Rể quý

03/01/2015 - 07:09

PNO - PN - Tại phòng mạch từ thiện, anh tỉ mỉ cài cúc áo, dìu ông từng bước ra xe. Đỡ ông ngồi, anh cẩn thận quàng hai tay ông vào hông mình xong mới từ từ đạp máy xe… Ít ai biết, họ là cha vợ - con rể.

edf40wrjww2tblPage:Content

Re quy

Anh Hoàng đưa cha vợ đi châm cứu

Nhà anh Đặng Thanh Hoàng, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) có hai ông cụ (cha ruột và cha vợ anh Hoàng) đều gần 80 tuổi, bị tai biến mạch máu não hàng chục năm nay. Vậy mà nhà không hề có “mùi người bệnh”, cũng không có tiếng cằn nhằn than thở, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khốn khó, công việc hàng ngày của anh chị thu nhập chẳng đáng là bao.

Anh Hoàng làm nghề “soi” dế. Mùa mưa công việc dễ dàng hơn, có đêm bán cho thương lái được 200.000-300.000đ, nhưng vào mùa khô dế rất khó tìm, đi suốt đêm cũng được không quá 100.000đ. Chị Thu Cúc có một quán cóc trước nhà, bán nước ngọt, si rô đá bào, bánh tráng trộn… cho trẻ em trong xóm. Ở độ tuổi 50 nhưng anh Hoàng bị đau thần kinh tọa hơn chục năm nay. Nghề soi dế đồng hợp với anh vì không quá nặng nhọc. Ngày không đi bắt dế, anh nhận cắt cỏ thuê cho các hộ chung quanh xóm ấp, kiếm thêm mỗi tháng khoảng một triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tư, người đang được đưa đi châm cứu - vật lý trị liệu hàng ngày là cha vợ anh Hoàng, sống với người vợ trước có tám người con. Gần hai mươi năm ông Tư sống cùng người vợ sau ở Tân Trụ, Long An. Năm 2002, ông bị tai biến. Người vợ sau gia cảnh khó khăn, tuổi cũng cao, lại còn phải lo mưu sinh nên khó lòng chăm sóc ông chu đáo. Biết chuyện, vợ chồng anh Hoàng cùng các em đến Long An xin đón ông về phụng dưỡng và lo thuốc thang. Có lẽ nhờ lòng hiếu thảo của anh nên sau một tháng châm cứu và vật lý trị liệu, ông Tư đã nói được một số từ như “ừ”, “thôi”, “ăn”, “uống”, “no”, “đói”, “mệt”, “khỏe”… và ban ngày có thể tự vệ sinh cá nhân.

Ông Đặng Văn Nho, cha ruột anh Hoàng có ba người con và cũng ly hôn. Anh Hoàng là con trai cả. Sau khi ly hôn, ông Nho đi giữ vườn cà phê, chôm chôm thuê ở miệt Long Khánh, Đồng Nai. Từ năm 2005, ông Nho bị tai biến, anh Hoàng đón cha về chăm sóc. Ông Nho còn khả năng nói, đi lại, nhưng hai mắt bị mù. Gần 10 năm dài sống cùng con trai trong căn nhà ọp ẹp, mùa mưa sợ nước, mùa nắng sợ gió, cuối cùng, chủ vườn trái cây nơi ông làm việc hồi trước đã tìm tới cho gần 100 triệu đồng để cất lại mái nhà vào dịp Tết 2013.

Re quy

Bữa cơm thường ngày của nhà anh Hoàng

Nhà có một người bệnh đã “ngất ngư” rồi, đằng này nhà anh Hoàng tới hai người bệnh, mà toàn bệnh ngặt, vợ chồng anh phải cân đong đo đếm tiền bạc và thời gian thật kỹ lưỡng để chăm sóc chu toàn cho hai người cha. “Tối tôi đi soi dế. Sáng thì đưa cha vợ đi châm cứu. Trưa về nấu ăn cho hai ông xong nghỉ trưa chút, tôi đi cắt cỏ bò thuê”, anh Hoàng cho biết.

Vợ chồng anh Hoàng có hai con, đứa gái lớn 23 tuổi đi làm công nhân, hàng tháng tiện tặn, gửi về cho cha mẹ vài triệu đồng. Con trai nhỏ học xong lớp 10 thấy cảnh nhà khó khăn nên nghỉ học đi làm thuê quanh xã. Anh Hoàng bảo: “Vợ tui chịu cực chăm sóc ba ruột và ba chồng cả chục năm nay. Tui không phụ vợ thì ai nữa. Riêng ba vợ ban đêm phải mặc tã, mấy đứa em vợ cũng phụ trợ chút ít…”.

Hôm chúng tôi đến thăm, nhằm ngày mùng Một, cả nhà ăn chay nên bữa cơm hai người cha già có phần đơn điệu với đĩa tàu hủ kho khóm và tô canh mướp hương. Chị Cúc cho biết, hai ông rất thích ăn cá kho khô, nhất là mấy loại cá sông như cá chốt, cá trèn…

Khi chúng tôi trò chuyện thì ông Nho chỉ gật gù ra chiều nghe được nhưng ông Tư lại khóc mếu, tay vung vung muốn nói nhưng không nói được mà chỉ ậm ừ tiếng “Ừ... ừ…”. Anh Hoàng luôn vuốt lưng cha vợ an ủi: “Có gì mà ba khóc… Ráng đi châm cứu, ráng tập nói thì mai mốt nói chuyện được thôi mà…”.

 THÙY PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI