edf40wrjww2tblPage:Content
Anh Dũng đang chăm sóc cha vợ
Hết lòng cùng cha vợ
“Bà nhà tôi nói đúng. 25 năm qua, không có thằng Dũng chắc tôi chết lâu rồi!”, ông Sáu nói tiếp.
Anh Võ Văn Dũng quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đi bộ đội về, anh đến Cần Giờ lập nghiệp, nên duyên cùng chị Ngô Thị Lệ, con gái út của ông Sáu đánh nhợ. Ông Sáu có sáu người con, tất cả đều làm thuê làm mướn. Do lao động nặng nhọc để nuôi các con nên sức khỏe ông sớm suy kiệt. Từ khi anh Dũng về làm rể, ông mới có người đỡ đần, phụ đánh nhợ, giăng lưới, cắm câu, đóng đáy...
Tuy nhiên, cuộc sống yên ả ấy chỉ kéo dài được bảy năm thì ông Sáu phát bệnh. Lúc đó, ba con nhỏ nheo nhóc, chị Lệ không thể chăm cha, bà Sáu thì bận đi làm mướn, kiếm tiền. Vậy là con rể thành người đồng hành với ba vợ từ trạm y tế lên bệnh viện huyện rồi thành phố. Sức khỏe ông Sáu ngày càng suy kiệt, anh Dũng vẫn kiên trì chăm sóc cha. Anh kể: “Ban đầu tôi cũng lóng ngóng lắm, nhưng nhìn mấy cô y tá chăm sóc bệnh nhân riết rồi quen. Ba cựa quậy hay ngước mắt là tôi đã hiểu ý rồi”. Hơn hai năm theo… bệnh viện, ông Sáu được về nhà chưa bao lâu thì bà Sáu đột ngột qua đời vì bị ong đốt lúc đi lượm ve chai. Khóc thương vợ, ông Sáu lại suy sụp sức khỏe, lại phải quay vào bệnh viện.
15 năm qua, các bác sĩ, y tá ở bệnh viện Cần Giờ đã quen với hình ảnh chàng rể cõng cha đi khắp các khoa phòng, rồi lăng xăng lấy thuốc, pha sữa cho cha… Có những lúc cơn đau làm ông Sáu khó chịu, cáu gắt, chàng rể của ông vẫn hềnh hệch cười: “Đau chút chút mà ba”. Anh nói: “Tôi an ủi ông vậy nhưng tôi biết, những cơn đau đó khó chịu lắm!”.
Anh Dũng đang cho cháu ngoại bú sữa
Quả ngọt
“Ông bà ta nói, hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử coi vậy mà đúng. Thằng Dũng sống với chúng tôi tốt bao nhiêu thì mấy đứa con của nó cũng ngoan hiền, hiếu thảo với cha mẹ bấy nhiêu. Nghèo mà đứa nào cũng thơm sạch lắm!” - ông Sáu đánh nhợ hớn hở kể về những đứa cháu ngoại của mình. Cái “thơm sạch” mà ông nói là sự siêng năng, ham học, ham làm và biết vâng lời của những người con anh Dũng và chị Lệ. Thu Lan, con gái đầu của anh chị nay đã tốt nghiệp Học viện hành chính; Minh Trường, sinh viên năm hai Trường cao đẳng Viễn thông, cậu út Minh Chiến thì đang học lớp 12 Trường THPT Cần Thạnh.
Hành trình đưa các con theo đuổi con chữ của anh Dũng, chị Lệ rất gian nan. Nợ vay ngân hàng chính sách cho Thu Lan học vừa trả xong thì phải chạy vay tiếp cho Trường đi học, năm này sang năm khác cứ thiếu đầu này, hụt đầu kia. Cách đây 5 năm, thấy cuộc sống của gia đình anh chị quá khó khăn, địa phương cho mượn vốn để chị mở đại lý vé số tại nhà. Thấy các chị em bán lẻ khó khăn, chị Lệ vui vẻ cho ghi nợ, nào ngờ các chị không có tiền trả nợ, làm chị Lệ sập tiệm, phải bán căn nhà - là tài sản duy nhất của ông bà Sáu để lại. Không còn chỗ ở, tiền bạc, chị Lệ suy sụp, hoảng loạn. Lúc đó, Thu Lan và Minh Trường khăng khăng đòi nghỉ học, đi phụ ba mẹ kiếm tiền. Ban đầu, anh Dũng cũng cho con trai theo kéo lưới, cho con gái ra vựa cắt đầu cá… nhưng chỉ được vài ngày là anh bắt con nghỉ làm, tập trung cho việc học. Anh nói: “Có lần nhìn thằng nhỏ gầy nhom, hì hụi cùng mình kéo lưới, rồi nhớ cảnh cha già với những cơn ho sù sụ muốn đứt hơi, tôi tự hỏi, mình làm cha vậy đó sao? Tôi không cho con mần nữa, bắt nó lo học, nào ngờ thằng nhỏ quệt nước mắt: “Nếu ba không cho con phụ, lỡ ba bệnh như ông ngoại, con phải bỏ học luôn để lo ba, ba còn buồn dữ”. Đó là lúc tôi đã rơi nước mắt vì thấy cuộc đời mình bắt đầu có hậu”.
Anh Dũng và chị Lệ chụp cùng Thu Lan năm con gái lên 10 tuổi
Anh Dũng thường động viên, an ủi vợ: “Mình phải cùng cố gắng để vực gia đình dậy. Nếu em mà suy kiệt sức khỏe nữa, anh không đủ tinh thần để lo cho ba và các con đâu”. Ai mướn gì anh cũng làm, ngày không có việc, anh đi bắt còng, bắt cua đổi gạo. Chị Lệ “nối gót” bà Sáu ngày xưa, lại quơ quào ve chai phụ chồng. Thông cảm hoàn cảnh của anh chị, một người quen đã cho cả gia đình về ở nhờ. Gần 5 năm qua, họ cứ cật lực làm với hy vọng đổi đời cho các con. Ông Sáu đánh nhợ nói: “Ở hiền gặp lành. Nhờ thằng Dũng có hiếu, các cháu tôi ngoan hiền nên được anh Vị thương cho mượn nhà. Có chỗ ở ổn định, mấy đứa nhỏ học hành tấn tới”.
Cách đây hai năm, Thu Lan lấy chồng, đã sinh cho ba mẹ đứa cháu ngoại kháu khỉnh. Có cháu, anh Dũng như trở thành bảo mẫu của cả gia đình. Ngày ngày, anh ở nhà giữ cháu, chăm cha cho con gái, con rể và vợ đi làm, lại còn lo cơm nước cho cậu con út đi học. Chẳng nề hà “việc đàn bà, đàn ông”, anh Dũng giặt giũ áo quần, lau dọn nhà cửa. Anh nói: “Phải tận lực làm như vậy cho con cháu nó thấy mà noi theo”.
Nhìn anh Dũng pha bình sữa, dỗ dành cháu, thay áo quần, xoa nắn tay chân, dìu đỡ cha già gọn gàng, khéo léo, biết ngay là anh làm mọi việc với tất cả sự chú tâm và yêu thương chân thật. Ông Sáu đánh nhợ khen con rể không ngoa: “Tôi sống đến nay đã 83 tuổi rồi mới thấy một gương hiếu thuận, một chàng rể quý hiếm ở đời”.
NGHI ANH
Kỳ tới: Cô cháu dâu hiếu hạnh