Rau nhíp, đặc sản của núi rừng Tây Nguyên

13/04/2025 - 21:45

PNO - Rau nhíp là một loại rau đặc trưng của Tây Nguyên, thường mọc ở bìa rừng, sườn đồi, nơi ẩm thấp, có hương vị đặc trưng, ai ăn vào một lần là nhớ mãi.

Rau nhíp xào
Rau nhíp có thể xào cùng tỏi, thịt bò, lòng gà... - Ảnh: Vân Trình

Trước đây, mỗi năm đến hè, chị em tôi lại được từ Quảng Trị vào Đắk Nông thăm ba mẹ. Những lúc đó, chúng tôi lại được trải nghiệm công việc hái rau nhíp, cải thiện bữa cơm gia đình. Đó chính là khoảng thời gian thú vị nhất trong năm…

Rau nhíp còn có tên gọi khác là cây lá bép, rau lá bướm, rau danh, rau gắm... Nó thường mọc ở bìa rừng, nơi ẩm thấp, là một trong những loài rau rừng có thể tìm gặp ở các sườn đồi. Cây rau có thân gỗ mảnh, trườn phát triển từ dây leo, cao từ 5 - 20m, có nhiều nhánh, kích thước từ nhỏ đến trung bình. Lá của cây rau nhíp thuộc loại thường xanh, lá đơn mọc đối, có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm. Quả giống như quả hạch, hình bầu dục, dài 2 - 5cm, có mũi ngắn, lấm tấm lông như nhung, lúc non màu vàng, rồi chuyển dần sang màu đỏ khi nó chín và chỉ có một hạt trong mỗi quả.

Rau nhíp mọc quanh năm; thời điểm ngon nhất là sau khoảng 5 - 6 trận mưa đầu mùa khiến đọt mầm bung nở, tươi mát nhất. Những lộc nhíp màu đồng hung và những lá non xanh mướt cho vị ngọt nhẹ, béo bùi.

Rau nhíp xào mì
Rau nhíp xào mì - Ảnh: Vân Trình

Rau nhíp có thể chế biến cùng với nhiều thực phẩm khác nhau như: xào tỏi; xào thịt bò hay lòng gà; tô canh rau nhíp nấu tép đồng; các loại cá suối nhỏ chiên giòn cuốn rau rừng... là những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực đặc sản xứ non ngàn, tuy dân dã đơn sơ nhưng lại rất thơm ngon và bổ dưỡng.

Chị em tôi đặc biệt yêu thích bữa ăn sáng rau nhíp nấu với mì tôm và món rau nhíp xào cùng cá hộp do chính tay mẹ nấu. Nhìn mẹ nấu tỉ mỉ, cẩn thận chúng tôi hạnh phúc vô cùng.

Mẹ chỉ, rau nhíp xào sơ qua cho thơm, sau đó đổ nước vào cho sôi, cho mì gói vào, chín tới; có thể cho thêm trứng ốp la, hành lá, ngò, gia vị tùy thích. Loại này ăn ngay khi vừa nấu xong là ngon nhất, sợi mì được nấu chín ăn dai dai, nước có vị chua chua, cay cay, thanh ngọt, rau nhíp thơm chua dịu, trứng béo thơm nhẹ hòa quyện các gia vị, đủ ngon và no cho bữa sáng có một không hai.

Với món rau nhíp xào cá hộp thì đơn giản hơn; chỉ cần xào cho rau nhíp chín sơ qua; sau đó, cho cá hộp vào và ướp gia vị cho vừa ăn. Vậy là đã có món ăn mới vừa ngon miệng lại vừa rẻ. Món này đã từng gắn bó và đưa gia đình chúng tôi qua những ngày khó khăn tưởng chừng như khó vượt qua…

Bữa cơm của đồng bào dân tộc khi còn là sinh viên
Bữa cơm của đồng bào dân tộc có canh rau nhíp, rau nhíp xào - Ảnh: Vân Trình

Khi tôi còn là sinh viên học ở Đà Nẵng, dăm ba tháng bố mẹ lại gửi xe từ Đắk Nông ra cho tôi những món quà hương vị quê nhà, trong đó không thể thiếu rau nhíp. Bạn bè tôi khi dùng thử đều có chung cảm nhận về sức hấp dẫn của loài rau này, nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn... Sau này cả gia đình về Quảng Trị, thỉnh thoảng có người thân từ trong đấy về quê, tôi lại nhắn tin nói: “Cô, chú mang về cho con ít rau nhé!”.

Trước đây, chỉ ai ở các tỉnh Tây Nguyên mới được và thường xuyên thưởng thức hương vị độc đáo của loài rau này. Nhưng, ngày nay các nhà hàng, các điểm khu du lịch ở Đắk Nông hay các tỉnh ở Tây Nguyên hầu hết đều đưa loài rau này vào thực đơn của nhà hàng. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của rau nhíp, một loại rau rừng mộc mạc, nhưng một khi đã được thưởng thức qua một lần sẽ nhớ mãi hương vị độc đáo của đại ngàn Tây Nguyên ban tặng.

Vân Trình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI