Rạp phim Hàn đóng cửa vì 2 ca nhiễm corona, rạp Việt phòng dịch như thế nào?

06/02/2020 - 07:19

PNO - Khi 2 ca nhiễm corona của Hàn Quốc cho biết trước đó đã đến rạp xem phim, nhiều người không khỏi lo lắng vì điều đó hoàn toàn có thể diễn ra tại rạp Việt.

Rạp Việt triển khai công tác phòng dịch

Tính đến ngày 5/2, Hàn Quốc ghi nhận có 15 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (nCoV). Trong đó, ca nhiễm thứ 5 (kết luận bệnh ngày 31/1) và ca nhiễm thứ 12 (kết luận ngày 1/2) dương tính với corona đã khai rằng họ từng đến rạp xem phim. Ngay lập tức, 2 rạp chiếu CGV gần Trường Đại học nữ Sungghin và CGV Bucheon mà 2 bệnh nhân lui tới đều đóng cửa. 

Hiện tại, hệ thống rạp phim của Hàn Quốc thực hiện các biện pháp chống virus corona như cung cấp nước rửa tay sát khuẩn, bố trí các bảng hướng dẫn cụ thể cách phòng tránh dịch bệnh. Phía các rạp chiếu cho biết sẽ đóng cửa rạp ngay khi Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận có ca nhiễm virus corona đã từng ghé rạp. Các biện pháp này khá giống với hệ thống rạp phim tại Việt Nam.

Tại quầy bán vé của các rạp có trang bị dung dịch rửa tay, nhân viên đều đeo khẩu trang khi làm việc
Tại quầy bán vé của các rạp có trang bị dung dịch rửa tay, nhân viên đều đeo khẩu trang khi làm việc.

Trả lời Báo Phụ nữ TPHCM, anh Khánh Nguyễn – đại diện truyền thông của CGV tại Việt Nam cho biết, cụm rạp thực hiện nhiều cách để bảo vệ sức khoẻ nhân viên cũng như khán giả đến rạp.

Các biện pháp gồm: Kiểm tra thân nhiệt nhân viên trước khi vào ca bằng thiết bị đo nhiệt độ cơ thể điện tử; Yêu cầu nhân viên rửa tay và sát khuẩn sau 20 phút/lần trong ca làm việc; Trang bị dung dịch sát khuẩn cho khách hàng tại mỗi cụm rạp; Trang bị khẩu trang y tế cho nhân viên khi làm việc; Tuyên truyền các biện pháp phòng tránh nCoV từ Bộ Y tế thông qua các biển hiệu trưng bày tại rạp; Trong trường hợp khách hàng có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh như sốt, ho, khó thở, nhân viên CGV lập tức cách ly và hỗ trợ đưa khách hàng đến trung tâm y tế gần nhất/liên lạc đến số hotine của Bộ Y tế (19003228) để được tư vấn kịp thời.

Hình ảnh chụp tại rạp BHD, toà nhà Bitexco, 2 Hải Triều, quận 1. Chai nước rửa tay được đặt trước nơi ra vào khu rạp chiếu.
Hình ảnh chụp tại rạp BHD, toà nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, quận 1. Chai nước rửa tay được đặt trước nơi ra vào khu rạp chiếu.

Tại cụm rạp BHD, anh Quang – đại diện đơn vị cho biết: “Giống các hệ thống rạp chiếu khác, BHD cũng triển khai các biện pháp phòng dịch corona như: yêu cầu nhân viên trang bị khẩu trang y tế trong giờ làm việc; chuẩn bị dung dịch rửa tay sát khuẩn tại quầy bán vé và khu vực soát vé vào rạp để người xem sử dụng”.

Theo đại diện các cụm rạp, hầu hết đơn vị đều trang bị cho nhân viên khẩu trang y tế. Cụm rạp Galaxy Nguyễn Du, quận 1 để bảng thông báo: “Nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, Galaxy Nguyễn Du xin phép sử dụng khẩu trang khi phục vụ quý khách”. Đại diện CGV cũng cho biết quản lý rạp đang kiểm soát chặt chẽ các bước “nhằm hạn chế tuyệt đối các trường hợp nghi ngờ và có khả năng lây nhiễm virus corona”. 

Nỗi lo vẫn còn đó

Theo ghi nhận của Báo Phụ nữ TPHCM vào trưa và chiều 5/2 tại 4 cụm rạp lớn, công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra vẫn còn khá lỏng lẻo. Việc đo thân nhiệt của nhân viên trước khi làm việc nơi có nơi không. 

Rạp Galaxy Nguyễn Du chiều 5/2 khá vắng khán giả.
Rạp Galaxy Nguyễn Du chiều 5/2 khá vắng khán giả


Cũng theo quan sát của phóng viên, việc vệ sinh, sát khuẩn cũng được các nhân viên thực hiện nhưng không nghiêm ngặt. Chẳng hạn tại cụm rạp ở quận 1, trong khoảng 1 giờ đồng hồ, một nữ nhân viên thực hiện vệ sinh tay 2 lần, nam nhân viên 1 lần. Còn tại cụm rạp ở quận 5, trong khoảng 1 giờ đồng hồ, không có nhân viên nào thực hiện việc rửa tay, sát khuẩn.

Tại cụm rạp nằm ở trung tâm quận 1, các bảng khuyến cáo cũng như nước rửa tay đều được trang bị tại khu vực mua vé cũng như soát vé trước khi vào rạp. Tuy nhiên, khán giả cho biết nhân viên bán vé đều không nhắc hay hướng dẫn khách việc rửa tay hay đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ trước khi vào rạp.

Nước rửa tay được đặt tại quầy nhưng nhân viên không nhắc người xem sử dụng.
Nước rửa tay được đặt tại quầy nhưng nhân viên không nhắc khán giả sử dụng


Trong khoảng 1 giờ 30 phút, có hơn 20 lượt khách qua khu vực soát vé để vào rạp chiếu nhưng không ai sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Nhân viên soát vé chỉ hướng dẫn khách đi thẳng vào phòng chiếu. Khi được hỏi "trong trường hợp khách không thực hiện việc sát khuẩn, rửa tay từ bên ngoài, trong rạp có trang bị hay không?", nữ nhân viên trả lời "không".

Tại một cụm rạp lớn ở quận Bình Thạnh, nước rửa tay được trang bị ở cả quầy mua vé, thức ăn, thức uống cũng như khu vực soát vé nhưng nhân viên không hướng dẫn hoặc nhắc nhở khách sử dụng, trong đó, có những khách là trẻ em. Nữ nhân viên cho biết các vật dụng này chỉ đặt đó, còn việc sử dụng hay không phụ thuộc vào khán giả đến rạp.

Chai nước rửa tay nằm chỏng chơ tại quầy bán vé.
Chai nước rửa tay nằm chỏng chơ tại quầy bán vé


Trong khi đó, tại một cụm rạp ở quận 5, chỉ có bảng khuyến cáo khán giả đeo khẩu trang để bảo vệ sức khoẻ. Rạp không trang bị nước rửa tay ở khu vực mua vé, soát vé. Khi được hỏi, nam nhân viên cho biết chỉ có trang bị nước rửa tay ở nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào khu vực này, chai dung dịch nước rửa tay đã hết sạch.

Một cụm rạp lớn khác ở quận 1 cũng tương tự. Qua thăm dò hơn 10 lượt khách, họ đều xác nhận nhân viên không hướng dẫn hay nhắc nhở việc rửa tay, đeo khẩu trang trước khi vào rạp. Rạp cũng không trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho khách tại khu vực quầy vé. Nhân viên nam soát vé cho biết rạp không có nước sát khuẩn cho khách trước khi vào xem. Nếu muốn, khách có thể chủ động rửa tay tại nhà vệ sinh.

Khán giả có tâm trạng khá thoải mái khi đi xem phim. Một số người xem không mang khẩu trang.
Khán giả có tâm trạng khá thoải mái khi đi xem phim. Một số người xem không mang khẩu trang.

 

Rạp Việt đìu hiu, doanh thu giảm

Cũng theo ghi nhận thực tế của chúng tôi trong ngày 5/2 và liên hệ các đơn vị phát hành, hầu hết tình hình khán giả đến rạp giảm mạnh. Đại diện BHD cho biết ngay sau Tết Nguyên đán, vì tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp cộng với thông tin truyền thông liên tục, khán giả có tâm lý ngại đến rạp.

Đại diện truyền thông của CGV cho biết chưa có con số thống kê cụ thể về việc giảm sút nên chưa thể thông tin đến báo chí. Tuy nhiên, theo dõi các suất chiếu trong đợt dịch bệnh, so với dịp tết và cả những thời điểm thông thường, người xem phim giảm khá mạnh. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI