Rào chắn an toàn phòng tránh bắt cóc trẻ

11/04/2016 - 09:30

PNO - Việc trang bị kỹ năng phòng tránh bắt cóc cho trẻ cần thiết như tiêm vắcxin để con chuẩn bị tâm lý vững vàng, ứng phó với tình huống thực tế.

Xé lòng với câu chuyện cậu bé 11 tuổi bị kẻ bắt cóc siết cổ rồi vùi trong cát ở Bình Thuận, nguyện cầu phép màu đến với những người cha, người mẹ ngày ngày rong ruổi dặm ngàn trên chiếc xe máy treo bảng “tìm con”; song phụ huynh cũng hoang mang, lo sợ bi kịch ấy xảy đến với gia đình mình. Chỉ cảnh báo “giờ người ta hay bắt cóc con nít, đừng đi lung tung!” hay có thể làm gì khác hơn để cho trẻ một rào chắn an toàn? Mời phụ huynh tham khảo một số lưu ý về việc phòng tránh chuyện bắt cóc của thạc sĩ giáo dục học Phạm Phúc Thịnh (giảng viên Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương).

Rao chan an toan phong tranh bat coc tre
Nếu cha mẹ đến rước trễ, thay vì đứng ngoài đường như thế này, trẻ nên đứng trước cổng trường hoặc cửa hàng tiện ích gần đó Ảnh: Phùng Huy 

"Lạy ông, tôi ở bụi này"

Với mục đích khoe con trên mạng xã hội hoặc chỉ chia sẻ cho vui, phụ huynh đã vô tình cung cấp thông tin về con mình, gó p "vốn" cho kẻ bắt cóc. Trên mạng xã hội, không hiếm những bà mẹ đưa hình con, trường lớp, giờ giấc con học, tên cô giáo, tính tình, sở thích, năng khiếu của trẻ… Có khi còn tường thuật chuyến dã ngoại mà con tham gia (không có cha mẹ đi cùng) với lịch trình, địa điểm cụ thể. Thậm chí nhiều phụ huynh còn vô tư đưa số điện thoại cá nhân lên facebook chứ không gửi qua chế độ tin nhắn riêng cho bạn bè, người thân. Càng thu nhập được nhiều dữ liệu và xác lập được niềm tin ở trẻ rằng “chú với cha mẹ của con chẳng xa lạ gì”, kẻ bắt cóc càng dễ tiếp cận, đưa trẻ vào tròng.

Bạn sẽ thế nào nếu con thơ mới khuất mắt quanh các kệ hàng siêu thị đã mất hút khỏi cuộc đời mình? Hoặc một ngày bỗng nhận được tin nhắn từ số máy lạ “Có phải con gái anh tên… học ở trường… không? Từ bây giờ bé sẽ biến mất nếu…!”. Rồi khi bạn đến rước con lúc tan học thì đã có “người bạn thân” đến rước giúp.

So với bắt cóc - thụ động (kẻ bắt cóc đột ngột ào đến cướp trẻ) thì kịch bản bắt cóc - chủ động (nạn nhân tự giao mình cho thủ phạm) luôn được thiết kế trên cơ sở điều nghiên rất rõ về gia đình nạn nhân. Hạn chế đến mức thấp nhất việc tiết lộ thông tin con trẻ là bước đầu tiên để bảo vệ con.

Nối sóng giữa cha mẹ và con

Không phải là trẻ lạc mà chính là cha mẹ bị lạc tầm mắt khỏi con. Dù chỉ một tích tắc nghe điện thoại, lướt mạng hoặc đi nhà vệ sinh, cha mẹ và con cũng có thể “mất sóng”. Với trẻ ở bậc mầm non, đầu tiểu học, trẻ có vấn đề về tâm thần… thì một chiếc thẻ đeo cổ với thông tin liên lạc cho cha mẹ là không thể thiếu, là cơ hội đưa trẻ tìm về gia đình. Từ độ ba - bốn tuổi, trẻ cần được dạy không tiếp xúc quá gần với người lạ, tuyệt đối không đi theo người lạ trong mọi tình huống.

Nhà vệ sinh cũng có thể là sào huyệt của kẻ bắt cóc, vì thế trẻ nên đi chung với người khác, nhất là những vị trí vắng vẻ. Không được nhận quà tặng của bất kỳ ai khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ. Trẻ cũng cần cảnh giác với những người nhờ giúp đỡ: chỉ đường, cho mượn quyển sách, đưa hộ gói xôi cho bà lão đáng thương… Đó có thể là cái bẫy và trẻ sẽ gặp nguy khi ngoài phạm vi quan sát của người lớn.

Gia đình nên tạo thói quen đi thưa về trình không chỉ duy trì nếp nhà, mà còn là sự kết nối cần thiết giữa các thành viên, thuận lợi trong việc định hướng, suy luận, loại trừ khi xảy ra hữu sự. Nếu có việc đột xuất, về trễ hay thay đổi địa điểm, con phải tìm cách liên lạc cho cha mẹ biết. Nhiều gia đình có mối liên kết rời rạc đến nỗi không biết con ra khỏi nhà lúc mấy giờ, đi đâu, với ai, chừng nào về, tối qua ngủ ở đâu. Việc “lạc sóng” không chỉ ở khoảng cách không gian mà còn ở khoảng cách về tinh thần giữa hai thế hệ.

Cha mẹ không hiểu con, không nắm bắt được nhu cầu, ý nguyện của con hoặc có cách giáo dục hà khắc, bạo lực khiến con nuôi ý muốn thoát ra. Ở tuổi dậy thì, nghe lời rủ rê ngon ngọt, không ít em bỏ học, bỏ nhà đi, tự kiếm sống, bất cần cha mẹ trợ giúp, bảo bọc. Đến lúc con tự quay về thì hành trình đó đã phải trả giá rất nhiều và mối quan hệ gia đình cũng bị tổn thương. Cha mẹ không gần gũi, sâu sát, mất thông tin với con là mất rất nhiều thứ. Vì thế, luôn phải để mắt đến con và để tâm đến những vấn đề của con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI