Rap Việt: Ngôn từ suồng sã mới "chất"?

27/02/2021 - 07:33

PNO - Một số ca khúc rap chứa những từ, cụm từ mang hàm nghĩa dung tục. Khi lên truyền hình, buộc phải thay đổi. Vì sao khi từ đầu đã có thể tạo ra điều tử tế, lại nỡ nói không?

Nhạc của anh, với những giai điệu trẻ trung, bắt tai cùng giọng hát lôi cuốn của rapper Andree đã tiếp thêm nguồn năng lượng cho màn trình diễn BST của NTK Trần Hùng trong chương trình Sóng 21. Không khó để người nghe nhận ra nhiều điểm gai góc trong bản gốc đã được chuốt lại cho mềm mại bằng việc thay đổi từ ngữ.

Chẳng hạn: “Anh sẽ là chàng trai hằng ngày em thầm thương/ Nên đầu gối em ban đêm sẽ thường thâm” được chỉnh thành “Nên đôi môi em sẽ thường thâm”...

Tiết mục của Andree trong chương trình Sóng 21:

 

 

Tương tự, ca khúc Bigcitiboi của rapper Binz cũng từng phải chỉnh sửa lời khi trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020. Hai câu hát “Trói em bằng cà vạt/ Penhouse trên Đà Lạt” thành “Trói em vào vườn thơ/ Cho văn chương anh rời rạc”.

Những cụm từ gốc khiến 2 bản rap này nhận nhiều ý kiến trái chiều khi ra mắt, dẫu giai điệu rất bắt tai, hấp dẫn. Nhiều người cho rằng chúng nằm giữa hai mảng sáng tối, dễ khiến người nghe liên tưởng đến những điều dung tục.

Andree, Binz đều không lên tiếng trước những bình phẩm này. Nhưng động thái chấp nhận chỉnh sửa của họ, có lẽ, đã là câu trả lời rõ ràng nhất.

Có thể thấy, việc chỉnh sửa đã giúp hai bản rap trở nên sạch sẽ hơn nhiều. Những ngôn từ được sử dụng thay thế cũng không làm mất đi chất tự do, phóng khoáng, cá tính có phần nổi loạn nhưng vẫn lãng mạn trong âm nhạc của Andree hay Binz. Điều đó khiến dư luận đặt dấu hỏi, vì sao đã làm được, lại không thực hiện ngay từ đầu?

Binz trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020
Binz trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020

Trong khoảng nửa năm bùng lên và trở thành hiện tượng của làng nhạc Việt, rap cho thấy được nhiều ưu điểm. Chúng góp thêm nhiều giai điệu tươi trẻ cho nền nhạc với pop/ballad làm chủ đạo.

Sự đa dạng, vẻ đẹp trong ngôn từ của tiếng Việt đã được các rapper khai thác hiệu quả. Họ sử dụng lối chơi chữ, nói lái, dùng từ đồng âm khác nghĩa, áp dụng ca dao tục ngữ để tạo nên những câu hát trẻ trung, cuốn hút người nghe, có độ viral cao trên mạng xã hội.

Chẳng hạn, với Con nhà người ta, Ricky Star đã cho thấy được nhiều điều thú vị. Anh “hô biến” câu ca dao quen thuộc thành: “Cá không ăn muối cá ươn/ Bé không cãi cha mẹ mà chỉ gây nhớ thương”; nói lái để tạo ra cụm từ đối xứng nhau, có ý nghĩa “Khi có ai hỏi cháu làm gì?/ Chỉ có thể là chí làm giàu”; hoặc áp dụng một câu nói hot trên mạng xã hội để tạo ra những giai điệu đẹp, bắt tai: “Bác sĩ nói trong người của bé 100% hiphop/ Ghi điểm như là được di truyền/ Khi mà tay cầm tiền/ Nguyên team đi đường quyền”…

Trong Phiêu lưu ký, Dế Choắt đưa người nghe đến với vẻ đẹp của từ ghép, từ láy, vần điệu để tạo nên một bản rap mang đầy thông điệp ý nghĩa. Trong đó, có nhiều đoạn khiến người nghe thích thú: “Muôn kiếp nhân sinh, sầu bi ải/ Trả hết nợ đời chốn trần ai/ Sao ta cứ hơn thua và tranh cãi?/ Sung sướng trao người khổ phần ai?/ Ta luôn đấu tranh cho điều lẽ phải/ Học cách cân bằng đúng và sai”; “Trớ trêu thay ngọt bùi, cay đắng/ Sống sao cho lòng mình ngay ngắn/ Thân xác lành lặn là còn may mắn”…

Dế Choắt trong tiết mục Phiêu lưu ký
Dế Choắt trong tiết mục Phiêu lưu ký

Những sự sáng tạo, thay đổi, có cả những điều nghe thoáng qua hơi bất hợp lý nhưng lại được chấp nhận vì việc vận dụng từ ngữ, sử dụng một cách văn minh, lịch sự. Chúng đều là những từ tường minh, rõ nghĩa, chứ không đứng trong “vùng tối”. Đó là điều tích cực, cần được nhân rộng trong thị trường âm nhạc hiện tại.

Rap, bản chất là âm nhạc đường phố, gai góc, cá tính, nổi loạn, mang đậm màu sắc cá nhân. Nhưng, đối chiếu với những gì đang diễn ra với rap trên thế giới, đặc biệt tại những thị trường mà rap phát triển cực thịnh, có thể thấy khi về đến Việt Nam, chúng đã được “mềm hóa” đi rất nhiều.

Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng chịu sự tác động của văn hóa. Đặc biệt, với Việt Nam, một nền văn hóa Á Đông đầy sự nhạy cảm thì những thước đo, quy chuẩn lại càng nhạy cảm hơn rất nhiều. Bên cạnh văn hóa không thể phủ nhận sự đa dạng về ngữ nghĩa, âm sắc, hệ thống từ của tiếng Việt đã giúp rap có được cái nhìn thiện cảm hơn từ khán giả trong hơn 2 năm trở lại đây.

Show diễn của Đen Vâu với sức chứa 5.000 khán giả chật kín người trong bối cảnh các show diễn khá khó để bán vé như minh chứng cho sự đón nhận đó. Mỗi tập phát sóng của Rap Việt cũng thu hút đến hàng chục triệu người xem.

Mỗi người làm nghề sẽ có những quan điểm, lựa chọn khác nhau. Nhưng chắc chắn sự lựa chọn để rap phổ biến hơn, tồn tại lâu bền hơn, sức sống dẻo dai hơn là điều ai cũng muốn. Một trong những điều quan trọng là giữ sự gai góc, cá tính của rap trong những ngôn từ văn minh. 

Khán giả đều ghi nhận sự thay đổi từ Andree, Binz. Vì thế, không có lý do gì để không tiếp tục lan tỏa những điều đẹp đẽ ấy.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI