Rèn tính kiên nhẫn cho trẻ

14/03/2016 - 14:20

PNO - Tính kiên nhẫn rất quan trọng đối với sự thành bại trong học tập cũng như trong công việc của một người. Tuy nhiên, kiên nhẫn không phải tự nhiên mà có.

Cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng tính kiên nhẫn cho trẻ khi chúng còn nhỏ thông qua những công việc cụ thể, phù hợp với khả năng của từng bé.

Chị Mai Anh (Q.5, TP.HCM) tâm sự về con gái tròn sáu tuổi: bé thông minh, lanh lợi nhưng lại không thể kiên nhẫn để hoàn thành tốt bất cứ công việc gì vừa sức mình. Khi giao cho con nhiệm vụ nào, mẹ không phải hướng dẫn nhiều, chỉ cần gợi ý là cháu có thể tự tin thực hiện. Nhưng nếu mẹ không theo sát quản lý, cháu buông xuôi ngay, kể cả những việc cháu vốn thích thú. Khi gặp phải vấn đề khó khăn, cháu ít khi quyết tâm khắc phục mà chỉ luôn nghĩ cách cầu cứu cha mẹ giúp đỡ. Gia đình biết cháu sẽ khó thành công trong cuộc sống sau này nếu thiếu tính kiên trì, chịu khó. Song, chúng tôi vẫn băn khoăn chưa biết làm sao để khắc phục tính “đầu voi đuôi chuột” của con mình.

Cùng hoàn cảnh, chị Diễm An (Q.Tân Bình, TP.HCM) có con là bé Hoàng Anh, chín tuổi, học hiểu bài rất nhanh, vận dụng lý thuyết giải quyết bài tập hiệu quả. Song, cháu không chú tâm kiên trì để học thuộc, ghi nhớ những bài thơ, những công thức đã học. Làm toán thì hơn mười phút đã nản, đòi chuyển qua học làm văn. Dù có mẹ giúp sức nhưng chỉ viết được mấy câu cháu lại uể oải đòi nghỉ giải lao. Vì thế, kết quả kiểm tra các môn của cháu không cao, khiến gia đình rất băn khoăn, lo lắng.

Ren tinh kien nhan cho tre
Ảnh mang tính minh họa -  Sutterstock

Cha mẹ khi giáo dục con cần hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Các cháu ở tuổi tiểu học đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách, hệ thần kinh hưng phấn nhiều hơn ức chế, nên rất khó để kiên trì tiến hành công việc đến cùng, thiếu tập trung, kiềm chế kém là điều bình thường. Đặc biệt, những bé lanh lợi, hăng hái thì thiếu tính kiên trì là một nhược điểm. Chúng dễ dàng thích thú với những điều mới mẻ, hấp dẫn, nhưng lại chóng chán khi đã “tỏ tường”.

Về khả năng tập trung trí lực và thể lực vào một công việc cụ thể, trẻ tuổi mẫu giáo khoảng 10-15 phút, trẻ tuổi tiểu học là 20-30 phút. Vì thế, khi con có tính “cả thèm chóng chán”, cha mẹ chớ buồn phiền, buông xuôi, mặc kệ con. Cha mẹ cần chủ động đồng hành dẫn dắt trẻ trên cơ sở nắm chắc đặc điểm tính tình của chúng.

Với những tình huống trên, hai chị Mai Anh, Diễm An cần bình tĩnh để nhận thấy rằng: trẻ chóng chán, dễ mất kiên trì vì chưa hứng thú với điều mình thực hiện. Hãy cùng con tìm niềm vui trong quá trình học để khám phá kiến thức mới. Khi có hứng thú với công việc, trẻ sẽ say mê, tập trung được trí tuệ, sức lực và tình cảm vào công việc. Khi giao việc, cha mẹ cần khích lệ, động viên kịp thời để trẻ thấy được ý nghĩa của việc mình làm mà cố gắng.

Đồng cảm với con khi chúng gặp khó khăn để cùng chia sẻ và giúp đỡ con vượt qua. Để trẻ học tập hay làm theo những yêu cầu của cha mẹ một cách kiên trì và có hiệu quả, cần phải giúp chúng chuẩn bị đầy đủ, chu đáo những phương tiện cần thiết. Chẳng hạn sắp xếp góc học tập gọn gàng, ngăn nắp; chuẩn bị đầy đủ tài liệu để tìm hiểu và sách vở, bút, thước…; bố trí nơi học tập thoáng mát, tránh sự phân tán chú ý, mất tập trung của trẻ.

Muốn bé không nản chí, buông xuôi, các bậc cha mẹ cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, chi tiết, cụ thể cho con. Vì trẻ sẽ không thể kiên trì khi không biết mình đang làm gì, trong thời gian bao lâu và để đạt mục đích gì. Chẳng hạn, buổi chiều con làm bao nhiêu bài tập toán? Viết mấy câu chính tả? Ôn luyện mấy phần tiếng Anh?... Khi có cơ sở rõ ràng, trẻ sẽ tự tin thực hiệ n công việc của mình. Từ đó, sẽ hình thành dần tính kiên trì cho trẻ tùy theo công việc cụ thể.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI