Có hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu và các công trình thủy điện thượng nguồn, vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô. Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng này đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt.
Cấp tập xây hồ chứa nước
Cuối tháng 10/2024, người dân sống dọc bên sông Láng Thé, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vui mừng khi UBND tỉnh quyết định khởi công dự án xây hồ chứa nước ngọt tại đây.
|
Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là nơi được một số chuyên gia gợi ý xây hồ chứa nước với dung tích 1,5 tỉ m3 để cung cấp nước cho 4 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long - Ảnh: H.L. |
Nông dân Nguyễn Văn Bình (xã Phương Thạnh) cho hay, gia đình ông sống nhờ vào 5 công đất trồng lúa nhưng mấy năm nay, năng suất lẫn thu nhập đều bấp bênh do hạn, mặn gay gắt. Có những năm, bà con phải cắt vụ do thiếu nước ngọt, hộ nào vẫn xuống giống thì chấp nhận năng suất kém. Khi hay tin sắp có hồ chứa nước ngọt, bà con rất vui mừng bởi sắp tới, họ chủ động hơn về nguồn nước để sớm lên kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi cho cả năm, không còn lo thiếu nước ngọt mùa hạn, mặn.
Theo ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - việc xây hồ nước dọc sông Láng Thé nhằm chủ động cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, làm dịch vụ ở các huyện Càng Long, Châu Thành và TP Trà Vinh. Hồ chứa này còn chống xâm nhập mặn, triều cường, tiêu úng, chống sạt lở bờ sông. Xung quanh hồ còn có hệ thống đường giao thông kết nối các vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là du lịch. Công trình này có tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng.
Mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh bị thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng do hạn, mặn ảnh hưởng đến năng suất lúa, rau màu, cây ăn trái, đồng thời có hàng ngàn hộ thiếu nước sinh hoạt. (Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) |
Ở tỉnh Bến Tre, cứ đến mùa khô, nước trên sông, kênh lại nhiễm mặn khiến đất vườn cũng bị nhiễm mặn theo. Kể từ năm 2019, khi hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp với trữ lượng khoảng 1 triệu m3 được đưa vào hoạt động, 200.000 người dân huyện Ba Tri mới thoát cảnh thiếu nước ngọt, đất vườn bị nhiễm mặn. Đơn vị cấp nước cũng đầu tư nhà máy nước ở hồ để hòa mạng vào hệ thống nhà máy nước Tân Mỹ, đưa nước ngọt về tận nhà dân.
Còn ở tỉnh Cà Mau, hồ chứa nước ngọt Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh đã được xây xong các hạng mục cơ bản, công nhân đang thi công các hạng mục cuối cùng, hồ cũng đang trong giai đoạn trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô 2024-2025. Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho hay, hồ Khánh An có diện tích 102ha, sức chứa 3,85 triệu m3 nước, kinh phí đầu tư xây dựng hơn 248 tỉ đồng. Hồ này sẽ cung cấp nước ngọt cho hơn 113.000 hộ dân huyện U Minh và Trần Văn Thời, phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm.
Tiếp tục xây thêm nhiều hồ
Để đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, hiện UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục đầu tư xây thêm hồ Lạc Địa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri với sức chứa khoảng 2,3 triệu m3, tổng kinh phí hơn 352 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
|
Cống Nguyễn Tấn Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang là cống ngăn mặn, trữ ngọt lớn thứ hai vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Thanh Lâm |
Hồ này sẽ giúp hàng chục ngàn hộ dân vùng bãi ngang, ven biển tăng hiệu quả ứng phó với hạn hán, tình trạng xâm nhập mặn. Hồ còn có các hạng mục chức năng phục vụ du lịch, bảo tồn giá trị lịch sử, kết nối giao thông, sắp xếp lại dân cư trong vùng. Với công trình mới này, UBND tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thủy lợi trong toàn tỉnh cơ bản được khép kín, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt được xuyên suốt quanh năm.
Ở tỉnh Tiền Giang, ngành chức năng đang triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt kênh Nguyễn Tất Thành dài 19km ở huyện Tân Phước và Châu Thành với tổng kinh phí khoảng 400 tỉ đồng. Ngoài hồ này, UBND tỉnh cũng có kế hoạch xây đập ngăn sông Cửa Trung ở huyện Tân Phú Đông đoạn giáp biển với chiều dài khoảng 14km để tạo thành hồ chứa nước ngọt, kinh phí xây dựng khoảng 900 tỉ đồng.
Toàn tỉnh An Giang có 279.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 10.000ha nằm ở vùng cao, triền núi thuộc huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên thường xuyên thiếu nước ngọt vào mùa khô. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh An Giang đầu tư xây 3 hồ tích nước với tổng kinh phí trên 450 tỉ đồng, gồm hồ Tà Lọt có dung tích thiết kế trên 531.000m3, hồ Núi Dài 2 có dung tích thiết kế hơn 558.000m3, hồ Cô Tô có dung tích thiết kế hơn 193.000m3. Hiện hồ Tà Lọt và hồ Núi Dài đã được tích nước, phục vụ việc sản xuất cho hơn 520ha đất nông nghiệp.
|
Bộ đội Quân khu 9 hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho bà con vùng hạn hán của tỉnh Cà Mau - Ảnh: Văn Phước |
Ngoài 3 hồ trên, huyện Tri Tôn còn có hồ chứa nước Soài Check (xã Núi Tô) có sức chứa 293.000m3 nước, hồ Ô Thum (xã Ô Lâm) có sức chứa 270.000m3 nước. Ông Nguyễn Văn Văn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn - cho biết, các công trình hồ chứa nước giúp tăng khả năng tích trữ và điều tiết nước, chủ động tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt, phòng cháy và chữa cháy rừng trong mùa khô, cắt lũ núi trong mùa mưa, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, du lịch, phát triển kinh tế vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ Me sinh sống.
UBND tỉnh Kiên Giang quyết định đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa nước ngọt như hồ liên huyện An Biên - An Minh - U Minh Thượng - Vĩnh Thuận, nâng cấp các hồ chứa nước trên các đảo của huyện Kiên Hải và TP Phú Quốc nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành ủy Phú Quốc - cho hay, theo đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Phú Quốc, thành phố này sẽ có 5 hồ chứa nước ngọt gồm Dương Đông, Cửa Cạn, Rạch Tràm, Rạch Cá và Suối Lớn với sức chứa khoảng 27 triệu m3 nước. Đến nay, thành phố chỉ có được hồ chứa nước Dương Đông với dung tích khoảng 5,8 triệu m3 và nhà máy nước 27.000 m3/ngày đêm. Chính quyền thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh sớm cho chủ trương đầu tư xây thêm các hồ còn lại nhằm đảm bảo lượng nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và du lịch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây hồ chứa nước ngọt là giải pháp tốt để bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, bộ này lưu ý, ngoài bảo đảm an toàn công trình, các địa phương nên quan tâm đến địa điểm, mặt bằng, không để việc xây hồ làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Thay vì xây hồ quy mô lớn, giải phóng mặt bằng đất lớn mà phần nhiều là đất lúa 2-3 vụ/năm mà nên xây các hồ trữ nước phân tán để phục vụ nhu cầu tại chỗ, tận dụng các đoạn kênh đã có hoặc các khu đất trũng, ngập nước để xây hồ.
Đề xuất xây 2 hồ có sức chứa cực lớn Tiến sĩ Võ Văn Hải (Hội Khoa học kinh tế và quản lý, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM) đề xuất, nên xây 2 hồ chứa nước lớn ở tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Hậu Giang. Hồ chứa ở Đồng Tháp có thể đặt gần vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông với diện tích xây dựng khoảng 27.000ha, dung tích 1,5 tỉ m3 nước, nhằm cung cấp nước cho các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long thông qua kênh liên tỉnh; hồ chứa ở Hậu Giang có thể nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, huyện Phụng Hiệp, diện tích xây 17.000ha, dung tích 1 tỉ m3 nước, giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang, TP Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn. Các hồ chứa nằm gần các khu bảo tồn thiên nhiên là nhằm bổ trợ cho hệ sinh thái các nơi này, phòng chống cháy rừng trong mùa khô… Tuy nhiên, đã có ý kiến đề nghị xem lại đề xuất này, cho rằng việc xây dựng hồ chứa nước gần các khu bảo tồn thiên nhiên là không phù hợp bởi các khu này cần được bảo tồn nghiêm ngặt, tránh những tác động từ con người vào môi trường tự nhiên. |
Phát huy hiệu quả vai trò của kênh Vĩnh Tế Ngày 14/11, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024). Đây là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất vùng Tây Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến nay. Theo sử liệu triều Nguyễn, kênh Vĩnh Tế được vua Gia Long cho đào vào năm 1819, hoàn thành năm 1824 với chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, được thi công hoàn toàn bằng sức người. Kênh Vĩnh Tế là công trình thủ công khu vực biên giới dài nhất Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược của vương triều nhà Nguyễn. Công trình này không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông thủy bộ giữa các tỉnh trong khu vực mà còn là “kênh mẹ” để hình thành các kênh T5, T4, T3, biến vùng tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất lúa gạo trù phú của cả nước. Ông Nguyễn Văn Nhanh (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang) đánh giá, trong bối cảnh nước biển dâng và dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông suy giảm, kênh Vĩnh Tế có thể được sử dụng như một công cụ để điều tiết dòng nước, từ đó đẩy nước mặn ra biển thông qua việc kết hợp các công trình ngăn mặn và điều tiết nước. Ngoài ra, kênh Vĩnh Tế còn có vai trò quan trọng trong phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái, điều tiết nước ngọt vào các vùng đất ngập nước, thúc đẩy sự tái sinh của các hệ sinh thái bị suy thoái. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho rằng, tới đây, cần nâng cấp kênh, tăng cường ứng dụng công nghệ để tự động giám sát mực nước, tưới tiêu, giảm thất thoát nước vào mùa khô, tăng cường hợp tác với các nước phía thượng nguồn và láng giềng để quản lý nguồn nước hiệu quả hơn, đồng thời phát triển du lịch bền vững nhằm phát huy vai trò của kênh Vĩnh Tế. |
Xem Việt Nam là quốc gia thiếu nước Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô 2015-2016, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 210.000 hộ thiếu nước. Với việc xây nhiều công trình thủy lợi, cấp nước, số hộ thiếu nước giảm đáng kể nhưng số thiếu nước trong mùa khô 2019-2020 vẫn còn khoảng 96.000 hộ. Đến mùa khô năm 2024, toàn vùng này có hơn 50.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, tình trạng hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nơi không cân đối được nguồn nước tại chỗ do kênh rạch cạn kiệt. Theo ông, cần nhận thức rằng Việt Nam là một quốc gia thiếu nước, nước không phải vô hạn mà là hữu hạn, nên cần có hành động, ứng xử tương xứng. Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - nguồn nước mặt ở ĐBSCL phụ thuộc vào thượng nguồn sông Mê Kông (chiếm 94% tổng lượng nước). Các hoạt động khai thác phía thượng nguồn sông đã và đang trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2023, do tác động của biến đổi khí hậu, tổng lượng mưa ở vùng ĐBSCL suy giảm từ 5 - 10%. Lượng nước từ thượng nguồn và từ mưa đều ít nên tình trạng nhiễm mặn có xu hướng sớm hơn và trầm trọng hơn. Để chủ động nguồn nước, hạn chế thiệt hại do hạn, mặn, cần chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng, triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới; nghiên cứu, triển khai các giải pháp tích trữ nước ngọt quy mô phù hợp; đầu tư, hiện đại hóa các công trình hạ tầng mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng. Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn - chuyên gia độc lập về môi trường - cho rằng, an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đối diện với 7 thách thức, gồm biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, sự chuyển nước sông Mê Kông qua nơi khác, khai thác tài nguyên nước quá mức, thay đổi việc sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, hiệu quả sử dụng nước thấp. Tất cả thách thức này làm cho vùng ĐBSCL có nguy cơ suy giảm dòng chảy, tăng xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường. |
Huỳnh Lợi - Phú Hữu - Thanh Lâm