Rõ ràng, người tiêu dùng có nhu cầu dùng sau sạch, nhưng cách tổ chức kinh doanh, tiêu thụ của những người quản lý ngành rau ở Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này.
Không khó để tìm thấy một cửa hàng rau sạch ở Hà Nội. Thế nhưng, người tiêu dùng lại chẳng mặn mà với việc mua rau ở cửa hàng rau sạch bởi nghi ngờ chắc gì rau ở đấy đã sạch thật, giá lại cao hơn giá rau ở chợ. Họ không mấy tin tưởng vào rau sạch không phải không có nguyên cớ. Tất cả bắt nguồn từ sự nhập nhằng trong tổ chức kinh doanh, tiêu thụ khiến người trồng rau an toàn (RAT) thì phấp phỏng lo ế, còn người tiêu dùng thì mỏi mắt đi tìm niềm tin vào rau sạch.
Ế như… rau sạch!
Siêu thị Minh Hoa, Ngọc Khánh… là những điểm bán rau sạch hàng đầu tại Hà Nội. Thế nhưng, có mặt ở những địa điểm này vào giờ đi chợ cao điểm mới thấy sự ế ẩm của những sản phẩm rau quả sạch. Vào siêu thị, chị Phan Ái Hoa (phố Thái Thịnh, Hà Nội) tìm thấy những túi rau hẹ, mướp đắng, củ cải… được đóng gói từ trước đó 4-5 ngày. Rau cải, rau ngót… cũng héo rũ trên kệ hàng.
Rau sạch lèo tèo tại siêu thị Minh Hoa (Hà Nội)
Số lượng rau xanh bán tại đây không nhiều, song chẳng nhiều người chọn mua: “Rau xanh nhìn thấy héo rồi thì chẳng ai còn muốn mua, dù rau có sạch và có nguồn gốc rõ ràng đến đâu!”. Điều tương tự cũng thấy tại siêu thị Ngọc Khánh (phố Đặng Văn Ngữ) khi các kệ rau chỉ lèo tèo vài loại như cải ngọt, cải bó xôi, bí đao… hầu hết đã kém tươi ngon. Khi hỏi nhân viên bán hàng về ngày cắt rau thì câu trả lời nhận được là từ… hôm qua vẫn còn nên hôm nay chưa nhận tiếp rau về bán! Các loại củ quả cũng nằm lăn lóc trên các kệ được đề là rau củ sạch, song không hề thấy có dán nhãn xuất xứ. Có lẽ siêu thị rau vốn dĩ khá quen thuộc với các bà nội trợ sành ăn lâu nay, hiện kinh doanh với chút uy tín còn sót lại trước đây chăng?
Việc kinh doanh RAT của Hà Nội có lẽ chưa bao giờ bi đát như lúc này. Với mục đích hỗ trợ DN, HTX đưa rau củ quả an toàn đến người dân, đầu năm 2012, sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó là các điểm, chuỗi cửa hàng bán RAT về tận các tổ dân phố, khu dân cư lần lượt ra đời. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi nhu cầu về RAT vẫn rất cao thì trong số 31 điểm bán RAT của sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội tại các khu dân cư, khu tập thể đã có đến… 25 điểm đóng cửa. Một số lượng rau cực kỳ khiêm tốn từ các HTX rau sạch được nhập cho siêu thị, cửa hàng, còn lại phải… bán tống bán tháo ra chợ đầu mối với giá rẻ tương đương các loại rau từ nhiều vùng chuyển về.
Chủ nhiệm HTX Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thế Hiệp cho hay, với 9ha diện tích trồng RAT, chỉ một phần rất nhỏ số lượng rau này được thu mua để đưa vào siêu thị. Phần lớn rau của HTX này được đưa về các chợ rau đầu mối, trà trộn với rau “bẩn” một cách đồng hạng. “RAT do nông dân ở đây trồng chỉ luẩn quẩn bán tại huyện Gia Lâm, hầu như chưa sang được nội thành. Quan trọng nhất là bao tiêu sản phẩm cho người trồng rau thì hầu như chúng tôi không có sự giúp đỡ nào, đành tự mày mò đi tiếp thị tại siêu thị, còn lại phải bán đại trà” - ông Hiệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hào, chủ nhiệm HTX rau Tiền Lệ, (huyện Hoài Đức) cũng cho biết, mặc dù đã tham gia sàn giao dịch và thực phẩm an toàn Hà Nội, cũng có một số cá nhân liên hệ để lấy rau về bán nhưng hầu như ông phải từ chối. Lý do là họ lấy số lượng quá ít, chỉ vài chục cân mỗi ngày trong khi phải vận chuyển đến địa điểm yêu cầu quá xa, không đảm bảo đủ chi phí. Rau sạch được trồng theo quy trình đảm bảo an toàn, theo đó vẫn ế ẩm và buộc họ phải mang ra chợ đầu mối tiêu thụ.
Chưa tin dùng rau sạch
Theo Sở Công thương Hà Nội, kết quả hoạt động của các điểm bán rau sạch nội thành đã không như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng rau được bán tại các điểm này là rau sạch. PGĐ Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết, số lượng RAT tiêu thụ trên địa bàn đã tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng lượng rau tiêu thụ tại các điểm bán RAT vẫn hạn chế.
Ông Đồng nhận định, tỉ lệ người tiêu dùng mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống vẫn cao, chỉ rất ít người dân tìm mua rau tại siêu thị và các cửa hàng bán RAT. “Để kinh doanh RAT, rất khó có điểm kinh doanh nào đem lại lợi nhuận nếu không được hỗ trợ kinh phí do giá thuê mặt bằng cao” - ông Đồng nhấn mạnh. Trước đây, TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã xây dựng 23 điểm kinh doanh RAT cố định, nhưng việc mở rộng các địa điểm lưu động rất loay hoay. Mở tại các chợ thì RAT thì lép vế, không cạnh tranh được với rau thường. Vì thế, nhiều điểm bán rau sạch của đơn vị này đã phải đóng cửa.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển RAT cung cấp cho người tiêu dùng, Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Cùng với đó, UBND các quận đề xuất địa điểm khả thi phục vụ hoạt động tiêu thụ rau củ quả an toàn. Tuy nhiên, địa điểm, vị trí bán RAT cũng như hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi.
Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp cũng như công thương Hà Nội đã có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ các điểm bán RAT nhưng cứ mở ra rồi lại đóng cửa. Vì vậy, cần sự kết nối giữa người làm ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thông qua các hệ thống tiêu thụ. Về lâu dài, theo Bộ NNPTNT, việc thay đổi quy mô trồng RAT mới là mấu chốt để tác động đến các chuỗi phía sau như tiêu thụ, phân phối…. Bởi với quy mô chỉ trung bình 2 sào/hộ trồng RAT hiện nay tại đồng bằng sông Hồng, việc thay đổi cả một quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu thụ là bài toán cần không ít thời gian.
Theo Dương Hà (Lao Động Cuối Tuần)