Cú phản tỉnh khi truyền hình thực tế quá nhàm chán
Những con số về lượt xem, top trending trên YouTube đôi khi không nói lên chất lượng, chỉ minh chứng cho sự quan tâm thức thời của khán giả. Nhưng với Rap Việt, chương trình này sở hữu cả 2, vừa chất lượng, vừa thu hút được khán giả.
Hiện Rap Việt đang giữ vị trí số 1 trên tab thịnh hành của YouTube với số lượt xem vẫn liên tục tăng. Sau 2 ngày, chương trình nhận được hơn 8 triệu lượt xem trên YouTube, đây là con số mơ ước của một cuộc thi tìm kiếm tài năng.
Cùng với Rap Việt, King of Rap – một cuộc thi rap khác đang phát sóng trên VTV3, cũng nhận được lượng xem “khủng” với gần 3 triệu lượt, xếp thứ 4 trên tab thịnh hành của YouTube. Màn "đối đầu" giữa 2 chương trình rap nhận về nhiều sự so sánh từ khán giả, đa phần, người xem tỏ sự yêu thích hơn với Rap Việt.
|
Dàn huấn luyện viên, giám khảo là những rapper hàng đầu tại Việt Nam của Rap Việt. |
Rap Việt được mua bản quyền từ chương trình đình đám của Thái Lan – The Rapper. Chương trình này từng đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng truyền hình châu Á lần thứ 23 – 2018 hạng mục Chương trình giải trí tổng hợp hay nhất; Giải thưởng sáng tạo của Viện Hàn lâm châu Á 2019, Giải thưởng giải trí hay nhất trên mạng xã hội.
Về Việt Nam, format hấp dẫn từ The Rapper tiếp tục được làm nóng với dàn huấn luyện viên chất lượng gồm Suboi, Karik, Wowy, Binz. Ngoài ra, chương trình còn có 2 giám khảo nổi tiếng trong giới rap là Rhymastic và JustaTee. Rap Việt bùng nổ hơn với sự dẫn dắt của Trấn Thành. Còn King of Rap, dàn giám khảo cũng không kém cạnh với LK (Lil Knight), Lil'Shady, BigDaddy, Datmaniac (Đạt Maniac).
Những màn rap ngẫu hứng đầy sáng tạo, những phần trình diễn thể hiện cái tôi với cá tính mạnh mẽ, cộng thêm một số yếu tố mang tính giải trí đến từ người dẫn chương trình, giám khảo giúp cả 2 chương trình trở thành "món ăn" mới chất lượng cho khán giả.
Tiết mục Dám hay không dám của Yuno Bigboy:
Truyền hình thực tế, đặc biệt là các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình thời gian qua gần như bị xoá sổ. Từ thời điểm các cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn... thoái trào vì tổ chức nhiều mùa, format dần nhàm chán, thí sinh "cạn kiệt" thì đến nay, truyền hình trong nước mới có được chương trình tìm kiếm tài năng hấp dẫn.
Chưa kể, đây là 2 sân chơi quy mô đầu tiên dành cho rap - thể loại nhạc lâu nay vẫn bị cho là khá kén khán giả, không nằm trong dòng chủ lưu được nhiều người đón nhận. Rap Việt và King of Rap được giới thiệu là 2 cuộc thi mang sứ mệnh đưa rap ra ánh sáng, gần hơn với khán giả, tìm kiếm thế hệ rapper kế thừa. Đây là những mỹ từ có phần "ngoa ngôn" bởi nếu không có Rap Việt và King of Rap, những hoạt động của các nghệ sĩ rap – hip hop trong nước vẫn diễn ra như nó đã từng và hiện đang được đón nhận hơn trong 5 năm trở lại.
Tuy nhiên, điều mà 2 chương trình rap Việt hiện tại sẽ làm được là giúp khán giả hiểu hơn đời sống của thể loại rap tại Việt Nam, hiểu hơn về “góc tối” của những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc rap, hoặc đơn giản là thay đổi định kiến và chứng minh rap không khó nghe như nhiều người vẫn nghĩ.
Định danh rap trên truyền hình
Rap Việt và King of Rap giúp giải "cơn khát" sân chơi cho thể loại âm nhạc được cho là khá kén khán giả. Đây là 2 chương trình về rap Việt đầu tiên xuất hiện chính thức trên truyền hình nên cách thực hiện từ phía nhà sản xuất sẽ định hình trong khán giả, đời sống rap Việt hiện tại như thế nào.
Rap Việt là chương trình sôi động hơn hẳn, giàu tính giải trí hơn từ các màn tranh giành thí sinh của 4 huấn luyện viên, phần dẫn dắt hài hước của MC Trấn Thành. Các phần thi của thí sinh đều được chăm chút và tiết mục dự thi được phát sóng trọn vẹn. Thêm nữa, chương trình khai thác câu chuyện đằng sau của mỗi thí sinh khá xúc động. Trong tập đầu tiên, Rap Việt vượt hơn hẳn King of Rap về độ giải trí, nhưng xét về yếu tố chuyên môn, đóng góp của huấn luyện viên, King of Rap có chiều sâu hơn.
Tiết mục đầy bất ngờ của Á hậu Kiều Loan tại King of Rap:
Ở mỗi phần trình diễn của King of Rap, ban giám khảo sẽ đưa ra một số nhận xét chuyên môn, sau đó nói lên quyết định chọn hay loại thí sinh. Không phải ở phần thi nào, cả 4 giám khảo của King of Rap đều nhận xét đầy đủ về chuyên môn nhưng đa phần, đều có lý giải cho việc họ chọn hay loại thí sinh đó.
Một điểm nữa được mang ra so sánh giữa 2 chương trình là ở Rap Việt, ban tổ chức có chọn lọc thí sinh từ trước nên những cá nhân đứng trên sân khấu đều có tố chất, kinh nghiệm. Yuno Bigboy - thí sinh cuối cùng của tập 1 Rap Việt đã hoạt động 10 năm nên không khó để anh khuấy động không khí. Yuno cũng biết cách chơi chữ, gieo vần không khác một rapper chuyên nghiệp thể hiện.
Tiết mục của Color tại King of Rap:
Còn với King of Rap, số lượng thí sinh dự thi đông hơn hẳn, cộng với format chương trình chỉ là chọn - loại, không phải giành thí sinh về đội nên phần thi của thí sinh bị lướt qua, không được làm đậm tất cả các tiết mục dự thi. Nhiều thí sinh còn non về kinh nghiệm sân khấu, chưa biết cách gieo vần, chơi chữ. Chính không khí có phần nặng về chuyên môn khiến King of Rap mất đi lượng khán giả.
Cách làm của Rap Việt và King of Rap là 2 vế bù trừ cho nhau. Hiện Rap Việt cần bớt uỷ mị, tiết chế hơn trong việc khai thác đời tư nhằm lấy nước mắt của khán giả còn King of Rap, nên tăng tính giải trí nhiều hơn để thu hút người xem.
Rap Việt và King of Rap đều mới lên sóng 1 tập nên rất khó để so kè, cũng như đánh giá chất lượng của 2 cuộc thi. Tuy nhiên, điều dễ nhìn thấy là cả 2 chương trình đều thể hiện được đời sống sôi động của thể loại rap tại Việt Nam, giới thiệu những gương mặt rapper mới và mang tới những phần trình diễn khá hấp dẫn. Trong thời điểm truyền hình thiếu những món ăn tinh thần mới mẻ thì cả 2 cuộc thi như làn gió mới, đủ giải trí cho khán giả mỗi tối thứ 7 hàng tuần.
Minh Tú