Di thơ thẩn men theo con đường mòn nhỏ dẫn sâu vô xóm. Những cây cam xoàn trĩu trịt chín mọng treo lúc lắc trên cành. Hai bên là vài ba thửa ruộng xanh mơn của bà con. Lâu lắm rồi chị mới được thả mắt theo từng đợt sóng lúa rập rờn. Cảnh vật vùng quê khi mô cũng đem tới cảm giác an lành. Đứng trên mảnh đất miền Tây hồn hậu nuôi lớn anh, chị tự dưng nhớ cái nắng gió rát mặt nơi miền Trung quê mình.
Chị đi bộ mải miết, mặc kệ đôi giày dính đầy bụi đất xám đen. Thêm vài căn nữa là tới nhà cô ruột của anh, là bạn hàng thân thiết hay mua yến sào tại cửa hàng của chị. Cô chính là bà mai mát tay nhứt như anh từng nói, đã kết nên mối lương duyên giữa anh và chị. Tháng sau làm đám cưới, tầm cuối năm sanh xong, chị sẽ về đây làm dâu, trước sau chi chẳng là người nhà. Nghĩ rứa nên chị chưa vội ghé nhà cô, tranh thủ ngó nghiêng chào hỏi những người hàng xóm tương lai.
***
Bà Mỳ đang đứng ngay trước ngõ để hái lá, thấy Di liền kéo tay chị vô nhà. Di vẫn được ba má chồng, cô chồng và cả anh dặn dò rất kỹ. Ở cái xóm ni có trò chuyện với ai thì nhớ né bà Mỳ ra. Bà là chúa tọc mạch, chuyên đâm bị thóc chọc bị gạo, không thể tin được. Di chẳng ưa kết thân với người như rứa nhưng chị vẫn phải lịch sự, nên khó mà từ chối bà.
- Tháng sau hai đứa cưới hả? Rồi bây tính đẻ đứa nhỏ ở đâu, về đây hay trên trển?
- Ủa răng bà biết con có bầu?
- Mèn đét ơi, cái gì mà tao hổng biết bây. Bà nói nghe, cái vụ thằng Đình chưa ly hôn vợ nó, bà còn biết nữa là… Ấy chết cha, bây nghe chuyện đó chưa hen?
Anh có vợ? Anh còn chưa ly hôn người cũ? Chắc bà Mỳ đùa. Răng có chuyện vớ vẩn nớ được. Ba năm qua, chị đã về đây hơn chục lần. Bà con, họ hàng, ba má, em út của anh, chị đều rành. Chị đã như người trong nhà, lẽ mô có chuyện động trời rứa mà chị lại không biết. Bình tĩnh, chỉ là lời đặt điều. Anh nói đúng thiệt, bà Mỳ là người dối trá. Khoan, bà lớn tuổi rồi, tuy ăn nói bỗ bã nhưng bịa cỡ ni thì hơi sai rồi. Có khói có lửa, thiệt hay giả, phải nghe bà nói hết cái đã.
- Mấy lần bây về bà có thấy, cũng tính kể bây nghe hết rồi. Suy đi tính lại, mắc công mang tiếng nhiều chuyện, nên bà thôi. Ai dè hổm rày rùm beng nghe tin bây tính cưới. Bà sợ bây bụng mang dạ chửa tâm lý không ổn định, mà nghĩ lại tội hết sức. Phải nói thôi con. Cái nhà đó hổng yêu thương gì bây đâu. “Thức khuya mới biết đêm dài. Sống lâu mới biết lòng ai thế nào”, con ơi. Vợ thằng Đình hiền lắm, ngặt nỗi không biết chửa đẻ. Chắc họ ưng có cháu lắm rồi, nên mới im ỉm làm vậy. Bây coi sao chứ sanh con ra mà má nó làm vợ hai thì tội nghiệp sắp nhỏ. Tao nghe thằng Đình tính với cô của nó, đợi cưới xong rước vợ cả với bây về ở chung ba người đó. Nực cười quá! Thời nào rồi còn chuyện chồng chung vợ chạ. Đến tao đây mà còn chẳng ưa chuyện đó.
Di nghe bà Mỳ nói một thôi một hồi, tai chị lùng bùng, mặt đỏ ran, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Đây là mơ thôi, chứ sự thực làm chi có chuyện kinh khủng tới rứa. Cứ như phim truyền hình với những âm mưu, bí mật gớm ghiếc. Người đàn ông chị dành cả nhiệt thành và tin yêu lại lừa chị hết sức ngoạn mục. Màn kịch ni quá tài tình. Hàng xóm biết, người thân của anh đều biết, cô vợ hiện tại của anh chắc chắn biết. Có lẽ đám nhân viên luôn miệng gọi chị là “bà chủ” ở công ty anh cũng rõ. Chỉ mỗi mình Di như một con ngốc thực sự.
Di gặp anh năm hai mươi chín tuổi, lúc gọi là chín chắn trưởng thành. Nhưng có vẻ như trong tình yêu, tuổi nào cũng dại khờ. Chị mở chuỗi cửa hàng yến sào có số vốn lên đến cả tỷ đồng. Đình làm giám đốc một công ty quảng cáo có tiếng trong ngành. Ai cũng bảo xứng đôi vừa lứa. Trong suy nghĩ của bạn bè, anh chị đúng nghĩa một cặp hoàn hảo, muốn tiền có tiền, thích sắc có sắc. Vì chắc chắn cưới nên chị mới có bầu. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Ngôn tình không có thiệt và ảo mộng sẽ vỡ tan ngay khi ta tỉnh giấc, quay về với đúng hiện thực. Hóa ra yêu thương lại mỏng manh tựa như cơn gió. Bây chừ chị biết làm răng?
***
Di không xỉu. Lạ kỳ, dù ruột gan rối bời, nước mắt đầm đìa, chị vẫn đứng vững giữa trời đất Trà Ôn lộng gió. Có lẽ nhờ cái dìu tay của bà Mỳ. Bà không phải người gian xảo như gia đình anh cảnh báo mà ngược lại, bà chỉ là một kẻ dài tay lo chuyện bao đồng. Cũng may cái sự dư hơi nớ của bà đã giúp Di biết được sự thật sớm hơn tính toán của anh. Đình có nhà ở Vĩnh Long lẫn thành phố, nên chị muốn về quê hay ở lại Sài Gòn đều được. Di đã nghĩ đó sẽ là lợi thế cho con chị, mô có ngờ chỉ là lợi thế để anh lừa chị về làm vợ hai.
Kịch của anh đã hạ màn, bây chừ tới lượt chị. Di ngồi đối diện hai kẻ giả tạo trắng trợn mà ít phút trước chị còn coi là ba má chồng, hai mắt sưng húp nhưng hằn học vằn đỏ. Họ nói nhiều lắm, ra rả giảng đạo có, năn nỉ có, van xin có. Chẳng câu mô lọt lỗ tai Di. Con chị không nên nghe những lời bẩn thỉu. Và má nó càng không cần nói những điều tệ hại.
Di phải lựa từng từ từng chữ, gằn giọng nói thiệt chậm. Nếu cô chú đã chịu thành thực như rứa rồi, để con gọi về nói ba má con trả lại lễ. Con không cưới xin chi nữa. Cái thai trong bụng là con của con, chẳng ai có quyền nhận con nhận cháu. Đứng trước pháp luật, anh Đình vẫn là người mang danh nghĩa đang có vợ. Nên chắc mọi người hiểu, đừng tranh giành chuyện nuôi con. Bé không liên quan chi đến cái nhà ni cả.
Trong phút chốc Di suy nghĩ, mình không thể làm con thiêu thân lao vào ngọn đèn dầu, dù biết sẽ chết cháy nhưng vẫn bất chấp phóng đi. Một khi niềm tin đã mất, mọi thứ phải dừng lại thôi. Di vô buồng, xếp gọn túi xách cầm trên tay đi băng băng ra cổng. Đình níu tay chị lại, nói yêu nói thương nhận sai nhận lỗi chi đó. Tai Di chẳng nghe được chi cả. Chị hất tay Đình, lời nói ra nhẹ hẫng như không. “Mình dừng lại thôi anh”. Di đi bộ ra đường lớn, đón xe lên Sài Gòn. Hai bên đường, ruộng lúa vẫn xanh ngát nhưng xứ ni không có chỗ cho chị.
***
Đình cứ nghĩ Di chỉ quá bất ngờ và giận dỗi nên bỏ đi. Có đứa con trong bụng là sự ràng buộc rất lớn. Chị sẽ không thể buông tay anh được. Cả Di còn không nghĩ mình quyết định nhanh tới rứa. Chị suy nghĩ cái rọt, dứt tình cái rẹt. Thả người mệt nhoài xuống ghế, chị nhìn khắp căn phòng một lượt. Đồ đã đóng thùng, hợp đồng đã ký, tiền đã nhận, chị bán chung cư của mình để chuyển đi. Chị sang lại chuỗi cửa hàng cho người quen, quyết tâm cắt đứt mọi liên lạc với anh, bắt đầu lại từ đầu. Di sẽ không để anh tìm ra chị, càng không cho anh có cơ hội được gặp mặt con. Một kẻ dối trá không đủ tư cách làm cha của con chị. Di đủ sức nuôi con một mình.
Tối hôm trước, má gọi điện vô bảo Di về Quảng. Một lần cho tởn đến già, đừng đi nước mặn mà hà ăn chân, nghe con. Hủy đám cưới chẳng phải chuyện chi lớn lao to tát mô con. Đời còn dài, tương lai còn rộng, lo chi thiếu người thương con. Chồng thì phải cho ra chồng, không chung chạ chi hết. Thôi, về nhà ở với ba má.
Giọng má nghèn nghẹn ươn ướt. Chị xót quá, lớn chừng ni rồi vẫn để ba má lo lắng. Đúng thiệt là, trong lòng ba má, đứa con dù có trưởng thành cỡ mô thì vẫn mãi là đứa trẻ. Đi nửa đời người, tới khi chuẩn bị làm mẹ, Di mới nhận ra gia đình quan trọng như răng. Chị ưng về làm con bé con ôm má khóc lắm. Mà chị lại không thể khiến ba má mang tai chịu tiếng được. Gái không chồng mà chửa đời mô chẳng bị đàm tiếu. Thôi thì ráng ở lại Sài Gòn, ít ra ở đây mọi người cũng có cái nhìn bao dung hơn.
***
Chị phân loại mớ vật dụng, xếp nhẹ nhàng vô thùng, dán băng keo thiệt chặt. Lần thứ tám Di phải chuyển nhà. Là một cuộc trốn chạy không hồi kết. Di trốn... cha của con chị. Chị đã tìm mọi cách để tránh né Đình. Cũng sáu năm rồi kể từ lần cuối Di gặp anh. Ngày nớ chị nghĩ chỉ cần chuyển đi thì sẽ cắt đứt mọi thứ. Ai ngờ suốt mấy năm trời, Đình chưa khi mô từ bỏ việc kiếm chị và cu Bin.
Má vừa gọi lúc chiều, bảo Di rằng Đình lại hỏi thăm về chỗ ở của chị. Di dặn má im lặng không biết bao nhiêu lần. Là chừng nớ lần má la Di răng phải đưa con đi trốn nhọc công. Cuộc đời như một cơn gió, ai biết trước ngày mai mà cứ giữ trong lòng những trách cứ xót xa. Đừng chia cách cha con cu Bin, Di à!
Di dừng tay, lại giường ngồi nhìn cu Bin đang say ngủ. Bin cuộn mình trong mền ấm áp. Cu cậu cong người như con tôm, dụi đầu vô chiếc gối có hơi của má nó. Từ khi biết nói đến chừ, Bin không một lần hỏi ba là ai, ba ở mô. Qua những câu chuyện không đầu không cuối của ông bà ngoại, liệu con có mơ hồ hiểu được lý do thiếu vắng ba? Có lẽ Bin biết, ba là người đã làm cho má của nó phải buồn. Trong tất cả sự quan tâm của cu cậu, chỉ có mỗi mình Di mà thôi. Bin khá ngoan, chẳng khi mô mè nheo, quấy rầy lúc Di làm việc. Con giống như nguồn sống của chị, là động lực để dù như răng thì chị đều bước tiếp được.
Trong căn nhà thuê, ánh đèn ngủ vàng mờ không đủ soi rõ gương mặt Di. Lo lắng, tức giận, mệt mỏi hay xót xa, làm răng nhìn ra cho được. Dù dứt khoát buông bỏ nhưng cái nghèn nghẹn ở ngực Di dường như vẫn còn nguyên vẹn sau chừng nớ thời gian. Chị chưa kịp tức giận, chưa kịp ghét hận, đã phải buộc mình bước tiếp. Có bầu nên không được khóc, không được buồn, sẽ ảnh hưởng tới con.
Cu Bin ra đời thì chẳng còn thời gian để suy nghĩ. Vừa phải thay cha, vừa phải làm mẹ, vất vả mệt mỏi biết mấy. Chừ nhìn lại, phải chăng Di đã quá vội vàng? Chị không cần chồng nhưng cu Bin cần cha mà. Chỉ vì những dằn dỗi tổn thương của bản thân, Di đã vô tình khiến con mình phải chịu thiệt thòi. Đâu có lý do chi để chị phải đi trốn như rứa. Có lẽ chị nên để con gặp mặt ba nó một lần? Bin cũng cần chỗ ở yên để còn lên lớp một. Chị khó nghĩ quá. Di rọc thùng giấy ra, xếp đồ đạc về nguyên chỗ cũ. Chị không chạy trốn nữa.
***
Vợ cũ của Đình tìm được Di trong một đêm Sài Gòn trở gió. Hóa ra lần ni, người hỏi má về tin tức của Di không phải Đình. Chị ta quỳ trước mặt Di, nức nở. "Di ơi, em tha lỗi cho anh Đình và gia đình ảnh đi em. Xin em, hãy một lần về thăm ảnh. Hoặc em chỉ cần cho ảnh gặp mặt con trước khi mất. Bao nhiêu tội lỗi cứ đổ đầu người ở lại. Hận thù trách cứ làm chi kẻ sắp ra đi. Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại, ở thì… rau răm ở lại, chịu lời đắng cay mà em...”. Gió nâng lời chị, tan vào thinh không, nặng trĩu lòng Di niềm chua chát.
Chị ta chở Di và cu Bin về nhà Đình. Chòm xóm xì xào, chắc vợ cả dẫn vợ bé với con về nhìn mặt chồng lần cuối. Tội thằng Đình, mắc căn bệnh chi mà ác quá. Nhỏ vợ bé cũng kỳ khôi, đi đâu bao năm để cả gia đình chồng kiếm mãi, giờ tính mò về kiếm chác chia của hay gì.
Đình nằm trên giường bệnh bàng hoàng nhìn Di và con. Anh khóc, giọt nước mắt muộn mằn sau chừng nớ năm đi khắp Sài Gòn tìm hai mẹ con Di. Anh ôm cu Bin, hôn rối rít lên má con. Làm răng đây, anh còn chưa kịp làm cha. Cu Bin nhìn anh ngờ ngợ. Có lẽ với con, anh xa lạ lắm. Bin chưa thể gọi một tiếng ba dù đã được Di mớm lời.
Thiệt mừng vì Di đã tha thứ. Bao nhiêu đau đớn ngày xưa, chị cuộn vô mình giấu kín. Bây chừ chị sẽ để nó qua đi, như một cơn gió khiến ta cảm lạnh mà thôi. Dẫu người ở lại có nhận bao lời ác ý, thì một ngày nào đó mọi thứ cũng sẽ phôi phai.
Ny An