Reshma-Tia hy vọng của Bangladesh

11/05/2013 - 11:00

PNO - PNO – Reshma sống sót kỳ diệu sau 17 ngày xảy ra vụ sập tòa nhà Rana Plaza. Nữ công nhân may nghèo khó này đã trở thành điểm sáng quý giá trong thảm họa tồi tệ, khiến 1.053 người thiệt mạng.

Ngày thứ sáu 10/5, khi chính phủ Bangladesh định khép lại việc cứu hộ cứu nạn thì người ta tìm thấy Reshma. Thật khó tả cho hết sự phấn khích và cảm kích mà người dân Bangladesh dành cho người phụ nữ ngoan cường đã đấu tranh cho mạng sống của chính mình.

Reshma-Tia hy vong cua Bangladesh

Reshma-Tia hy vong cua Bangladesh

Lực lượng cứu hộ tìm thấy Reshma sau khi nghe cô kêu cứu (ảnh: AFP, Los Angeles Times)

Zafar Sobhan, biên tập viên của Dhaka Trubune nhìn nhận: “Trong một xã hội gia trưởng với 90% dân số theo đạo Hồi, Reshma là hiện thân của phần tốt đẹp nhất ở Bangladesh, vì cô cho thấy rằng dù bất cứ khó khăn nào cũng phải dũng cảm, mạnh mẽ, quyết tâm và không từ bỏ hy vọng. Sau nhiều ngày dài nặng nề với quá nhiều tin xấu, Reshma nhen nhóm cho chúng tôi cảm giác hy vọng và lạc quan. Cô ấy đã chiếm được trái tim của mọi người dân Bangladesh”.

“Tôi kêu cứu, nhưng không ai nghe tiếng tôi. Xung quanh ồn ào, không ai lắng nghe tôi” - Reshma đã sống trong sự căng thẳng tột cùng này suốt 17 ngày, nhưng cô vẫn không ngừng hy vọng. Nhờ có ít thực phẩm khô đóng gói và chai nước mà Reshma giữ được mạng sống của mình. Trong những ngày ấy, Reshma tìm thấy ba người khác cũng còn sống, để rồi cô phải chứng kiến họ qua đời. Nhưng không vì thế mà Reshma buông xuôi hay tuyệt vọng.

Zahidul Islam, anh ruột của Reshma kể, Reshma luôn tranh đấu cho bản thân. Sinh ra trong một ngôi làng hẻo lánh ở huyện biên giới Dinajpur, nơi nổi tiếng với những cánh đồng lúa tươi tốt, Reshma là con út của một gia đình nghèo có 5 con.

Năm 16 tuổi, Reshma lấy chồng, nhưng lại bị chồng bỏ. Hai năm sau, Reshma một mình đến thủ đô Dhaka làm công nhân trong một nhà máy may mặc. Gia đình muốn Reshma tái hôn, nhưng cô từ chối vì muốn dành thời gian kiếm tiền, giúp đỡ người thân.

Người anh Islam bán hàng rong và một anh khác của Reshma là công việc kéo xe. Islam cho biết, Reshma kiếm được khoảng 50 - 60 USD/ tháng, nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình 40 USD của một công nhân dệt may ở Bangladesh. “Em ấy làm thêm giờ hầu như hàng ngày để gửi tiền cho gia đình hàng tháng” - Islam kể.

Những ngày sau khi xảy ra vụ sập tòa nhà Rana Plaza, Islam và người nhà đã chạy khắp các bệnh viện và nhà xác, xem từng cái xác được đưa ra khỏi tòa nhà để tìm kiếm tông tích Reshma. “Trưa hôm qua, có tin một phụ nữ tên Reshma sống sót kỳ diệu, khi nhìn thấy khuôn mặt nạn nhân, tôi nhận ra em mình” - Islam nhắc lại.

Reshma-Tia hy vong cua Bangladesh

Rehsma lúc mới được đưa đến bệnh viện (ảnh: Skynews.com.au)

Reshma-Tia hy vong cua Bangladesh

Thủ tướng Bangladesh thăm Reshma trong bệnh viện (ảnh: Dhaka Tribune)

VĨNH LINH (Theo AFP)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI