Rau củ Đà Lạt bị trà trộn trước khi về TPHCM

22/12/2023 - 18:35

PNO - Thông tin được bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quan lý An toàn thực phẩm TPHCM cung cấp tại Hội nghị kết nối các doanh nghiệp (DN) của TPHCM với DN của tỉnh Lâm Đồng vào chiều 22/12.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, ngoài công tác kiểm soát chất lượng, công tác xây dựng thực phẩm sạch được Ban rất chú trọng. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương tiên phong trong việc ký kết với TPHCM về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch, theo hướng chuỗi thực phẩm an toàn (chuỗi TPAT).

1/3 rau củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức trước khi đến các kênh phân phối lẻ khác là từ Lâm Đông. Ảnh: Quốc Thái
1/3 rau củ quả về chợ đầu mối Thủ Đức trước khi đến các kênh phân phối lẻ khác là từ Lâm Đông - Ảnh: Quốc Thái

Đến nay, có 79 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thông siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM. Trong đó, Ban ATTP TPHCM đã cấp cho 29 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả chứng nhận chuỗi TPAT. Với tổng sản lượng rau, củ hơn 38.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo bà Lan số lượng, sản lượng tiêu thụ nông sản sạch Lâm Đồng hiện nay vẫn còn dưới tiềm năng, lợi thế.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban ATTP TPHCM, vẫn còn tình trạng gian lận thương mại như nạn trà trộn hàng hóa, nông sản từ Lâm Đồng về TPHCM. Nhiều nhất là khâu trung chuyển từ các chợ sỉ (đầu mối) về các chợ lẻ, chợ truyền thống. Đơn cử, như câu chuyện khoai tây từ các nơi nhưng được trộn với đất Đà Lạt, được tiểu thương hô biến thành nông sản Đà Lạt. Làm ảnh hưởng đến hình ảnh nông sản vùng ôn đới. Gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

“Trong thời gian vừa qua, để đảm bảo thực phẩm chất lượng hàng hóa nông sản về TPHCM, không phải đến lúc hàng về TP mới bắt đầu kiểm tra. Mà từ khâu sản xuất quan trọng, nên việc giám sát chất lượng thực phẩm ở khâu trồng trọt, chăn nuôi rất nhiều. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị cũng có các khẩu kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa riêng. Để nhầm đảm bảo hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Nhưng nói hiện nay 100% hàng hóa đặc biệt là nông sản về TP đều đảm bảo nhất là chất lượng, an toàn thì chưa chắc.”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Nên trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường tiêu thụ hàng hóa, bà Lan đề nghị, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn riêng về nông sản ôn đới Lâm Đồng, qua các tiêu chí an toàn trược khi đưa vào tiêu thụ đến TPHCM. 

Ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho hay, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng tại TPHCM. Đồng thời, phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm nông sản.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - cho rằng, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được đẩy mạnh, đặc biệt tại những nơi cung cấp bữa ăn tập thể, suất ăn công nghiệp số lượng lớn.

“Có thể nói trong năm qua chúng ta không có vụ ngộ độc nào xảy ra ở các công ty, xí nghiệp hoặc trường học do chúng tôi tiến hành hoạt động kiểm tra hết sức quyết liệt, chia làm nhiều đợt, cả định kỳ lẫn đột xuất. Tuy nhiên, đáng tiếc vẫn có những vụ nhỏ lẻ, ở mức độ gia đình nhưng hậu quả lại lớn gây chết người. Cho nên đây cũng là điều mà chúng tôi thấy cần phải rút kinh nghiệm thật nhiều trong năm tới”, bà nhận định.

Theo bà, hiện nay TPHCM đã ký kết với 15 tỉnh thành về cung ứng sản phẩm an toàn. Công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm đối với sản phẩm này không chỉ giới hạn ở giai đoạn về đến thành phố mà được tiến hành từ khâu nuôi trồng với sự giúp sức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh.

Quốc Thái - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI