Rating - Chỉ số thật hay quyền lực ảo?

27/09/2017 - 10:57

PNO - Tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017 về lĩnh vực phát thanh truyền hình, từng có kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét những dấu hiệu bất thường trong việc đo rating và công bố số liệu ảo ra thị trường.

Việc Đài truyền hình Vĩnh Long yêu cầu Kantar Media Việt Nam (KMV) giải trình về kết quả rating (tỷ suất người xem) bất thường chỉ là giọt nước tràn ly sau nhiều nghi ngờ, trong nhiều năm về độ chính xác của các số liệu. Nhưng vì thiếu cơ sở đối sánh và lo ảnh hưởng hợp tác mà nhiều đơn vị đều phải “ngậm bồ hòn”.

Rating - Chi so that hay quyen luc ao?

Kỳ tài lộ diện - chương trình có rating giảm bất thường (lên đến 93% tại TP.HCM)

10% dân số đại diện cả nước

“Kể từ phim Hai người cha (phát sóng năm 2013), tôi đã không còn tin vào kết quả rating. Chỉ số các phim phát sau đó cũng trồi sụt rất bất thường - lúc cao đột ngột, lúc thấp kỳ lạ. Nhà làm phim không phục cũng không thắc mắc được với ai. Tôi cho rằng rating chỉ có tính tương đối, khó phản ánh hết lượng khán giả thật, bởi chỉ có những hộ được chọn làm mẫu mới có thiết bị đo lường. Số hộ mẫu lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ” - biên kịch phim Hai người cha, nhà báo Lê Quang Thanh Tâm, nói.

Đúng là số hộ mẫu được gắn thiết bị đo rating chỉ chiếm khoảng 10% dân số. Trong những cuộc hội nghị khách hàng, TNS Việt Nam (TNS - công ty con của Kantar Media) đều công khai quy trình đo rating theo chuẩn quốc tế (sử dụng tại hơn 50 quốc gia) - các hộ mẫu được chọn gắn People Meter (thiết bị đo tự động và truyền dữ liệu về hằng ngày).

Trước đó, cách đo rating ở nhiều nơi là ghi chép dữ liệu. Nhưng dù đo cách nào, số mẫu được chọn cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng khán giả thật. Câu hỏi là: nếu các mẫu không xem những chương trình có nhiều người xem thì sao?

Bà Châu Thổ - Giám đốc Senafilm - một dạo cũng “lực bất tòng tâm” trước dấu hỏi về rating. Bộ phim Vợ của chồng tôi từng trở thành diễn đàn trên Báo Phụ Nữ TP.HCM và một số trang mạng, thế nhưng, rating của phim lại rất thấp.

Rating - Chi so that hay quyen luc ao?
Vợ của chồng tôi - phim gây chú ý nhưng lượng rating lại rất thấp

“Có những phim ngay tập đầu đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả trên fanpage, nhưng kết quả rating lại không như kỳ vọng. Bức xúc là có, nhưng không dễ có câu trả lời thỏa đáng” - đại diện một công ty sản xuất khá nhiều phim truyền hình hiện nay bày tỏ. Đây cũng là tâm tư chung của nhiều nhà làm phim khi kết quả rating được cung cấp sao thì biết vậy.

Cuộc chơi quyền lực ảo?

Không phủ nhận những đóng góp nhất định của TNS vào thị trường phát thanh, truyền hình Việt Nam. Nhưng kết quả rating ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh quảng cáo lẫn đánh giá xu hướng, thị hiếu của khán giả truyền hình. Các đơn vị sản xuất chạy theo rating. Các nhãn hàng cũng nhằm vào khung giờ có chỉ số người xem cao để quảng cáo. Trong cuộc chạy đua, không ít đơn vị bất chấp mọi thứ để kéo khán giả, dựng lên những câu chuyện đẫm nước mắt, thậm chí sẵn sàng tạo scandal.

“Chúng tôi luôn phải dựa vào rating để cân đối, biên tập sao cho chương trình hấp dẫn. Đó là một cuộc đua hết sức khốn khổ và đau đầu” - đại diện truyền thông của một công ty sản xuất nhiều chương trình truyền hình “hot” tiết lộ. Không ít đơn vị sản xuất phim đành bỏ cuộc chơi trước những rủi ro từ chỉ số người xem. Cam kết phải đảm bảo đủ rating, quảng cáo thì mới được nhà đài trả tiền (180 triệu/tập phim) đã khiến một số “tân binh” phá sản, cựu binh ngán ngại. Các công ty còn trụ được đều vừa làm phim vừa kiêm truyền thông, quảng cáo.

Rating - Chi so that hay quyen luc ao?
Bạn muốn hẹn hò - chương trình có rating khá cao

“Trong cuộc chơi quyền lực này, có chơi thì có… đầu tư. Tôi biết từng có nhà sản xuất làm xong phim liền được mời mua rating. Cũng giống như chuyện bỏ tiền mua bài PR trên báo, mua lượt like ảo trên mạng xã hội. Chỉ là người trong cuộc nói ra hay không mà thôi” - biên kịch Lê Quang Thanh Tâm nói thêm. Nghi ngờ của người trong giới không phải là không có cơ sở, nhưng chẳng nơi nào dám “làm cho ra lẽ” vì không có hệ thống đo lường khác để so sánh.

Một phương thức đo độ “hot” khác từ công cụ lắng nghe mạng xã hội Social Heat cũng cung cấp được một phần kết quả đối chiếu. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2017, top 10 chương trình được quan tâm bình luận nhiều nhất từ mạng xã hội gồm: Giọng hát Việt, The Face, Thách thức danh hài, Biệt tài tí hon, Phiên bản hoàn hảo, Giọng ải giọng ai, Hát mãi ước mơ, Thần tượng tương lai, Bạn muốn hẹn hòVietnam’s next top model. Tuy nhiên, vì giới hạn trong top 10, Social Heat bỏ qua nhiều chương trình. Kết quả thống kê này cũng chỉ khoanh vùng trong nhóm khán giả có tương tác mạng xã hội.

Hơn một năm nay, Vietnam-TAM cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống đo lường rating cho hơn 100 kênh truyền hình quảng bá, trả tiền. Hy vọng với những kết quả đủ cơ sở so sánh, rating sẽ trở lại đúng giá trị thật và công khai, minh bạch chứ không phải là cuộc đua “quyền lực ảo”, gây hoang mang như hiện nay. 

Rating - Chi so that hay quyen luc ao?

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2017 về lĩnh vực phát thanh truyền hình (diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2017), từng có kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét những dấu hiệu bất thường trong việc đo rating và công bố số liệu ảo ra thị trường. Giới làm nghề hiện vẫn bức xúc, hoài nghi về những bàn tay vô hình can thiệp vào kết quả.

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI