Rệp - sự phiền toái của nhiều quốc gia

10/11/2023 - 18:26

PNO - Các cơ quan vệ sinh công cộng tại Hàn Quốc yêu cầu hành khách quốc tế từ những nơi bùng phát dịch rệp giường, bao gồm Pháp và Anh, phải khử trùng kỹ lưỡng hành lý, vì lo ngại rệp có thể theo du khách lây lan.

 

Nhân viên môi trường đang diệt rệp trong ký túc xá Đại học Keimyung ở Daegu - Nguồn ảnh: Yonhap
Nhân viên môi trường đang diệt rệp trong ký túc xá Đại học Keimyung ở Daegu - Nguồn ảnh: Yonhap


Một số kênh tin tức địa phương tại Hàn Quốc chiếu video về loài rệp giường màu nâu đỏ, kích thước bằng hạt táo, bò trên quần áo và ẩn náu trong các vết nứt, kẽ hở trên tường hoặc ghế sô pha. Những đoạn video làm dấy lên nỗi ám ảnh về loài côn trùng ký sinh mà hầu hết người dân xứ sở kim chi chưa bao giờ gặp trước đây.

Theo Park Yoo-mi - một quan chức y tế cấp cao của TP Seoul - rệp hút máu người và động vật, nhưng thường không truyền bệnh. Vết cắn của rệp giường có thể dẫn đến phát ban da, ngứa ngáy dữ dội hoặc gây ra các triệu chứng dị ứng, từ đó gây thiệt hại về kinh tế và tâm lý cho người dân lẫn du khách. 

Vào tháng Mười, ở Paris (Pháp), những video quay cảnh rệp bò trên ghế tàu điện ngầm, trong khách sạn, xe buýt đông đúc và rạp chiếu phim đã lan truyền trên mạng khiến nỗi lo lắng của mọi người về rệp tăng cao. Với việc Paris tổ chức thế vận hội đầu tiên trong thời kỳ hậu COVID-19 vào mùa hè tới, những con côn trùng nhỏ bé thích hút máu này là một vấn đề lớn. Emmanuel Grégoire - Phó thị trưởng Paris - đứng trước ống kính truyền hình Pháp với vẻ mặt nghiêm túc và nói: “Không ai được an toàn”. 

Dữ liệu từ công ty kiểm soát dịch hại Rentokil công bố vào tháng Chín cho thấy, từ năm 2022 đến năm 2023, số vụ lây nhiễm rệp giường ở Anh tăng 65%. 1 con rệp cái trưởng thành có thể đẻ tới 10 trứng mỗi ngày và 200-500 trứng trong suốt cuộc đời. Điều này nghĩa là việc phát hiện kịp thời, hành động nhanh chóng, hiệu quả là chìa khóa để kiểm soát sự lây lan của rệp.

Trên thực tế, sự lây lan rệp giường không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng với sự bùng nổ du lịch kể từ sau đại dịch, người dân ở Paris bắt đầu chú ý đến chúng. Một số yếu tố giúp rệp tồn tại và phát triển có liên quan trực tiếp đến hành vi của con người. Đáng chú ý, lý do chính khiến rệp bùng nổ là vì chúng đã tiến hóa khả năng kháng nhiều loại thuốc trừ sâu.

Chow-Yang Lee - giáo sư côn trùng học đô thị tại Đại học California Riverside (Mỹ) - cho biết: “Thuốc trừ sâu, đặc biệt nhóm thuốc sử dụng pyrethroid, hoàn toàn vô ích với rệp”. Thay vào đó, nhiệt độ cao, khoảng 46 độ C trở lên sẽ giết chết rệp.

TP New York (Mỹ) - nơi hứng chịu đợt bùng phát rệp giường lớn vào những năm 2010 - đã chứng minh rằng cộng đồng có thể giải quyết được nạn rệp, nếu khu vực công và tư nhân hợp tác cùng nhau. Vào thời điểm đó, các cơ quan kiểm soát dịch hại công bố dữ liệu cho thấy quy mô của vấn đề và gửi báo cáo đến các quan chức cùng khuyến nghị chuyên môn nhằm đối phó với đợt bùng phát. Họ cũng triển khai một đường dây trợ giúp không khẩn cấp để công chúng gọi điện nếu phát hiện ra rệp. Đến năm 2017, thành phố thông qua chính sách yêu cầu chủ nhà phải báo cáo tất cả các căn hộ có rệp xâm nhập cho chính quyền địa phương và bất kỳ cư dân nào ở cùng tòa nhà. 

Linh La (theo Guardian, SCMP, Vox, TIME)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI