Chiều, cô bé đồng nghiệp mắt đỏ hoe, buồn buồn chìa tờ đơn ra: "em xin nghỉ phép hơi đột ngột nên không kịp chuyển lên văn phòng, sáng mai chị chuyển giúp em nhé!". Quê nhỏ ở Cần Giờ, xuống trạm chờ xe buýt ngồi chung, mắt nó ướt nhem "Em về họp gia đình, ba mẹ em ly thân".
|
Khó giữ người đã muốn ra đi |
Cách đây cũng hơn 1 năm, chuyện ba mẹ lục đục đã làm cô bé buồn không ít. Ba em là nghệ sĩ chơi đàn guitar, vài năm nay ông không đi diễn xa, chỉ tham gia vài đám tiệc vui hoặc câu lạc bộ trong xóm. Mẹ em ở nhà lo việc nội trợ. Nhà có hai chị em gái, chị hai đã lấy chồng sinh con, ở gần ba mẹ.
Cô bé đồng nghiệp của tôi thì lên TP.HCM học rồi ở lại làm luôn, trẻ lắm, chưa đến 25 tuổi. Em từng kể mẹ của em rất hiền, có thể nói là ở mãi trong nhà nên không mấy quen với cuộc sống xã hội xô bồ. Bà suy nghĩ rất đơn giản, luôn vun vén nhà cửa, cơm nước, tiết kiệm tiền bạc cho con cái ăn học, rồi phụ con chăm cháu ngoại để nhà có tiếng cười... Đó là những công việc và mục đích sống của bà từ khi lấy chồng.
|
Yêu nhau thì dễ, sống với nhau mới khó. Mà sống với nhau rồi, bỏ nhau... càng khó hơn |
Lúc trước, mẹ cô bé đã vài lần tỏ ý định muốn ly hôn với người đã sống cùng mình 30 năm. Sở dĩ người phụ nữ chỉ biết nhà cửa và chồng con mạnh mẽ nói lên mong muốn đó là vì bà đã bị dồn đến bước đường cùng. Qua lời tâm sự, người đàn ông trụ cột trong gia đình vốn "mang máu nghệ sĩ", không thể ở yên trong nhà nên thường theo bạn bè.
Có khi là nhậu nhẹt rồi đe nẹt vợ con, có khi là mải mê đi theo một người đàn bà khác... Mẹ cô bỏ qua hết, nghĩ tới từng tuổi này mình sống vì con, vì cháu, vì cái nghĩa người một nhà. Nhưng đến khi ông móc hết tiền dành dụm để giúp đỡ từ người trong họ hàng đến người dưng, đến nỗi khi mẹ cô bệnh, hai cô con gái phải chạy đi vay tiền bạn bè để trả viện phí cho mẹ. Nói hết lời, hết tình mà cha cô vẫn chứng nào tật ấy, nói càng nhiều thì ông càng lẫy, lại bỏ đi nhậu.
Cái vòng lẩn quẫn giận hờn trách cứ rồi hành hạ tinh thần, thể xác nhau khiến mẹ cô thấm mệt. Các dì khuyên mẹ mạnh mẽ dứt khoát. Con gái cũng không có ý kiến. Mẹ cũng định vậy, cũng muốn dứt một lần cho xong, nhưng vẫn thấy có gì đó không đành. Có khi con gái lớn giận cha bỏ ra ngoài thuê phòng trọ để chăm con nhỏ, con gái út thì nằm một mình trong phòng trọ, thức trắng mấy đêm không ngủ vì chuyện nhà lục đục. Mẹ cô xót con, xót cháu, xót luôn cái thân gần 50 tuổi của mình, bà lại quyết tâm ly hôn.
Họp gia đình. Mẹ cô vấp váp mấy chữ rồi khóc oà, nói tui không muốn sống với ông nữa, tui khổ quá. Hôm đó ba cô tỉnh, không có rượu. Ba gục đầu im lặng, thấy mắt ba cũng đỏ. Cả nhà im lặng rơi nước mắt. Rồi thôi, nhưng không phải là thôi nhau mà là thôi bỏ qua chuyện cũ . Ba ở nhà thường xuyên hơn. Cô bé đồng nghiệp của tôi tươi tỉnh hơn. Im gió im cây hơn một năm thì đùng một cái, ông lại bỏ nhà đi biệt 1 tuần liền. Mẹ cô đi tìm thì nghe người quen nói ông đưa một người phụ nữ đi rồi. Thêm một tuần ông quay trở về, nói muốn chia tay mẹ cô, rồi chia luôn tài sản, càng sớm càng tốt.
|
30 năm sống với nhau, cũng coi như cả đời sống nhau rồi |
Người đàn bà nhiều lần muốn ly hôn bất thành ấy bị sốc, dù bà đã gật đầu cái rụp trước lời đề nghị của ông chồng. Bà giận mình sao không dứt khoát từ sớm, sao cứ xiêu lòng rồi để bản thân mình có ngày bị người ta đuổi thẳng thừng khỏi cuộc hôn nhân như thế này. Trong vài hoàn cành, đàn bà bỏ đi còn có thể còn nguyên cái bản lĩnh, chứ đàn bà bị bỏ rơi chắc chỉ còn sự thương hại của người đời.
Lại họp gia đình. Lần này không ai khóc, lần này ba người phụ nữ trong nhà ngồi yên. Một người đàn ông nói. Một ngày sau cuộc họp gia đình hôm đó, cô bé gọi cho tôi nức nở, "Mẹ em đang nằm trong bệnh viện, không biết mẹ đối mặt thế nào với sự việc lần này đây chị ơi. Ba em đi từ tối qua rồi, xách theo vali quần áo...".
Biết nói gì với cô bé đây? Ba mẹ cô sinh ra cách đây gần 5 thập niên, đã sống trong những mối quan hệ mà người ta "hư thì sửa" chứ đâu có dễ đón nhận cái mới một cách phóng khoáng như tuổi trẻ bây giờ. Không ai đúng hay sai hoàn toàn, sự chọn lựa nào cũng chứa đựng nỗi đau riêng, hoặc hiển hiện ra ngoài, hoặc ẩn nấp trong lòng không ai biết... Có lẽ vì vậy mà dù chỉ còn sống với nhau vì cái nghĩa, nhưng mẹ cô vẫn chần chừ muốn sửa lại cuộc hôn nhân xế chiều của mình. Vì con cái, vì gia đình chứ có vì bản thân mình cái gì đâu.
Cái thời còn trẻ khoẻ, còn đam mê, còn ý chí, người ta sống một mình dẫu có buồn nhưng vẫn tự lo thân dễ dàng. Chứ ngoài năm mươi, con cái dựng vợ gả chồng hết, chân tay, mắt mũi gì cũng yếu dần nên cái người ở bên cạnh tự nhiên lại quan trọng hơn hẳn. Mình bệnh, mình mệt, quơ tay sang bên cạnh mà thấy có người nằm kế cũng thấy yên trong lòng.
Câu chuyện của gia đình cô bé tôi để lại đâu đó trong lòng, như rất nhiều những câu chuyện của những bạn bè khác mà tôi từng nghe. Chỉ biết để đó chứ cũng chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết an ủi em những khi em cần tâm sự. Thương em, thương mẹ em, thương cả thân phận của những người phụ nữ...
Hữu Hạnh