Returnship - cánh cửa cho những bà mẹ trẻ mất việc

08/05/2014 - 14:11

PNO - PN - Họ là những phụ nữ “không tồn tại” trong thị trường lao động: phải nghỉ việc ở độ tuổi 20, 30 hoặc 40 để sinh con, nuôi con. Cánh cửa văn phòng một khi đã khép lại sau lưng thì hình như rất khó mở ra lần nữa, dù các bà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Helena Morriissey, Giám đốc Công ty quản lý đầu tư Newton cho biết: “Rất nhiều bạn bè của tôi phải nghỉ việc khi sinh con, sau đó loay hoay không biết làm cách nào để quay lại làm việc. Không có một con đường chính thức cho họ trở lại. Về phía công ty, người quản lý cũng không biết khi nào là thời điểm thích hợp để thảo luận việc quay lại công sở của nữ nhân viên”.

Các bà mẹ muốn đi làm lại thường bị chủ doanh nghiệp nghi ngại khi nhìn vào lỗ hổng trong lý lịch của họ. Họ cũng đã bị tụt hậu trong chuyên môn so với đồng nghiệp cùng trang lứa.

Cách đây vài năm, các công ty Mỹ đã có một sáng kiến để mở rộng cánh cửa, không chỉ dành cho các bà mẹ trẻ, mà cả những nhân viên phải nghỉ việc để chăm sóc người ốm hay cánh đàn ông đã từng nghỉ việc vì lý do nào đó. Cũng giống như chương trình thực tập sinh (Internship), họ cho ra đời chương trình thực tập trở lại công sở (Returnship). Nhân viên tham gia sẽ được trả lương và sẽ có một công việc hứa hẹn nếu đạt kết quả tốt sau kỳ thực tập.

Returnship - canh cua cho nhung ba me tre mat viec

Returnship là cánh cửa mở ra cho phụ nữ trẻ nghỉ việc quay lại công sở - Ảnh: www.eiu.edu

Sau khi thành công tại Mỹ, Returnship đã “vượt đại dương” đến Anh. Chi nhánh Anh Quốc của Ngân hàng Credit Suisse tiên phong với tên gọi Real Returns dành cho 16 nữ nhân viên trong 10 tuần. Những nhân viên này đã không làm việc trong ngành từ hai đến mười năm. Họ được trả một mức lương chuyên môn phù hợp với những nỗ lực của bản thân. Đây là chương trình đầu tiên có quy mô bắt đầu thử nghiệm ở Anh vào tuần qua. Khi tham gia chương trình, các nhân viên này được phân bổ vào từng nhóm làm việc thực sự chứ không phải là phụ việc. Họ được giao những dự án ngắn hạn, được huấn luyện lại một số kỹ năng có thể đã quên và được một đồng nghiệp cấp cao hơn hướng dẫn.

Alan Frewer, Giám đốc phát triển năng lực của Credit Suisse cho biết: “Đây là cơ hội để các ứng viên thử xem việc mình trở lại làm việc có phù hợp với hoàn cảnh hay không, có bắt kịp nhịp độ của thị trường và làm quen lại được với môi trường làm việc hay không. Các cô được tuyển chọn kỳ này rất chăm chỉ, họ là những người có tài, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp, có người có đến 10 hay 25 năm kinh nghiệm”.

Hiện ngân hàng đối thủ của Credit Suisse là Morgan Stanley cũng đang triển khai thực hiện chương trình này vào tháng Chín tới, với một hội thảo dự kiến sẽ diễn ra trong tháng sau.

Cha đẻ của chương trình là Công ty Goldman Sachs, đã tiến hành Returnship lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2008. Goldman cũng đã áp dụng nó tại Ấn Độ.

Theo đánh giá, chương trình này có lợi cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp. Có những rủi ro cho cả đôi bên khi nhân viên quay lại làm việc mà với chỉ một hai buổi phỏng vấn không thể thấy được, thì với chương trình này, hai bên đều có thời gian để nhận biết mình có phù hợp hay không.

Returnship nhận được rất nhiều ủng hộ và đang được kêu gọi mở rộng tại Anh. Tuy nhiên, nó cũng bị phê phán khi một số doanh nghiệp lợi dụng chương trình này để trả công rất thấp cho người tham dự. Thậm chí, tại một số ngân hàng lớn, sau 10 tuần làm việc, không có một công việc nào chờ đợi phía trước cho những người đã hoàn tất chương trình.

 PHAN QUỲNH DAO (Theo Evening Standard)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI