|
Một phụ nữ nghiên cứu thông tin tại hội chợ việc làm ở Seoul. Phụ nữ phải chật vật để tìm chỗ đứng trong văn hóa doanh nghiệp nam giới thống trị tại Hàn Quốc. |
Từ khi Hàn Quốc phát động chiến dịch đẩy lùi văn hóa gia trưởng bảo thủ, ngày càng nhiều phụ nữ lên tiếng về phân biệt đối xử trong tuyển dụng và làm việc, ngay cả khi hệ thống pháp lý vất vả đấu tranh để kiểm soát các doanh nghiệp.
Năm 2018, Hàn Quốc xếp vị trí 30 trên tổng số 36 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc làm của phụ nữ, mặc dù nước này có tỷ lệ giáo dục đại học cao nhất dành cho nhóm nữ giới từ 25-34 tuổi.
Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khoảng cách giới tính trên toàn cầu, Hàn Quốc xếp hạng 115/149 quốc gia, do chênh lệch lớn về bình đẳng tiền lương và thu nhập giữa nam giới và phụ nữ.
Chính trị cho thấy bất bình đẳng nghiêm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, nữ giới chỉ chiếm 17% số ghế trong quốc hội Hàn Quốc. Trong cuộc họp báo mừng năm mới, Tổng thống Moon Jae-in đề cập tới khoảng cách giới là "sự thật đáng xấu hổ" và cam kết giải quyết trong tương lai.
|
Khoảng cách giới là sự thật đáng xấu hổ trong các doanh nghiệp. |
Park Kwi-cheon, giáo sư luật lao động tại Trường Luật Ewha (Seoul), nói: “Phụ nữ Hàn Quốc có tỷ lệ việc làm rất thấp trong khi trình độ học vấn cao, cho thấy phân biệt giới trong tuyển dụng đang tiếp diễn dưới nhiều hình thức".
Một số vụ kiện pháp lý gần đây chống lại các công ty Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy vấn đề này rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc. Ba ngân hàng lớn bậc nhất nước này là KB Kookmin, KEB Hana và Shinhan bị phát hiện đã loại bỏ ứng viên nữ một cách vô lý và thao túng điểm số cho ứng viên nhằm mục đích ưu tiên nam giới.
Trong một trường hợp khác được đưa lên Tòa án tối cao, Giám đốc điều hành của Tập đoàn An toàn Khí đốt Hàn Quốc (KGS), Park Ki-dong, bị phát hiện đã chủ động hướng dẫn các quản lý thao túng điểm số của 31 ứng viên trong năm 2015 và 2016, khiến 8 ứng viên nữ đạt tiêu chuẩn bị loại và thay thế bằng các ứng viên nam kém hơn.
Theo Tòa án tối cao, Park cho rằng năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực này thấp hơn đáng kể so với nam giới và họ không phù hợp đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau.
Một đại diện của KGS cho biết công ty đã liên lạc với 8 nữ ứng viên bị đối xử bất công và ký hợp đồng với ba người mong muốn tiếp tục làm việc. Thêm vào đó, KGS đã sa thải tất cả các quản lý liên quan đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng.
|
Phụ nữ Hàn Quốc đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống vì định kiến giới truyền thống. |
Hiện nay, văn hóa Hàn Quốc vẫn mang tính gia trưởng sâu sắc, xác định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới dựa trên quan điểm giới tính truyền thống, đặc biệt là đối với nuôi dạy trẻ em. Giám đốc điều hành KGS Park Ki-dong biện minh cho hành động sai trái của mình rằng “phụ nữ có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh vì nghỉ thai sản".
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của công ty tuyển dụng Incruit, hơn một phần tư phụ nữ cho biết họ được hỏi về kế hoạch kết hôn hoặc sinh con trong khi phỏng vấn. Theo luật pháp Hàn Quốc, nếu một nhân viên nữ bị sa thải vì kết hôn, mang thai hoặc sinh con, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với án tù 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 26.500 USD (gần 615 triệu đồng).
Choi Mi-jin, chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ Luật Lao động Phụ nữ, nói: "Xã hội của chúng ta chịu chi phối của những định kiến về vai trò giới. Đàn ông là trụ cột gia đình còn phụ nữ chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái và làm việc nhà. Đây là lý do tại sao phân biệt giới tính trong tuyển dụng được chấp nhận rộng rãi và tiếp tục diễn ra".
Ngay cả khi doanh nghiệp bị kết tội phân biệt đối xử, hình phạt mà họ phải đối mặt thường không đủ mạnh. Khi Ngân hàng KB Kookmin bị kết tội bất công loại bỏ 112 ứng viên nữ, hình phạt chỉ là 4.500 USD (104,4 triệu đồng).
|
Ngay cả khi doanh nghiệp bị kết tội phân biệt đối xử, hình phạt mà họ phải đối mặt thường không đủ mạnh. |
Phụ nữ bị phân biệt đối xử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tố cáo. Ngay cả khi khiếu nại được đệ trình, quá trình chứng minh hành động phân biệt giới cũng rất gian nan do hầu hết tài liệu liên quan đến nguồn nhân lực không được tiết lộ và dữ liệu hạn chế. Trong nhiều trường hợp, các vụ kiện bị bác bỏ, các công ty được tha bổng hoặc nhận hình phạt rất nhẹ vì thiếu bằng chứng.
Nhiều phụ nữ né tránh đưa sự việc ra ánh sáng vì sợ trả thù hoặc rào cản tìm việc trong tương lai. Trong một tuyên bố, Bộ Lao động và Việc làm khẳng định đã "tăng cường và mở rộng nỗ lực" để đẩy lùi phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Tuy nhiên, do thời gian chưa lâu, nên hiệu quả chưa thật sự rõ ràng.
Tuy nhiên, bất chấp vô số rào cản phải đối mặt, ngày càng nhiều phụ nữ lên tiếng và buộc chính phủ hành động. Đây là một phần bản án đối với xã hội gia trưởng Hàn Quốc, vốn đã chứng kiến nhiều trường hợp #MeToo nổi bật cũng như chiến dịch chống lại chụp ảnh xâm hại đời tư bất hợp pháp và tiêu chuẩn sắc đẹp phụ thuộc vào nam giới.
|
Thay đổi về chính sách giữ vai trò quan trọng, nhưng thay đổi trong nhận thức xã hội mới là chìa khóa giải quyết vấn đề. |
Kể từ mùa hè năm ngoái, doanh nghiệp nhà nước đã buộc phải ghi lại tỷ lệ giới tính của người xin việc, trong khi các ngân hàng phải công khai số liệu tuyển dụng để đảm bảo công bằng trong tuyển dụng.
Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, các hướng dẫn mới về "bình đẳng giới trong tuyển dụng" hiện đang hoàn thiện và sẽ được phân phối cho doanh nghiệp tư nhân trước nửa cuối năm 2019.
Một dự luật đã được đề xuất năm 2018 với mục đích tăng hình phạt đối với doanh nghiệp phân biệt đối xử trong tuyển dụng hiện đang ở giai đoạn thảo luận. Nếu được thông qua, luật sẽ tăng mức phạt tiêu chuẩn lên 27.000 USD (626,4 triệu đồng) và cho phép thẩm phán áp dụng án tù lên đến năm năm.
Thay đổi về chính sách giữ vai trò quan trọng, nhưng thay đổi trong nhận thức xã hội mới là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Giáo sư Park Kwi-cheon nói: “Luật đương nhiên cần được hoàn thiện, nhưng điểm mấu chốt nằm ở việc hình thành đồng thuận và thay đổi nhận thức ở mọi thành viên trong xã hội".
Ngọc Anh (theo CNN)