Rau Nhật “made in Việt Nam”?

09/08/2014 - 21:23

PNO - PN - Người tiêu dùng đang có xu hướng tìm nguồn rau hữu cơ, rau sạch từ các nhà vườn do người Nhật trồng tại Tây Nguyên. Nhưng, chính xác đó có phải là rau Nhật?

edf40wrjww2tblPage:Content

Nếu như trước đây việc tìm kiếm rau, củ do chính người Nhật trồng hay có sự giám sát canh tác của người Nhật tại Việt Nam (rau Nhật) còn khó khăn thì hiện các loại rau củ này đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng rau sạch hay một số cửa hàng tiện lợi.

1 lạng rau Nhật bằng 1 ký rau Việt

Theo khảo sát của chúng tôi, rau Nhật trên thị trường hiện có một số nhóm chính là xà lách của Công ty (CT) An Phú Lacue (Đà Lạt, xà lách búp giống Mỹ, nhiều người dân quen gọi là xà lách Mỹ, có giá bán lẻ phổ biến từ 38.000-42.000đ/kg), và các nhóm rau củ phổ biến như: đậu cove, đậu nành, mồng tơi, xà lách cuốn, cà chua, cà pháo, đậu bắp, khổ qua, khoai lang, bạc hà… là những loại rau củ cùng chủng loại với sản phẩm (SP) trong nước.

Các SP này chỉ mới được hai, ba đơn vị trồng từ “ngôi làng thần kỳ Nhật Bản” tại Đà Lạt, và từ CT Nico Nico Yasai tại Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk); phân phối qua một số đầu mối chính tại TP.HCM. Trong đó, hàng trồng từ Đà Lạt còn hạn chế, chủ yếu là xà lách, được phân phối tại một cửa hàng trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), SP của Nico Nico Yasai nhiều loại hơn, được bán trong hệ thống Family mart và một số cửa hàng rau sạch.

Dù gần như không nhiều sự khác biệt về mẫu mã, hình dáng nhưng giá của những loại rau, củ, quả Nhật thường cao hơn từ ba-năm lần SP cùng loại trong nước. Chẳng hạn đậu cove bán lẻ tại các chợ hiện chỉ khoảng 16.000-17.000đ/kg, nhưng với mức tiền này chỉ mua được 150g đậu cove của các CT Nhật, xà lách Nhật ở mức 100.000đ/kg, cao gấp gần ba lần xà lách chợ, cà chua 140.000đ/kg, cà pháo, khổ qua 100.000đ/kg, đậu bắp 170.000đ/kg…

Rau Nhat “made in Viet Nam”?

Khoai lang được trồng tại Việt Nam theo phương thức hữu cơ của Nhật - Ảnh: Phùng Huy

Đắt vì là “hữu cơ”

Bà H Pilot Bya, Trưởng bộ phận phụ trách bán hàng của CT Nico Nico Yasai tại TP.HCM cho biết, trước đây những SP của CT hầu như chỉ phân phối cho khách hàng người Nhật, nhưng hiện khách hàng người Nhật chiếm 70%, 30% còn lại là người Việt. Theo bà H Pilot Bya, ban đầu CT nhập giống hoàn toàn từ Nhật nhưng hiện chỉ còn nhập giống một số ít loại (đậu bắp, cà tím…), còn lại thì sử dụng giống cây trồng của Việt Nam để giảm giá thành, nhưng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… theo phương thức hữu cơ của người Nhật.

Giải thích nguyên nhân giá cao, đại diện CT này cho biết do SP được canh tác theo hướng hữu cơ (sử dụng phân hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…)… Tuy nhiên, bà H Pilot Bya cũng thừa nhận: “Những SP này là do CT canh tác theo hướng hữu cơ chứ chưa nhận chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức hữu cơ. Việc giám sát toàn bộ quy trình từ trang trại đến tay người tiêu dùng vẫn do CT tự giám sát thông qua việc đóng gói bao bì và dán tem trên SP”.

Riêng nguồn rau Nhật Bản từ Đà Lạt thì được sản xuất phân phối theo hình thức liên doanh với CT TNHH An Phú Lacue, được chuyển giao bởi nhóm chuyên gia người Nhật.

Theo một giảng viên trường Đại học Nông lâm TP.HCM từng tham quan mô hình trồng rau của người Nhật tại Tây Nguyên, những SP ở Nhật sẽ được chính phủ kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các SP nông nghiệp đạt chuẩn về sinh thái, còn hiện các trang trại trồng theo mô hình của người Nhật ở Việt Nam chưa có chứng nhận này. Ông Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt cũng cho biết, hiện tại chứng chỉ hữu cơ hoàn toàn do nước ngoài cấp nên cơ quan chức năng không thể quản được, đa số do doanh nghiệp tự công bố, tự dán nhãn.

Giống cây chủ yếu là giống của các CT Việt Nam, các đơn vị tự trồng và tự giám sát, SP chưa được chứng nhận hữu cơ - sinh thái… Như vậy, nhu cầu của người tiêu dùng “rau Nhật chính danh” chưa hẳn đã được đáp ứng. Đó là chưa kể, việc khó phân biệt giữa rau trồng theo công nghệ Nhật và rau Việt Nam cũng là thách đố đối với người tiêu dùng. Việc kiểm soát chất lượng và thị trường rau này rõ ràng đang bị bỏ ngỏ.

 Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI