Rào cản ngôn ngữ: Thách thức của Kpop khi "Mỹ tiến"

30/03/2020 - 10:10

PNO - Rào cản về ngôn ngữ và văn hóa gây khó cho các ngôi sao Kpop khi xâm nhập thị trường Mỹ.

Những năm gần đây, các nhóm nhạc Hàn Quốc đang dần mở rộng thị trường, hiện thực hóa giấc mơ "Mỹ tiến".

Ngày trước, để một nghệ sĩ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung xuất hiện trên sóng các đài truyền hình danh tiếng của Mỹ sẽ gặp muôn vàn khó khăn với những đòi hỏi rất cao thì hiện tại, nhiều cái tên như BTS, NCT 127, MonstaX… đã làm được điều này.

Không thể phủ nhận, chính chiến lược đầu tư bài bản của các công ty chủ quản đã giúp Super M và NCT 127 hợp tác với công ty con của Hãng thu âm Universal Music, hay như Blackpink bắt tay cùng Interscope Records… đưa các nhóm tiếp cận nhiều chương trình truyền hình lớn của Mỹ như Ellen, Today, Good Morning America.

Sự mở đường thành công của  BTS giúp các nghệ sĩ Kpop dễ dàng tiếp cận các chương trình truyền hình của Mỹ.
Sự mở đường thành công của BTS giúp các nghệ sĩ Kpop dễ dàng tiếp cận các chương trình truyền hình của Mỹ

Thậm chí, sau khi ký hợp đồng với Epic Records (thuộc sở hữu của Sony Music), MonstaX ngay lập tức được điền tên vào show truyền hình The Kelly Clarkson Show. Hay như 2 nhóm nhạc tân binh Itzy và Stray Kids, trực thuộc công ty JYP Entertainment quản lý, cũng lần lượt góp mặt trong chương trình Good Day New York Live with Kelly and Ryan.

Theo Korea Herald, các nhà sản xuất chương trình truyền hình Mỹ đã thoáng hơn, cho phép các nghệ sĩ Hàn Quốc xuất hiện quảng bá sản phẩm. Dù vậy, vẫn có những rào cản nhất định về ngôn ngữ và văn hóa để các ngôi sao Kpop xâm nhập thị trường Mỹ.

Lee Gyu-tag - giáo sư nghệ thuật và khoa học của Trường Đại học George Mason cho biết, đa số các thành viên trong nhóm nhạc Kpop không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nên rất khó để ê-kíp sản xuất chương trình chuẩn bị những câu hỏi chuyên sâu. Do đó, các MC thường chỉ đưa ra những câu hỏi đơn giản, tạo không khí vui vẻ mà không cần người phiên dịch.

Jennie và Rose (chính giữa) đảm nhiệm vai trò giao lưu bằng tiếng Anh trong nhóm Black Pink.
Jennie và Rosé (thứ 2 và 3, từ trái sang) đảm nhiệm vai trò giao lưu bằng tiếng Anh trong nhóm Black Pink

Trong nhiều tình huống, chỉ có khoảng 1-2 thành viên giao tiếp trôi chảy sẽ đảm nhiệm vai trò trả lời chính, các thành viên còn lại ít có cơ hội giao lưu cùng khán giả. Điển hình như nhóm nhạc nữ nổi tiếng Black Pink, nếu Jennie và Rosé là hai cô gái thành thạo tiếng Anh do có thời gian dài sinh sống ở nước ngoài, thì Lisa và Jisoo lại tỏ ra yếu thế hơn. Trong một số trường hợp, Rosé còn đảm nhiệm luôn vai trò phiên dịch cho người chị thân thiết Jisoo.

Tương tự Black Pink, trong các bài phỏng vấn ở nước ngoài của BTS, trưởng nhóm RM luôn đảm nhiệm phần giao lưu với truyền thông, kiêm phiên dịch viên cho các thành viên còn lại.

Bên cạnh ngoại ngữ, trong nhiều tình huống giao lưu, việc thận trọng quá mức của các nhóm nhạc Kpop để giữ gìn hình tượng trong sáng, dễ thương cũng được xem là một nhược điểm cố hữu. Các chương trình trò chuyện ở Mỹ vốn nổi tiếng không hạn chế câu hỏi, chủ đề nhạy cảm cho các khách mời, chính khán giả cũng rất yêu thích sự tự nhiên, chân thành của các nghệ sĩ.

Ngoài hoạch định bài bản cho các sản phẩm âm nhạc, hiện các nghệ sĩ Hàn Quốc cố cải thiện hơn về khả năng ngoại ngữ, thích nghi với văn hóa bản địa nếu muốn xâm nhập sâu thị trường Mỹ.

Chung Thu Hương (theo Korea Herald)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI