Rễ của hạnh phúc

22/03/2015 - 08:10

PNO - PN - Ngày Quốc tế Hạnh phúc mới được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 6/2012. Một cách tự động, có thể nói thế hệ của cha mẹ tôi không có ngày hạnh phúc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Điều này hoàn toàn đúng, mà cũng hoàn toàn sai: họ không có ngày hạnh phúc, nhưng họ rất có thể đã là một thế hệ hạnh phúc. Cái hạnh phúc không đến trong một ngày, không được nhắc nhở tô vẽ thành một biểu tượng, không được xem như một tiêu chuẩn đánh giá đời sống cá nhân, nhưng nó hiển hiện trong đời mỗi người, cho họ sức mạnh để vượt qua khó khăn, sống còn qua máu lửa đạn bom, xây dựng lại tất cả từ tro tàn hậu chiến, và sinh ra những thế hệ kế tiếp là chúng tôi - những thế hệ đã chọn một ngày trong năm (20/3) để đặt tên là ngày hạnh phúc, và sẽ nhiều khi vật vã trăn trở, tự hỏi mình có hạnh phúc hay không…

Re cua hanh phuc

Ảnh: Ngọc Hồ.

Ý tưởng về Ngày Hạnh phúc được cho là xuất phát từ Bhutan -vương quốc bé nhỏ nằm phía Đông dãy Himalaya, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân…

Năm nay, Ngày Hạnh phúc ở Việt Nam vẫn tiếp nối chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Tuy chưa nhiều người quan tâm và nhớ đến ngày mới mẻ này, nhưng rất có thể, như ngày 8/3, như ngày 14/2 ở xứ mình, một khi được quan tâm, người ta có xu hướng thương mại hóa - lễ hội hóa nó, với rất nhiều hoa và quà tặng, ồn ào hào nhoáng, trở thành một cơ hội kinh doanh hơn là một lời nhắc nhở cho những nỗ lực của con người.

Có thể hạnh phúc không khi quá nhiều những điều đau lòng đang ngày ngày diễn ra, khi cha quật dây thừng vào mặt con, mẹ sinh con rồi ném từ trên lầu xuống đất, chồng giết vợ đào hố chôn giữa nhà, trẻ con đánh nhau đổ máu trong trường học?…

Câu hỏi đặt ra giữa những ngày tháng này có vẻ nhuốm màu tiêu cực, có vẻ sẽ dẫn đến một câu trả lời buồn, hoặc tốt lắm là được một câu trả lời yếm thế, chấp nhận một chuẩn mực thấp của hạnh phúc, theo kiểu “nói cho cùng thì chỉ cần tử tế với nhau là “thiên hạ thái bình”, chứ sống giữa tứ bề lo lắng thế này, hạnh phúc sao nổi!”.

Thực ra thì không phải vậy. Mỗi một khoảnh khắc sống trong đời, sát bên cạnh khổ đau, hạnh phúc mỉm cười và tỏa sáng. Không phải vì có bạn bị đánh trong lớp học mà những đứa trẻ khác không vui vẻ hôn tạm biệt mẹ và tung tăng chạy vào trường. Không phải vì những người vợ bị giết mà những đôi lứa khác không kết hôn. Người ta vẫn tiếp tục sống, yêu nhau, sinh con, những đứa trẻ lớn lên và đến trường. Chẳng lúc nào dừng lại.

Và hạnh phúc không phải là một bó hoa rực rỡ cắm trong bình pha lê, đẹp vô cùng, nhưng đã bị cắt rời khỏi gốc rễ của nó. Hạnh phúc là những lá những hoa vô cùng khác nhau, mọc lên từ cuộc sống. Gốc rễ, nguồn cội của nó có thể là sình lầy, nước đọng, đất khô, cát lún, hay những mảnh đất màu mỡ.

Mỗi gốc rễ đều nở những lá hoa hạnh phúc của riêng mình. Hãy nhìn hạnh phúc ở những nơi ấy. Một bông hoa nhỏ xíu có thể là niềm hạnh phúc vô biên của một rẻo đất nhỏ cheo leo đầu mỏm đá. Rẻo đất ấy không cần một bông hoa to rực rỡ, nó chỉ cần đến thế thôi, bởi bông hoa to rực rỡ kia có thể sẽ quá nặng, quá lớn, đến nỗi rơi khỏi rẻo đất nhỏ ấy, hay thậm chí có thể trở thành một thứ tai ương…

Ai hạnh phúc chỉ có người ấy biết mà thôi, và hạnh phúc thực sự có khi còn phải giấu bớt đi một chút - những người từng trải thường thấu hiểu điều đơn giản và có vẻ phi lý này. Những người trẻ thường có xu hướng trình diễn hạnh phúc. Từ đó, họ đi đến chỗ cạnh tranh với nhau về hạnh phúc. Từ đó, đi đến chỗ xa hơn là tự thấy mình bất hạnh vì không được “hạnh phúc” như người ta.

Bình hoa hạnh phúc chưng trên chiếc bàn công cộng, mỗi người cắm thêm vào đó bông hoa hạnh phúc của mình, như một cuộc trình diễn. Rốt cuộc thì bông hoa hạnh phúc ấy đã bị cắt rời khỏi không gian sống của nó, đánh mất vẻ đẹp bình yên và phù hợp với cảnh quan xung quanh nó, trở thành một món đồ trình diễn, và rồi tàn trong… thùng rác công cộng. Internet, truyền thông, cuộc sống ảo… đang là những chiếc bàn chưng hoa công cộng này, đang tạo điều kiện cho người ta so bì với nhau về hạnh phúc nhiều hơn là làm cho người ta hạnh phúc.

Người ta không nói nhiều lắm về việc bằng cách đo đếm như thế nào, bằng những tiêu chuẩn được đánh giá như thế nào, mà một quốc gia bé nhỏ xa xôi lại trở thành xuất xứ, khởi nguồn của khái niệm ngày hạnh phúc. Nhưng từ đó, có thể giữ một niềm tin rằng, thực ra thì để hạnh phúc, con người cũng chẳng cần gì nhiều nhặn lắm, chỉ là những điều bé nhỏ phù hợp với mình, với mảnh đất tâm hồn mình. Để hạnh phúc không chỉ gói trong một ngày, cần chăm bón cho những chiếc rễ của cây hạnh phúc trên mảnh đất ấy. Một ngày, hoa lá sẽ nở, để ta cho ta hạnh phúc theo cách của mình.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI