Rất khó phạt tiền trong phòng, chống bạo lực gia đình

19/11/2024 - 06:10

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Lan Hương - Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường đại học Luật Hà Nội - quanh chủ đề “phạt tiền hành vi kiểm soát thu nhập của thành viên khác trong gia đình”.


Phóng viên: Xin bà cho biết ý kiến của mình về biện pháp phạt tiền để xử lý hành vi bạo lực kinh tế trong gia đình?

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Lan Hương: Trong mối quan hệ gia đình - nhất là vợ chồng - chắc chắn có quan hệ về tài sản. Thu nhập phát sinh trong hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ và chồng. Do đó, khi người chồng hay người vợ bị phạt tiền thì số tiền đó cũng được xem là tài sản chung của vợ và chồng, kết quả là người bị bạo lực không muốn bị mất thêm tiền để nộp phạt.

Với nhóm người có điều kiện, việc bị phạt tiền vài chục triệu đồng không có nghĩa lý gì, không có tính răn đe. Với nhóm người nghèo, thất nghiệp, nát rượu… có khi họ phải gây bạo lực đối với người thân để gom đủ tiền mà nộp phạt. Như vậy, số tiền phạt này không chỉ gây áp lực đối với riêng người vi phạm mà còn gây ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là với chính nạn nhân của bạo lực kinh tế.

Hơn nữa, với tâm lý lo ngại vợ hoặc chồng mình bị phạt, người bị bạo lực kinh tế sẽ không muốn đi trình báo vụ việc. Đặc biệt, bạo lực gia đình thường được xem là câu chuyện riêng tư, việc trình báo có thể làm mất mặt người gây bạo lực lẫn nạn nhân.

Thậm chí, do bị trình báo và cay cú vì bị phạt, người gây bạo lực kinh tế có thể gây thêm bạo lực với nhiều hình thức như bạo lực thể chất, tinh thần. Đó là rào cản lớn ngăn các quy định đi vào cuộc sống. Chỉ áp dụng biện pháp phạt tiền thì khó làm giảm tình trạng bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực kinh tế.

* Như vậy, phải chăng bà nghi ngờ về tính khả thi của đề xuất phạt tiền?

- Tôi rất ủng hộ những quy định cụ thể hóa hành vi, chế tài rạch ròi liên quan đến bạo lực gia đình nói chung. Hơn nữa, bạo lực kinh tế trong gia đình thường không đơn lẻ mà thường kết hợp với các hình thức bạo lực khác như bạo lực tinh thần, thể chất.

Trên thực tế, trong mối quan hệ gia đình mang tính truyền thống, người vợ thường có vai trò quản lý chi tiêu trong gia đình nên đôi khi rất khó nhận diện hành vi bạo lực kinh tế. Do đó, pháp luật cần cụ thể hóa hành vi bạo lực để xử lý hiệu quả.

Tuy nhiên, để các quy định không chỉ nằm trên giấy, cần có tính khả thi ngay từ khi ban hành văn bản và đồng bộ hóa khi áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Để xử lý được hành vi bạo lực thì người bị bạo lực cần cung cấp bằng chứng, nhưng làm sao để nạn nhân chứng minh mình bị “kiểm soát”, bị “cưỡng ép”? Cần làm rõ khái niệm “cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” trong dự thảo.

Quá khả năng của họ là như thế nào? Những thuật ngữ này mang tính định tính, khó xác định và tùy thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi người. Do đó, rất khó xác định được ngưỡng nào là chấp nhận được, ngưỡng nào là hành vi vi phạm. Việc khó xác định hành vi khiến nạn nhân không thể thu thập chứng cứ có đủ sức nặng pháp lý để trình báo, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý và mỗi nơi áp dụng một kiểu dựa vào cảm tính.

* Dự thảo đã liệt kê hết các hành vi vi phạm cơ bản của bạo lực kinh tế trong gia đình chưa, thưa bà?

- Về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng, việc mô tả các hành vi bạo lực kinh tế ở dự thảo này là vừa thừa vừa thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Điều này càng thể hiện rõ khi tham khảo luật của một số nước.

Trong luật của Anh, bạo lực kinh tế có thể bao gồm việc kiểm soát thu nhập, chi tiêu, tài khoản ngân hàng, hóa đơn và các khoản vay. Nó cũng có thể bao gồm việc kiểm soát quyền truy cập và sử dụng những đồ vật như phương tiện giao thông và công nghệ, cho phép con người làm việc và duy trì kết nối, cũng như tài sản và các nhu yếu phẩm hằng ngày (thực phẩm, quần áo). Nó có thể bao gồm việc phá hủy các vật dụng và từ chối đóng góp vào chi phí gia đình…

Ở nước ta, việc người trưởng thành khỏe mạnh không đóng góp, không có trách nhiệm, không chi trả gì cả, phó mặc mọi chi tiêu cho vợ hoặc chồng hay người thân gánh vác đã được xem là hành vi bạo lực kinh tế chưa, trong khi sự nguy hại của tình trạng “vô lo” này không hề thua kém việc kiểm soát thu nhập? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Còn rất nhiều hành vi bạo lực kinh tế khác chưa được nhìn nhận, liệt kê, bao quát.

* Theo bà, có giải pháp gì để các quy định về phòng, chống bạo lực kinh tế trong gia đình đi vào cuộc sống và đủ sức răn đe?

- Trên thực tế ở Việt Nam cũng như các nước, biện pháp phạt tiền khó phát huy tác dụng. Đã có một số tội danh có liên quan đến hành vi bạo lực được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), như điều 178 quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, điều 185 quy định tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu… Tuy nhiên, cần xem xét, mạnh dạn hình sự hóa hành vi bạo lực gia đình nói chung, bạo lực kinh tế nói riêng.

Nhiều nước có khái niệm “tội vi cảnh” với quy trình tố tụng rút gọn, người vi phạm sau khi bị tuyên án sẽ lao động công ích hoặc thậm chí bị phạt tù ngắn hạn (ít nhất là 1 tháng như ở Philippines) tùy tính chất vi phạm.

Ngoài ra, luật của các nước còn áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực tái diễn, như Đức buộc người gây bạo lực gia đình phải tham gia khóa học thay đổi, nâng cao nhận thức, hành vi, còn ở Philippines, bên cạnh bị phạt tù, buộc trả tiền bồi thường thiệt hại, người vi phạm còn bị buộc tham gia các buổi tư vấn tâm lý hoặc điều trị tâm thần để chuyển hóa.

Người bị bạo lực gặp thách thức, rào cản lớn nhất là ở khâu trình báo vụ việc và yêu cầu xử lý chính người thân của mình. Bởi lẽ, khi trình báo xong, xử phạt xong, họ vẫn tiếp tục sống với nhau dưới một mái nhà.

Giải pháp từ gốc là các thành viên gia đình cần tham gia các lớp học để nhận biết như thế nào là hành vi bạo lực, kỹ năng phòng, chống bạo lực, quản lý tài chính, tổ chức cuộc sống. Những người tiến tới hôn nhân cần học các khóa tiền hôn nhân. Mọi khoản thu nhập, chi tiêu cần được minh bạch, công khai, cần được hiểu và tôn trọng.

Khi tôn trọng nhau, sống có trách nhiệm với nhau thì sẽ không có kiểm soát, cưỡng ép, không có bạo lực. Khi đó, mọi thành viên gia đình sẽ bàn bạc, nhất trí với nhau về các khoản chi tiêu và cùng tích lũy, vun đắp cho tổ ấm.

* Xin cảm ơn bà.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI