Rau hẹ mùa nước nổi

28/10/2023 - 05:59

PNO - Đồng ruộng còn đó, thỉnh thoảng rau hẹ nước vẫn được đưa lên phố. Đôi khi chỉ cần nhìn mẹt rau tươi bên chợ đã cảm thấy mùi hương kỷ niệm lùa về.

Nước tràn về đúng lúc cây lúa bắt đầu đẻ nhánh mạnh. Cả cánh đồng xanh ngát, từng bụi lúa tròn đều, sẵn sàng vươn cao theo mực nước dâng. Những ngày bận rộn đầu vụ đã qua, nhà nông dần thảnh thơi. Mưa dầm dề cộng với tiết thu đông khiến trời se lạnh.

Có lẽ thời tiết mát mẻ là điều kiện thuận lợi cho đồng lúa nước mọc lên một loại cỏ thủy sinh trông đẹp mắt. Cỏ bụi thân mềm, lá mỏng, xanh nhạt, đu đưa theo dòng chảy rất duyên. Đó là cây hẹ nước.

Những bụi lá hẹ mọc thành thảm, không bao giờ vươn khỏi nước. Chúng sinh sôi nhanh, chỉ vài ngày đã dày kín mặt đất. Bùn càng mềm, mát, hẹ mọc càng nhiều. Không chỉ hẹ, các loại cỏ khác nhân dịp mát trời cũng thi nhau chen lấn. Để bảo vệ mùa vụ, mọi người phải ra công nhổ bỏ. Buổi sáng, nhiệt độ thấp, không khí ẩm ướt ngậm đầy hơi sương.

Cảm giác thật không dễ chịu khi phải lội xuống bùn, khom lưng làm sạch cỏ quanh gốc lúa. Nhổ được đầy nắm tay, mọi người cuộn tròn rồi dùng chân vùi mớ cỏ xuống bùn sâu. Việc tưởng đơn giản nhưng ngẩng lên khom xuống cả ngày khiến cái lưng đau nhừ.

Mọi người đùa với nhau, chỉ có lá hẹ là nhổ bao nhiêu cũng không cảm thấy mệt, bởi vì có thể bán, được tiền. Rau hẹ ruộng ai nhà nấy hái. Cả gia đình già trẻ lớn bé, mỗi người kéo theo một cặp thau - rổ đặt nổi trên mặt nước, nhẹ tay nhổ từng bụi rau, chao sơ cho sạch bùn.

Lá hẹ mềm, dễ bị dập nên phải nương tay. Hái đầy 1 thau lại đưa về chất lên xuồng ba lá. Vài người ngồi trên xuồng rửa sạch rau lần nữa. Họ rứt bỏ lá úa già, vặt rễ, sắp xếp ngay ngắn rồi bó thành từng lọn thẳng thớm đẹp mắt. Cuối ngày, thương lái đến tận nhà thu mua rau, vận chuyển ngay trong đêm để kịp buổi chợ sớm mai. Xóm nhỏ mỗi ngày xuất vài tấn hẹ nước mà vẫn không đủ cho thương lái. 

Các cụ già trong xóm thường nói trời thương người phương Nam. Mùa nước nổi là mùa giáp hạt, tức là lúc lương thực để dành từ vụ trước đã cạn kiệt, các “bồ” chứa lúa trong nhà chỉ còn vét được vài thúng hạt tận đáy, trong khi lúa ngoài đồng chưa kịp trổ bông. Bốn bề trắng bạc màu nước, giữa lúc con người không biết làm gì để sinh nhai thì cá sông theo lũ tràn về, rau hẹ, bông súng, điên điển mọc lên. Mọi người thuận theo tự nhiên, hái rau, lưới cá về vừa ăn vừa bán, kịp đổi gạo no lòng.

Lá hẹ nước có thể ăn kèm nhiều món. Đơn giản nhất là chấm mắm kho ăn cơm nóng. Quấn tròn những sợi lá dài trên đôi đũa thành một miếng vừa miệng, nhúng vào tô mắm đồng, lùa chén cơm bốc khói khi bên ngoài trời đang mưa dầm. Rau giòn, cơm ấm, mắm thơm, còn gì bằng. Có lúc làm đồng xa, buổi trưa không về nhà, ngồi trên xuồng, mở cà mèn cơm trắng cá kho, tiện tay cúi xuống nước rứt bụi lá hẹ cuộn làm rau sống nhai ngon lành.

Rau hẹ nước lên phố thành món đặc sản
Rau hẹ nước lên phố thành món đặc sản

Hẹ nước về phố trở thành món đặc sản. Người ta trộn với các loại rau thơm để gia tăng hương vị, làm rau ghém, rau trụng, nhân bánh xèo, gỏi chua, lẩu mắm… Công bằng nhận xét, hẹ nước không phải là loại rau quá nổi trội trong nhóm rau ăn tươi sống. Nó có vị trí quan trọng trong lòng người bởi mang hơi thở của sông nước đồng quê. Mọi người thích ăn vì lạ miệng, vì tò mò, vì hoài niệm một quãng đời nào đó từng trải qua nơi ruộng đồng bình dị.

Khi bụi lúa xong giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị trổ đòng thì cánh đồng đan kín một thảm dày xanh mướt. Không còn nhiều khe trống để ánh nắng lọt xuống gốc lúa. Rau hẹ và các loài cỏ dại thua thế, èo uột dần. Mùa rau cứu đói giáp hạt đã qua. Chỉ một quãng thời gian ngắn nữa là lúa sẽ về sân, bắt đầu những ngày tháng gạo thơm cơm mới.

Đồng ruộng còn đó, thỉnh thoảng rau hẹ nước vẫn được đưa lên phố. Đôi khi chỉ cần nhìn mẹt rau tươi bên chợ đã cảm thấy mùi hương kỷ niệm lùa về.

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI