Hơn 10 năm trước, Mr.Dee là một trong những cái tên đặt nền móng cho rap Việt và đặt dấu ấn trong tất cả các MV của nhạc Việt. Đinh Tiến Đạt, cùng với sự thay đổi của thị trường âm nhạc trong nước, cũng chọn cho mình một lối đi khác. Thời gian chính của anh sau đó là trong phòng thu và kinh doanh. 11 năm kể từ ngày ra sản phẩm gần nhất, Tiến Đạt mới giới thiệu sản phẩm mới: Dự án Giáo dục công dân.
Thật ra, trước đó, cái tên anh đã được nhắc nhiều, thậm chí là nhiều nhất từ trước đến nay, khi chuyện tình của anh cùng Hari Won tan vỡ. Mối tình chín năm không còn, nhưng không hề có những oán trách hay giận dỗi mà chỉ có bảo vệ, chăm sóc như không hề có gì xảy ra, đến mức Tiến Đạt đang nhận được nhiều sự đồng cảm, bênh vực bỗng dưng bị… chỉ trích. “Tôi không hiểu được điều mọi người đang nghĩ, thật đấy”, anh chia sẻ.
* Sau 11 năm mới ra sản phẩm, nhưng lại là Giáo dục công dân (GDCD). Anh đặt tên thế, là ý gì?
- Rap là thế, là nói về các vấn đề xã hội. Tôi đọc báo chí thấy nhiều thông tin, nhiều vấn nạn xã hội nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi cứ tự hỏi, tại sao giờ lại xảy ra nhiều việc mà đáng nhẽ không nên có. Tôi nghĩ nó xuất phát từ giáo dục mà ra. Vì vậy mà GDCD trong đó chứa những câu mà mọi người hay nói, như “tôi bất chấp tất cả để kiếm tiền”, hay như một số bạn thanh niên thời gian qua đi ra đường Nguyễn Huệ vỗ ngực rằng “cuối năm tôi phải có một triệu đô”… Những ai hay đọc báo, quan sát tình hình chung sẽ thấy chúng ta đang có rất nhiều vấn đề. Những bạn trẻ chỉ chơi game thì làm sao thấy.
* Ấp ủ 11 năm, nhưng chọn vấn đề này, kể ra sự bức xúc của anh cũng không nhỏ?
- Tôi không bức xúc đâu, vì bức xúc cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi chỉ muốn nói lên, chúng ta cần phải nói lên những vấn đề của xã hội chứ đừng im lặng. Chúng ta nói ra, để nhiều người nhìn nhận, rồi mới giải quyết. Sản phẩm này lẽ ra tôi cho ra đời từ trước, nhưng vì tôi cảm thấy chưa đủ về ca từ, giai điệu… nó chưa “đã” lắm.
Thời gian qua, tôi cũng có kinh doanh, lao vào kinh doanh rồi thì vướng bận nên không có thời gian làm những việc khác. Rồi chuyện tình cảm, yêu đương… nên lơ đãng, không tập trung. Cho tới khi xong xuôi hết thì lại xảy ra ồn ào về tình cảm, tôi phải lùi kế hoạch ra mắt lại, tôi không muốn mọi người nghĩ tôi nương scandal để ra MV, rồi mọi người lại nghĩ bài này nhắm đến ai, sẽ khiến những người bạn của mình liên lụ y.
Đối với nghệ sĩ đi kiếm tiền mà như tôi, 11 năm mới ra sản phẩm thì quá chậm. Với tôi, kiếm tiền quan trọng đấy nhưng không phải là quan trọng số 1. Tôi cảm thấy tiền tôi thế được rồi, tôi không cần kiếm nhiều hơn. Kiếm tiền nhiều mệt lắm, tiền nhiều thì áp lực nhiều, tôi không thích bị áp lực.
|
Tiến Đạt trong Dự án Giáo dục công dân. |
* Là anh thận trọng và vì anh không cần kiếm tiền, phải không?
- Cần phải thận trọng chứ. Mình phải lo cho những người mình quan tâm, vậy thôi. Tôi chưa bị oan ức gì nhiều để phải quá cảnh giác, nhưng tôi thấy nhiều. Có những sự việc, người trong cuộc nói thế nhưng mọi người có tin đâu, mọi người chỉ tin vào những gì mọi người nghĩ. Có những cái đúng mà sai, sai mà đúng.
Giờ thấy việc tốt thì mọi người lại nghi ngờ, vì điều xấu phổ biến quá. Hồi đó thấy ai khạc nhổ ngoài đường là không chấp nhận được, giờ thì nó nhiều đến mức bình thường. Bây giờ thấy hôn nhau ngoài đường thì la làng lên, trong khi tè bậy ngoài đường thì bình thường. Giờ làm điều xấu thì bình thường, còn giúp ai ngoài đường lại là bất thường, rồi bị mắng là ngu, là làm chuyện rồ dại.
Ngay khi tôi ra mắt dự án này, nhiều bạn cũng nói hát cái gì kỳ. Làm sao các bạn hiểu được khi các bạn suốt ngày chỉ biết rủ nhau đi săn Poké mon chiếm hết lòng lề đường... Còn tiền, mọi người cho rằng tôi có điều kiện nhưng không giống như mọi người nghĩ. Tôi có chỗ dựa về tài chính, nhưng tôi chưa bao giờ sử dụng chỗ dựa đó.
Thật ra tôi kiếm được tiền từ nhỏ, 15 tuổi tôi đã kiếm được tiền. Tôi có nhà cửa, chăn êm nệm ấm nhưng tôi vẫn cứ lao ra ngoài đường đi diễn, đi sống tập thể, tôi cũng ngủ ngoài đường như ai. Điều đó không ai thấy. Nhưng thật sự là tôi không mê tiền, không ở mức phải làm tất cả để có tiền.
Âm nhạc bây giờ đối với tôi là sở thích. Tôi không hát thì tôi hỗ trợ người khác, tôi thưởng thức người khác hát. Trong thời gian qua tôi hỗ trợ thu âm cho nhiều người, trong đó có nhiều bạn sinh viên hát rất hay. Chỉ vậy thôi, tôi không mê tiền nên không làm gì tiếp theo.
* Scandal mà anh vừa nhắc, khiến anh phải hoãn thời điểm ra mắt GDCD ấy, không khó để biết đó là chuyện với Hari Won. Anh vui hay buồn khi sau 11 năm, anh được nhắc nhiều nhất là vì tình ái?
- Nếu sản phẩm này nhanh hơn, thì tôi đã ra trước vụ ồn ào về tình cảm. Và hai cái này không liên quan nhau. Tôi đã chuẩn bị hết bảy bài trước khi có việc đó, chỉ đợi ngày phát hành thôi.
Và, đúng là thời gian qua tôi cứ bị hỏi về Hari, và tôi trả lời kiểu gì thì cũng không thỏa đáng với số đông, vì họ muốn nghe cái họ muốn nghe chứ không phải cái Tiến Đạt nói. Họ thích nghe ông này chửi bà này, bà này chửi ông kia. Rồi họ hả hê kiểu thấy chưa, tao nghĩ đúng mà. Thật ra câu trả lời đó có logic hay không thì nên tìm hiểu từ bắt đầu chín năm cho đến bây giờ, nhưng chả ai tìm hiểu nó ra sao cả.
Họ nhìn thấy đáp án, nếu thắc mắc tại sao có đáp án đó thì lý ra họ nên quay lại tìm hiểu đề bài mới phải. Nhưng không ai tìm hiểu đề bài, họ chỉ coi một đoạn giải và nói đáp án này không đúng. Mọi người chỉ nhìn sự việc ở một thời điểm.
Thực tế là mọi đánh giá đều sai lầm, chỉ đến lúc họ chết đi chúng ta mới biết họ như thế nào mà thôi. Giờ tôi vẫn lo cho Hari, nhưng chỉ ở mức lo thôi chứ không can thiệp. Mọi thứ phải có giới hạn của nó. Bạn bè cũng lo cho nhau, khuyên bảo nhau và khuyên không được thì quay qua chửi, còn tôi chỉ lo và khuyên thôi (cười).
* Nhiều người bảo Hari trước và sau “giai đoạn Tiến Đạt” là hai người khác nhau, anh thấy sao?
- Không, vẫn chỉ là Hari thôi. Có khác chăng là bây giờ cô ấy có vị trí khác. Giờ cho đến thời điểm này tôi vẫn tin Hari. Trong khoảng thời gian chín năm qua, tôi thấy nhận định của tôi về Hari là đúng. Dĩ nhiên đó là logic của tôi cho đến thời điểm này, còn sau này ra sao thì còn phụ thuộc vào sự cố gắng của cô ấy, và về lâu về dài tôi cũng không thể nhận định gì về cô ấy.
Nhiều người nói Hari may mắn khi có tôi, nhưng có thể ngược lại, là tôi may mắn khi có Hari. Có Hari, cô ấy chỉ ra những tật xấu của tôi và bắt tôi sửa. Giờ tôi nói nhiều hơn xưa, chia sẻ nhiều hơn xưa. Cô ấy khiến tôi phải nói ra cái mình nghĩ, và làm những việc mà trước giờ tôi chưa từng làm.
Tới ngày sinh nhật mẹ tôi, Hari bắt tôi phải cầm điện thoại lên gọi cho mẹ chúc sinh nhật và nói “con yêu mẹ”. Với tôi đó là điều “kinh khủng” lắm, trước giờ chưa làm bao giờ. Tôi không phải là týp người thể hiện ra bên ngoài, bình thường tới ngày đó là tôi mua quà về để ở nhà vậy thôi. Vậy mà Hari bắt tôi phải làm đấy. Tiếc là tôi và Hari có những cái không thể giải quyết được, nó nằm ngoài chuyện tình cảm. Chúng tôi nên xa để còn nghĩ về nhau, ở gần chỉ làm bực nhau mà thôi.
* Nghĩa là, với sự chỉ trích dành cho Hari vừa qua, anh thấy dư luận thiếu công bằng với Hari?
- Dư luận chưa bao giờ công bằng với Hari, trước kia và bây giờ cũng vậy. Mà thật ra dư luận không bao giờ công bằng với bất kỳ ai chứ không riêng gì cô ấy. Ở thời điểm Hari được yêu thích vì cái giọng lơ lớ cách đây mấy năm, thì sự yêu thích đó cũng là không công bằng đối với những nghệ sĩ khác.
|
Với người bây giờ thành... bạn, Hari Won. |
Tự dưng ở đâu có một cô dở người, nói lơ lớ mà lại nổi tiếng hơn nhiều người khác, trong đó có người cống hiến đã chục năm. Rồi 9-10 năm sau cũng chính khán giả bảo là “đồ lừa đảo, đi về nước đi, hát lơ lớ thế thì hát làm gì”, “không nổi tiếng ở đất nước mình nên qua đây à”… Họ tự tạo ra một sự không công bằng, rồi bây giờ chính họ lại chửi điều ấy. Lỗi của họ đấy chứ.
Chính Hari ngay thời điểm đó cũng nói với tôi “em đâu có gì đâu, sao người ta lại thích em”, và cô ấy mang cảm giác có lỗi. 9-10 năm trước, mỗi lần đi diễn về là cô ấy lại thấy có lỗi với những người làm nghệ thuật Việt Nam. Tôi đã biết những điều như thế này sẽ xảy ra. Nhiều lúc Hari nói rất ngô nghê và tôi chỉ ngồi cười, vì nếu tôi nói thì mọi người lại bảo cái ông này “sọc dưa”.
Nếu mọi người để ý thì sẽ thấy tôi hay “đâm ngang” Hari lắm, rồi bị nói vô duyên vì bảo sao người ta đang thăng hoa mà lại nói thế, làm người ta cụt hứng. Rồi giờ mọi người không muốn nghe Hari nói nữa, muốn nghe Tiến Đạt nói, nhưng Tiến Đạt nói thì lại bảo không phải thế. Tiến Đạt phải giận dữ mới đúng, phải đau đớn mới đúng chứ tại sao Tiến Đạt giờ này còn bảo vệ Hari. Ơ hay!
* Là người đi qua giai đoạn thăng và trầm của nhạc Việt, anh sẽ nói gì nếu người ta bảo rằng sự nổi tiếng của Hari, cũng như nhiều gương mặt khác giống trường hợp của cô ấy, là rất đáng lo vì không bền vững?
- Sau này, khi không hoạt động nữa Hari sẽ còn cái gì, đó mới là thứ tôi lo. Bản thân Hari có còn giữ được mình hay không, kiểm soát được mình hay không đó mới là thứ quan trọng. Còn bây giờ, không hot nữa thì Hari sống theo kiểu không hot. Trước khi vô showbiz Hari cũng có cuộc sống riêng của mình rồi, nên nếu không hoạt động trong showbiz nữa Hari cũng không chết. Chỉ có những người yếu đuối mới dễ chết, nhưng Hari không hề yếu đuối.
Ngược lại, khán giả mới yếu đuối, những gì không vừa lòng là họ lại nhảy lên la làng, đó là biểu hiện của những người yếu đuối. Nhiều người rất kỳ, chỉ cần có ai đó không đồng quan điểm với mình là chửi trước đã rồi tính sau. Nhưng mà, tôi nghĩ những gì Hari đang trải qua là tất nhiên. Thuyền to thì sóng lớn, vậy thôi. Kiếm tiền nhiều thì áp lực nhiều.
* Âm nhạc của anh, dù ra mắt hay không, cũng xoay quanh các vấn đề xã hội, nhất là ứng xử của người trẻ. Nhưng đó là đối tượng chính của thị trường âm nhạc, anh không sợ mình làm phật lòng số đông ấy sao?
- Tôi có một ca khúc dành tặng cho các đối tượng này, thu âm xong từ lâu, nhưng chưa ra mắt. Chính Hari là người cản tôi, cô ấy nghe xong bảo: “Trời ơi ông nội, ông đừng có tung ra cái bài này”. Cô ấy lo đúng. Với nghệ sĩ thì âm nhạc cũng là cách kiếm tiền, nhưng đâu có ai chịu bỏ tiền để nghe tôi mắng họ. Cũng may là tôi không thuộc dạng phải kiếm tiền bằng âm nhạc để sống nên không bị áp lực chiều chuộng số đông.
Nhưng nói thật là nhiều người kỳ lắm, họ không cần suy xét, cứ phải phán xét thì mới được. Cứ như cuộc sống của họ có rất nhiều ức chế và họ phải chửi để giải tỏ a ấy. Số đông này nằm ở độ tuổi 15-22. Tôi đọc những câu họ chửi, vào xem họ là ai để tìm hiểu vì sao họ chửi thì thấy đa số vẫn chưa góp được nhiều gì cho cuộc đời này, nhưng mở miệng ra là phán xét. Không có ứng xử nào là vừa lòng mọi người, có làm gì cũng bị chửi thôi. Ai cũng chỉ muốn nhìn thấy cái mọi người cho rằng đúng, chứ không phải muốn thấy sự thật.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vũ Minh (thực hiện)