Rau sạch Đà Lạt ngán ngại... nhà phân phối

03/12/2015 - 08:58

PNO - Nhiều nhà vườn Đà Lạt hiện có những sản phẩm cho phép người sử dụng có thể ăn trực tiếp tại vườn mà không cần qua sơ chế (rửa, ngâm nước muối…).

Vì rau được  trồng theo công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản, châu Âu, không sử dụng phân hóa học hay các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Chi phí xây dựng những vườn rau như thế không hề thấp. Tại vườn rau trồng theo công nghệ thủy canh của Hà Lan, theo bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt), chi phí đầu tư 1ha lên đến gần bảy tỷ đồng.

Rau sach Da Lat ngan ngai... nha phan phoi
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tương tự, vườn rau của Công ty liên doanh An Phú Lacue từ hơn một năm nay đã cho ra thị trường những sản phẩm được đánh giá là có chất lượng tương đương với sản phẩm trồng tại làng Kawakami, nơi mệnh danh là “ngôi làng thần kỳ” ở Nhật Bản, nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của những người trồng rau có kinh nghiệm đến từ Nhật.

Thế nhưng, hơn một năm qua, tại TP.HCM, An Phú cũng chỉ có một cửa hàng phân phối chính ở đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), một điểm bán ủy quyền tại chợ Tân Định và trong hệ thống siêu thị Aeon của Nhật.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch HĐQT An Phú Lacue thừa nhận, công ty chú trọng vào vấn đề chất lượng hơn là việc truyền thông đến người tiêu dùng (NTD) về những sản phẩm của mình. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều đơn vị trồng rau có thương hiệu tại Đà Lạt như Đà Lạt GAP, Xuân Hương, Anh Đào…

Trong đợt kết nối nhà sản xuất và phân phối sản phẩm Việt chất lượng do Sở Công thương TP.HCM và Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức tại Đà Lạt, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đã tỏ ra tiếc nuối khi những sản phẩm chất lượng tốt, có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ của các nhà vườn Đà Lạt chưa phổ biến trong hệ thống phân phối thực phẩm an toàn mà TP.HCM đang nỗ lực xây dựng. Tình trạng này có thể do những nhà vườn tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm một cách “âm thầm” nên chưa được nhiều khách hàng biết đến.

Giá rau sạch cao cũng là một nguyên nhân được nhiều người đề cập, nhưng thật ra giá những sản phẩm sạch này không thực sự cao. Xà lách trung bình 40.000-50.000đ/ kg, các loại cà chua, rau cải ăn lá... 25.000-30.000đ/kg.

Một lý do mà các đơn vị trồng rau an toàn ít đề cập trong những buổi kết nối là vấn đề phát sinh khi liên kết với các nhà phân phối, đặc biệt là những đơn vị trong nước. Đại diện một nhà vườn rau chia sẻ, liên kết với nhà phân phối lớn giúp ông loại bỏ được thương lái trung gian, nhưng đôi khi khó kiểm soát được sản phẩm đến tay NTD có phải là sản phẩm của mình hay không.

Có chủ trại còn cho biết, khi thỏa thuận tỷ lệ chiết khấu với kênh phân phối, hai bên đều đồng ý chốt giá bán lẻ cho NTD, nhưng khi bán ra, những đơn vị này tự động cộng thêm 10-15% khiến cùng một sản phẩm của một nhà sản xuất mà có nhiều giá bán khác nhau, NTD nghi ngờ chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Vì thế, nhiều nhà vườn vẫn muốn bán trực tiếp sản phẩm của mình, dù lượng bán ra không nhiều.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI