Rất ít doanh nghiệp tại TPHCM được giảm lãi, cơ cấu lại nợ

03/07/2020 - 12:15

PNO - Tại TPHCM, có 704 trường hợp đề nghị giảm lãi, cơ cấu lại nợ, nhưng số doanh nghiệp đủ điều kiện để được hỗ trợ còn quá ít.

Chiều 2/7, tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh TPHCM - cho biết, trong 704 doanh nghiệp (DN) đề nghị hỗ trợ, có 165 trường hợp đang xử lý và 539 trường hợp đã có kết quả xử lý. 

Nhiều doanh nghiệp thiệt hai nặng trong dịch COVID-19 nhưng không thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ do các điều kiện từ các gói hỗ trợ này đưa ra
Nhiều doanh nghiệp thiệt hai nặng trong dịch COVID-19 nhưng không thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ do các điều kiện từ các gói hỗ trợ này đưa ra

Tuy nhiên, trong 539 trường hợp này, chỉ có 14 DN được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, 65 trường hợp được giảm lãi từ 0,2-2%/năm, 32 DN được vay mới, 3 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng, 2 trường hợp được giảm phí dịch vụ, 7 trường hợp được hỗ trợ nhiều hình thức (tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu lại nợ…). Số còn lại không còn nhu cầu hỗ trợ nữa, không đủ điều kiện vay vốn hoặc không thuộc nhóm khách hàng mục tiêu của ngân hàng, không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi. 

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - cho rằng, lượng DN đủ điều kiện để được hỗ trợ còn ít là do điều kiện các ngân hàng đưa ra quá khó. Chẳng hạn như phải có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu, có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, lịch sử vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với ngân hàng trong thời gian qua, có hóa đơn bổ sung chứng minh dòng tiền sử dụng đúng mục đích… Trong đó, khó nhất là thủ tục yêu cầu DN phải chứng minh được 50% thiệt hại trong khi chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể nào. 

“Thông tin về điều kiện, chính sách đối với DN được nhận hỗ trợ vẫn còn khá ít, rất nhiều DN chưa biết đến. Nếu muốn DN được hỗ trợ thì phải trên tinh thần cứu trợ, không nên theo kiểu “ai biết thì xin, không biết thì thôi”. Đừng chỉ hỗ trợ DN bị thiệt hại mà phải mở rộng cho đối tượng DN ít bị thiệt hại và không thiệt hại vì họ đang cần vốn để tái đầu tư hoặc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hưng đề nghị. 

Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank - thừa nhận, đến nay, ngân hàng cơ cấu được 1.000 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chỉ mới đáp ứng được việc tái cơ cấu cho khoảng 50% khách hàng. Ngân hàng không thể giảm lãi vay quá sâu theo đúng nhu cầu của DN bởi mức lãi suất huy động trước đây quá cao, nếu lãi vay giảm thì ngân hàng sẽ lỗ nặng. 

“Riêng việc DN chưa hài lòng với các quy trình, thủ tục của ngân hàng thì mong DN thông cảm, vì chúng tôi phải tuân theo quy định của NHNN. Hiện DN đã và đang tiếp tục khó khăn nên đề nghị NHNN cần có những chính sách quyết liệt, thông thoáng hơn. Chất lượng chương trình kết nối DN - ngân hàng để hỗ trợ DN cần được quan tâm hơn, phù hợp khả năng ngân hàng nhưng phải đáp ứng được nhu cầu thiết thực của DN” - ông Tuệ nêu ý kiến. 

Theo ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN Việt Nam - nhiều chuyên gia góp ý rằng, trong giai đoạn này, phải mở cửa, nới rộng chính sách, tăng đầu tư, đẩy mạnh vốn tín dụng, giảm lãi suất thật sâu… nhưng chỉ chính sách tiền tệ là chưa đủ, cần phải có chính sách tài khóa song song thì mới giải quyết được khó khăn chung của nền kinh tế và các vấn đề của DN. Riêng NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá. Những kiến nghị về thời gian cơ cấu nợ, kéo dài chính sách hỗ trợ sẽ được xem xét kỹ lưỡng để hỗ trợ DN tốt hơn nữa. 

Được biết, về gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hạ các tiêu chí để DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI