Rap kết hợp cải lương, opera, nhạc Trịnh: Cú liều của nhà sản xuất

21/10/2020 - 06:57

PNO - Các cuộc thi rap trên truyền hình đang để rap kết hợp cùng cải lương, opera, nhạc Trịnh... nhằm đưa thể loại âm nhạc này tiệm cận hơn với khán giả.

Những cuộc thử nghiệm táo bạo

Hai cuộc thi rap trên truyền hình là Rap Việt King of rap đang đi tới những vòng cuối để tìm ra người chiến thắng. Càng vào các vòng trong, đề bài được nhà sản xuất, giám đốc âm nhạc đưa ra càng nhiều thử thách, không chỉ với thí sinh mà với chính huấn luyện viên, nghệ sĩ tham gia hỗ trợ tiết mục.

Hiện tại, cuộc thi Rap Việt đang ở chuỗi vòng đấu với đề bài lấy cảm hứng từ những câu nói trending (xu hướng) và ca dao/tục ngữ/thành ngữ Việt Nam. Còn với King of rap, chương trình vừa kết thúc vòng thi chọn tốp 10, ở đó, 2 thí sinh sẽ cùng kết hợp với một nghệ sĩ khách mời thể hiện một ca khúc do khách mời chọn.

Luật chơi của 2 cuộc thi buộc các thí sinh phải thích ứng và sáng tạo theo đề tài nhất định, khác hẳn với phong cách sáng tác tự do, phóng khoáng thường thấy của các rapper. Trong King of rap, cuộc thi đang tạo ra những màn kết hợp chưa từng thấy như: rap xuất hiện trong ca khúc Huyền thoại mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rapper đứng chung sân khấu với NSƯT Quế Trân hát Cô gái bán sầu riêng...

NSƯT Quế Trân và thí sinh Chị Cả trong tiết mục Cô gái bán sầu riêng.
NSƯT Quế Trân và thí sinh Chị Cả trong tiết mục Cô gái bán sầu riêng.

Chính những khách mời cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ, họ nghĩ sẽ có sự kết hợp lạ lùng, đặc biệt như thế. “Chương trình rất xa lạ với tôi, quá trẻ. Tôi rất e ngại, rất sợ bởi vì giữa rap và bài Huyền thoại mẹ do tôi thể hiện không liên quan nhưng khi nghĩ lại, chương trình làm vậy như một sự táo bạo. Tôi cũng phải tập luyện nhiều và theo nhịp của các thí sinh. Sau những buổi tập dượt, tôi thấy rất hào hứng”, ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ khi hỗ trợ tiết mục của 2 thí sinh Nhật Hoàng và Captain (tên thật Hoàng Đức Duy).

NSƯT Quế Trân cũng bất ngờ khi được mời hỗ trợ cho 2 thí sinh trong chương trình King of rap vì 2 thể loại không có điểm chung. Tuy nhiên, khi tập luyện, NSƯT Quế Trân cho biết nếu kết hợp khéo léo, hoàn toàn có thể cho ra những tiết mục mới lạ, ấn tượng. “Sự kết hợp giữa vọng cổ và rap là trải nghiệm mới, màu sắc mới, thể hiện sự biến hoá không chỉ đối với rap mà còn với bộ môn nghệ thuật cải lương... Nếu có những sự kết hợp phù hợp, rap hoàn toàn dễ nghe, có thể trở thành món ăn mới lạ với những khán giả yêu thích cải lương”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Hai cuộc thi rap hiện vẫn đang được khán giả đón nhận, cổ vũ vì có những hướng đi táo bạo trong cách đặt chủ đề cho các vòng thi. Chính những màn kết hợp mới mẻ, thử thách giúp thí sinh bộc lộ khả năng ứng biến, cũng như đưa đến những góc nhìn mới về một thể loại âm nhạc bị cho là khó nghe, khó tiếp cận đại đa số khán giả.

Lắm thành công nhưng cũng nhiều gắng gượng

Thí sinh Chị Cả (Đinh Thanh Tùng), người chiến thắng trong tiết mục với NSƯT Quế Trân nói rằng cải lương và rap là 2 phạm trù hoàn toàn tách biệt nhau. Do đó, khi được kết hợp với cải lương, đây là cơ hội cũng là thử thách với thí sinh.

Ở mọi sự kết hợp mới, nếu làm hay, khán giả sẽ đón nhận nồng nhiệt nhưng nếu không phù hợp, dễ nhận về những chỉ trích. Và đã có những màn kết hợp chệch choạc, quá sức đối với các thí sinh.

Thí sinh Gizmo bị loại sau phần trình diễn cùng nữ ca sĩ opera Khánh Ngọc.
Thí sinh Gizmo bị loại sau phần trình diễn cùng nữ ca sĩ opera Khánh Ngọc.

Trong 2 tập mới nhất của 2 cuộc thi, thể loại opera xuất hiện với 2 hình thức khác nhau. Bên Rap Việt, opera là yếu tố bổ trợ cho tiết mục của thí sinh. Còn bên cuộc thi King of rap, opera là thể loại âm nhạc chính, đòi hỏi thí sinh phải sáng tạo trên chính ca khúc được khách mời chọn lựa. Đề bài dẫn tới một số màn kết hợp thật sự khó khăn, ví như vở nhạc kịch The Phantom of The Opera mà ca sĩ Khánh Ngọc chọn. Trích đoạn vở nhạc kịch thách thức RichChoi (Lê Anh Đức) và Gizmo (Nguyễn Vũ Sơn Tùng) khi không chỉ sáng tác lời rap, cả hai phải thay đổi những bộ trang phục thường mặc để vào vai 2 nhân vật, diễn cùng nữ ca sĩ opera Khánh Ngọc.

Hai thí sinh đều cố gắng thể hiện, họ giỏi hơn chính mình ở các vòng trước nhưng để nói là thành công thì tiết mục này chưa đạt. Màn đối kháng giữa RichChoi và Gizmo thiếu tiết chế. Từ 2/3 tiết mục trở về sau, phần rap của 2 thí sinh kết hợp với tiếng hát của Khánh Ngọc bị rối, quá ồn, không có sự gắn kết.

Điều này giống với tiết mục Huyền thoại mẹ của ca sĩ Cẩm Vân, Nhật Hoàng và Captain. Khi vào cao trào, trên nền tiếng hát của nữ nghệ sĩ, 2 thí sinh rap đối kháng về 2 nội dung mình tự sáng tác. Dù cùng viết về mẹ nhưng nhịp, lời rap không phù hợp với tinh thần của ca khúc Huyền thoại mẹ. Tiếng hát dày, cảm xúc của nữ ca sĩ, lời ca đậm chất tự sự bị tiếng của 2 thí sinh... đè bẹp. Một sự kết hợp hoàn toàn không phù hợp, lộn xộn, thiếu kết nối.

Nếu khán giả từng lên tiếng phản ứng, cho rằng rapper Hà Lê “phá” tinh thần của nhạc Trịnh khi kết hợp các sáng tác của cố nhạc sĩ với rap trong dự án Trịnh contemporary thì đến Huyền thoại mẹ của King of rap, màn thử nghiệm này còn táo bạo hơn thế gấp nhiều lần.   

Ca sĩ Cẩm Vân và 2 thí sinh trong tiết mục Huyền thoại mẹ.
Ca sĩ Cẩm Vân và 2 thí sinh trong tiết mục Huyền thoại mẹ.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, trong nhiều nhận xét của mình, đã nhắc lại về chất lượng của các tiết mục: “Thành công hay không chưa biết nhưng đó là một màn kết hợp thú vị, thử thách thí sinh”. Mục đích của cuộc thi hoàn toàn tốt khi đưa rap đứng chung sân khấu với nhiều thể loại khác, tuy nhiên, màn thể nghiệm này quá mạo hiểm. Ngoài thành công của tiết mục Cô gái bán sầu riêng, cho tới nay, việc kết hợp rap với nhạc Trịnh hay rap với opera chưa có thành công tương tự.

Lại nhắc về sự phù hợp, mới đây, nhà sản xuất chương trình King of rap thông báo sẽ ra mắt phiên bản King of rap kids (tuyển thí sinh dưới 15 tuổi). Thông tin này gây ra những tranh cãi nhất định về độ phù hợp. Thể loại rap lâu nay vẫn được định danh là dòng nhạc dành cho những thanh niên đường phố với ca từ phóng khoáng, tự do, thậm chí đưa vào nhiều cảm xúc tiêu cực, phản biện xã hội. Do đó, đối với đối tượng trẻ em, dòng nhạc này không phù hợp để các em tự sáng tác, bởi rất dễ lệch lạc.

Việt Max, một nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật đường phố cho biết, khi nhận được thông tin sẽ có chương trình rap dành cho trẻ em, anh vô cùng lo lắng và thấy không phù hợp. Việt Max nhận định thể loại rap/hip-hop là nghệ thuật đường phố và chỉ nên dành cho những ai thật sự yêu thích, lớn lên trong văn hoá đó. Còn nếu “tay ngang” nhảy sang tập luyện trong thời gian ngắn để thi thố sẽ gặp nhiều bất cập, chưa kể đối tượng trẻ em chưa đủ nhận thức, luôn cần sự giám sát của cha mẹ bên cạnh.

Hiện nhà sản xuất chương trình King of rap chưa có phản hồi trước phản ứng của dư luận. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI