PNO - Nhiều nghệ sĩ, nhân viên ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trước đây vẫn nhắc nhớ thời hoàng kim của Hưng Đạo và Thanh Minh - Thanh Nga với niềm tự hào.
100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.
Rạp Hưng Đạo thập niên 1960
“Nhắm mắt lại, từng hình ảnh, âm thanh phía trước rạp Hưng Đạo cách đây nửa thế kỷ vẫn cứ như những thước phim hiện ra trong tâm trí. Ở đó, có tiếng đờn, tiếng ca của các nghệ sĩ vang vang từ chiếc loa sắt treo nơi cửa rạp; có quán cà phê nhỏ xíu nhưng lúc nào cũng đông khách; có xe hủ tíu cho khán giả lót dạ trước khi vô rạp và là điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ, hậu đài, nhân viên… đoàn hát nửa khuya khi đã vãn tuồng. Trước cửa rạp lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp, nhưng không hề xô bồ, nhếch nhác. Cô bán cà phê, ông bán hủ tíu và cả những người bán vé chợ đen… đều như những người thân quen của các đoàn hát và nghệ sĩ. Tôi không thể quên những ánh đèn dầu trước rạp hát trong đêm. Khi chiếc loa đã yên lặng, đèn trước cửa rạp đã tắt, những ánh đèn dầu khiến đứa trẻ thơ là tôi khi đó thấy ấm áp lạ kỳ”. Giọng NSƯT Hữu Châu - cháu nội bà bầu Thơ - nghe mênh mang khi nhắc nhớ những ký ức ở một rạp hát từng là thủ phủ của cải lương Sài Gòn, đồng thời là đại bản doanh của gia tộc cải lương Thanh Minh - Thanh Nga.
Rạp Hưng Đạo được lắp máy lạnh, có 1.100 ghế, chia làm bốn hạng với giá vé từ 40 - 120 đồng/vé (năm 1960). Rạp xây dựng ở thời điểm cải lương đang có nguy cơ bị phim màn ảnh rộng Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ… lấn lướt, nên đã được xây với sân khấu đại vĩ tuyến - không gian mở rộng để các đoàn hát tha hồ dựng tuồng, dựng cảnh hoành tráng, quy mô.
Nhà hát Trần Hữu Trang trên nền rạp Hưng Đạo xưa
Cùng với nhiều thỏa thuận về tiền thuê rạp (tính theo phần trăm doanh thu xuất hát), số vé dành cho chủ rạp… bà bầu Thơ cũng yêu cầu chủ rạp phải đóng sàn gỗ cho khu vực sàn sân khấu, hậu trường và phòng hóa trang, thay cho sàn xi măng. Hưng Đạo khai trương với tuồng Nửa đời hương phấn - tác phẩm mới toanh của Thanh Minh - Thanh Nga.
Đầu thập niên 1960, rạp Hưng Đạo của ông chủ Nguyễn Thành Niệm khánh thành ngay trên chính mảnh đất mà ông chủ của nó từng ngồi sửa xe gần 20 năm trước. Thanh Minh - Thanh Nga - đoàn cải lương ăn khách và sang trọng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ đã được ông chủ Niệm nhắm tới, mời về khai trương rạp.
Đến khoảng cuối năm 1967, Hưng Đạo trở thành “đại bản doanh” của Thanh Minh - Thanh Nga. Tất cả những tuồng mới của đoàn, như: Con gái chị Hằng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Áo cưới trước cổng chùa, Vàng sáu bạc mười, Hoa Mộc Lan… đều khai trương tại Hưng Đạo và diễn liên tục khoảng một tháng trước khi chuyển đến điểm diễn khác.
Đây cũng là thời đỉnh cao của Thanh Minh - Thanh Nga. Muốn xem tuồng mới, khán giả phải mua vé từ sáng sớm. Nhiều xuất hát, chưa đến 10g sáng, phòng vé đã đóng cửa, treo bảng “hết vé”.
Thời kỳ hoàng kim của rạp Hưng Đạo gắn liền với những vai diễn của cố NSƯT Thanh Nga
Về Hưng Đạo, rạp khang trang hơn, khán giả cũng đông hơn, bà bầu Thơ càng có điều kiện để nâng cao chất lượng tuồng tích, nhằm thu hút và giữ chân khán giả.
Để đảm bảo luôn có tuồng hát mới, bà bầu Thơ có hẳn một đội ngũ soạn giả cộng tác đều là những người rất giỏi nghề: Hà Triều, Hoa Phượng, Trần Hà, Viễn Châu, Thiếu Linh, Kiên Giang…
Nhiều nghệ sĩ, nhân viên ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trước đây vẫn nhắc nhớ thời hoàng kim của Hưng Đạo và Thanh Minh - Thanh Nga với niềm tự hào. Những khán giả đi coi hát ăn mặc rất đẹp. Nhiều thiếu nữ mặc áo dài, thanh niên mặc vest, thắt cà-vạt. Xuất hát mở màn, rạp im phăng phắc, chỉ có tiếng đờn, lời ca; khán giả chăm chú theo dõi như sợ bỏ sót những câu thoại, lời ca sâu sắc, đầy ý nghĩa, triết lý về cuộc sống.
Rạp Hưng Đạo và bảng hiệu Thanh Minh
Để làm được như thế, bà bầu Thơ rất kỹ trong việc tập tuồng. “Thời đó, tuồng ra mắt không cần phúc khảo, nhưng để được chấp nhận cho dàn dựng cũng không dễ. Kịch bản phải được gởi lên phòng thông tin. Những câu thoại, câu ca phải thay đổi sẽ được gạch đỏ và soạn giả phải sửa cho tới khi được chấp thuận. Kịch bản được thông qua sẽ có dấu đỏ ở từng trang và tác giả, nghệ sĩ không được phép sửa, dù chỉ một câu thoại” - nghệ sĩ Quốc Nhĩ kể.
NSƯT Thanh Nga và NSƯT Út Bạch Lan trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga
Những năm tháng chiến tranh, Sài Gòn có lệnh giới nghiêm, có rạp hát từng bị trúng pháo, nghệ sĩ bị thương, nhưng mọi sự hiểm nguy, trắc trở vẫn không làm khán giả Sài Gòn bớt mê coi hát. Hưng Đạo và nhiều rạp khác vẫn sáng đèn, nhưng tuồng tích đơn giản, ngắn gọn để khán giả kịp về trước giờ giới nghiêm. Tấm lòng của biển, Đi biển một mình… với thời lượng trên dưới 2 giờ vẫn ra mắt và đều hút khách.
Sau ngày thống nhất, Hưng Đạo vẫn là địa chỉ nổi tiếng của cải lương. Từ năm 1980, rạp Hưng Đạo được giao cho đoàn cải lương Trần Hữu Trang (nay là Nhà hát Trần Hữu Trang).
Đầu thập niên 1990, từng có những lúc rạp Hưng Đạo có rất ít xuất hát. Nhưng từ sau Liên hoan sân khấu mùa thu 1998, Hưng Đạo đột ngột nhộn nhịp trở lại. Các nhóm cải lương xã hội hóa muốn về Hưng Đạo phải đặt lịch trước hoặc bốc thăm.
Lạ một điều, cải lương chỉ trở về Hưng Đạo mới đông khán giả, hệt như tên gọi “thánh địa cải lương” mà cả dân làm nghề lẫn khán giả đã đặt cho nơi này.
Rạp Hưng Đạo trước khi được xây mới
Sau hai lần nâng cấp, sửa chữa, rạp Hưng Đạo đã… không còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Rạp hát xuống cấp và kết thúc sứ mệnh của mình sau xuất hát ngày 25/9/2010 trước khi được xây dựng lại thành Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo.