng cũng ở Tiền Giang, cách ăn nếp ở tương đồng. Cộng với chị Linh có người chị ruột đang sống ở TP.HCM hy vọng sẽ bênh vực kịp thời nếu chị bị nhà chồng “ăn hiếp”. 

“Tưởng mẹ khó, ai ngờ mẹ dễ không tưởng. Mẹ từng làm dâu cực khổ, gò bó, nên nguyện với lòng sau này có con dâu sẽ để cho nó sung sướng, thoải mái.

Mới cưới về mười ngày, mẹ cho phép mình đi làm tiệm tóc ở gần nhà để giữ nghề. Muốn về thăm nhà ruột, chỉ cần thưa ba mẹ một tiếng và báo chừng nào lên.

Mẹ giành việc nấu ăn và nói rằng sau này mẹ già, hết nấu nổi, tới lúc đó thể nào cũng phải nhờ con nấu cho mẹ ăn. Mẹ chỉ đòi hỏi một điều là con dâu phải vui vẻ, ai tới nhà phải chào, cười, trò chuyện” - chị Thùy Linh say sưa kể về mẹ chồng có một không hai trên đời. 

Ba chồng chị cũng rất vui vẻ, nhẹ nhàng, chỉ đặc biệt nghiêm khắc trong việc khuyên răn con cháu phải lo làm ăn, không nhậu nhẹt, bài bạc, phung phí tiền của… Và nhờ đó, ngày nay chị được hưởng lợi: Có người chồng tử tế, hiền lành, đến điếu thuốc cũng không biết hút.

Nghe con gái đầu lòng kể tin vui út Linh được nhà chồng cưng, út Linh mới cấn bầu… mẹ ruột đổi giọng dỗi hờn: “Có chồng êm ấm rồi quên đường về nhà luôn. Biết vậy tao hổng gả, gả xa nhớ muốn chết hà!”. 

Mẹ ruột và mẹ chồng (bên phải) vui vẻ, thuận thảo càng gia cố cho tình cảm vợ chồng chị Linh thêm bền chặt
Mẹ ruột và mẹ chồng (bên phải) vui vẻ, thuận thảo càng gia cố cho tình cảm vợ chồng chị Linh thêm bền chặt

Chồng lái, vợ lơ

Khi được hỏi những yếu tố ghép nên hạnh phúc gia đình, chị Linh hồn nhiên nói “do mình may mắn lọt vào nhà chồng thuận hòa; có ba mẹ tốt, đối xử công bằng với các con cháu; chồng lo làm ăn, không dính vô tệ nạn xã hội” còn anh Ngà thì cho biết nhờ vợ chồng có gì cũng bàn bạc, thống nhất nhau nên quyết đâu trúng đó.

Nhờ “trúng” mà kinh tế tạm ổn, ít bị ảnh hưởng dù tình hình dịch bệnh kéo dài. Vài năm gần đây, người cháu rủ chuyển hướng làm ăn, anh Ngà thôi nghề điện lạnh, chuyển sang mua xe tải nhỏ chở hàng. Thu nhập cải thiện là một lẽ, lẽ khác quan trọng hơn là anh chị có thể chủ động thời gian để lo cho hai con (bé gái mười tuổi, bé trai hai tuổi).

Chồng chuyển nghề tài xế, chị Linh bỗng chốc trở thành lơ xe. Hoạt bát, xởi lởi, “chị lơ” tranh thủ bắt chuyện với khách, phát danh thiếp quảng cáo… nên mối ngày càng tăng.

Khi hàng chất đống, “chị lơ” cao khỏe trở thành tay bốc vác đắc lực. Không chạnh lòng vì mình từng là thợ tóc ăn trắng mặc trơn, nay phải làm việc nặng nhọc, đội nắng dầm mưa, chị Linh nghĩ đơn giản có con rồi, mình làm nghề gì kiếm được đồng tiền, vẹn toàn công việc với gia đình thì cứ làm.

Ở chung mới vui

Nhà ba mẹ anh Ngà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM khá đông đúc gồm nhiều thế hệ trong gia đình và khách thuê. Căn phòng chỉ đủ kê chiếc giường nhưng anh chị không cảm thấy tù túng hay thèm không gian tự do, rộng rãi, sang trọng. Thậm chí chị Linh giả sử mai này có mua được nhà riêng vẫn muốn ở cùng ba mẹ.

“Ở chung mới vui, gắn bó. Riêng trong chung là dễ hạnh phúc nhất. Có đi đâu thì nhờ ba mẹ, anh chị hay cháu trông dùm con cái. Rồi cha mẹ chỉ dạy mình, mình mới biết cách mà dạy lại con”, chị Thùy Linh tâm đắc mô hình tam - tứ đại đồng đường. 

Dù có ai bận việc về khuya kêu cửa, chị không chút phàn nàn, lẹ làng ra mở và lắm khi được dúi vào tay một ly trà sữa hay bịch chè ăn lấy thảo... Những khách trọ lâu ngày cũng trở thành người một nhà, luôn quan tâm, nhắc nhở, bảo bọc nhau.

Có lần các chị ở trọ còn bày bán cả trăm ký ổi trước cửa, giải cứu dùm ba mẹ chị Linh vì dưới quê ổi quá rẻ, thương lái không thu mua.

Mấy năm trước, có đợt mẹ anh Ngà bị bệnh tim, thường xuyên nằm viện, các anh chị ưu tiên cho chị Linh ở nhà vì còn con nhỏ nhưng chị quyết liệt giành vào chăm sóc mẹ và còn lãnh phần trực ban đêm. Lý do: các anh chị lớn tuổi, không dẻo dai bằng em út; em ở nhà ban ngày có thể chăm sóc con và lo cơm nước cho ba, giở cơm vào cho mẹ.

Mẹ vẫn dễ tính dù khi bệnh nặng, chị Linh thường xuyên hỏi mẹ cần gì, mẹ thèm gì cứ nói cho con biết, đừng ngại.

Rồi khi mẹ thấy chị mệt mỏi, đã chợp mắt, không nỡ đánh thức để nhờ vả mà cố gượng tự làm, chị sực tỉnh, bật dậy dìu đỡ bà, dặn đi dặn lại: “Mẹ phải kêu con, mẹ tự đi lỡ có chuyện gì biết làm sao?”.

Bệnh nhân giường khác để ý khen: “Bà có đứa cháu hiếu thảo ghê, cháu ngoại hay cháu nội?”. Biết là con dâu, cả phòng bệnh cười ồ. 

Chị Thùy Linh đưa các con về thăm quê ngoại, đang chờ hết dịch trở lại Sài Gòn
Chị Thùy Linh đưa các con về thăm quê ngoại, đang chờ hết dịch trở lại Sài Gòn

Cũng là kỷ niệm ở bệnh viện, lần chuyển dạ sắp sinh con gái đầu lòng, vừa đau vừa sợ, chị bấu chặt mẹ chồng. Bác sĩ vào khám mời tất cả người nhà bước ra, bà nhanh chân nấp vào nhà vệ sinh để chị đỡ lạc lõng, bơ vơ. Bác sĩ vừa quay đi, bà liền ào ra giường, tiếp tục xoa lưng, bóp tay chân cho chị quên đau.

Sinh xong, chị được mẹ ruột rước về nuôi. Ngày đầy tháng, xuống mừng cháu nội, mẹ chồng cứ hôn lấy hôn để chị khiến mẹ ruột bất ngờ, bối rối vì ngay cả mẹ ruột cũng có bao giờ hôn chị. “Con dâu tui tui nhớ quá! Con dâu tui tui cưng y như con gái!” - bà sui trai nói với bà sui gái mà vẫn ôm con dâu không rời. 

Nguyễn Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI