Rao bán công khai cần sa núp bóng sô-cô-la, kẹo mút

20/11/2019 - 16:30

PNO - Không khó để tìm thấy các loại sô-cô-la hoặc kẹo mút có bổ sung cannabis được chiết xuất từ hạt cần sa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội...

Rao bán công khai chất cấm 

Hàng loạt sản phẩm như kẹo, bánh có chứa chất được chiết xuất từ hạt cần sa được in rõ hình ảnh lá cần sa ngoài bao bì và phần lớn đều là hàng ngoại xách tay về.  Chủ một shop kinh doanh tại Hà Nội bán nhiều thực phẩm, bánh kẹo, trong đó có chứa chất cannabis cho biết, các loại bánh, kẹo này được nhập ngoại hoàn toàn.

“Shop hiện tại đang có kẹo mút cannabis và sô-cô-la cannabis. Trước có bán cả kẹo mút dẹt cannabis nhưng hiện tại không còn hàng. Tất cả đều được nhập về từ Cộng hòa Séc vì tôi có người nhà ở bên đó chuyển hàng” - chủ shop này cho hay.

Hỏi thêm về sản phẩm sô-cô-la cannabis, người này cho biết, đây hoàn toàn là thực phẩm bình thường và không gây nghiện. Khi ăn vào, sẽ gây cảm giác hưng phấn, vui vẻ trong người, nếu ăn ít thì nó chưa gây chóng mặt ngay. Để người mua tin tưởng hơn, chủ shop còn khẳng định, đây là mặt hàng được bán tự do ở một số nước và nhất là tại Séc, đến cả trẻ em cũng ăn được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt hàng này là loại sô-cô-la chứa 70% cần sa (được lấy từ hạt cây cần sa), còn sô-cô-la chỉ chiếm 30%. Mỗi hộp sô-cô-la cannabis có giá hơn 220.000 đồng, còn kẹo mút cần sa được bán giá sỉ với giá 35.000 đồng/cái (mua từ 10 cái trở lên) và giá bán lẻ là 40.000 đồng/cái. Trên trang thương mại điện tử Shopee, cũng có tên mặt hàng sô-cô-la cần sa. 

Rao ban cong khai can sa nup bong so-co-la, keo mut
Những sản phẩm có chứa thành phần cấm nhưng được các trang thương mại điện tử vô tư cho rao bán

Tại shop có tên huongthuy68 trên Shopee, loại sô-cô-la cần sa được giới thiệu là một sản phẩm rất tốt cho sức khỏe, nhất là với người muốn giảm cân, cùng hàng loạt công dụng như tốt cho tuần hoàn, giảm cholesterol, tốt cho người tiểu đường, cải thiện trí nhớ…. Mức giá của mỗi hộp là 150.000 đồng, chưa kể tiền vận chuyển. Một loại sô-cô-la khác có tên MLECNA được giới thiệu là tốt hơn, nhân cherry và cũng có chiết xuất cần sa, giá 180.000 đồng. 

Cũng trong shop này, mặt hàng kẹo có hình dạng tròn, vỏ kẹo như loại “kẹo mút cần sa” được bán với giá 30.000 đồng. Theo số liệu hiển thị công khai của Shopee, 14 cây kẹo mút đã được bán ra thành công. Chiều 18/11, kiểm tra thông tin shop, chúng tôi nhận thấy, shop vẫn kinh doanh bình thường.

Trên trang đặt hàng online Lozi, một tài khoản tên Nguyên Anh cũng đăng bán sô-cô-la cần sa và kẹo mút cần sa, nhưng người bán thông báo “chỉ nhận tin nhắn chứ không tiếp điện thoại trực tiếp”. 

Sáng 19/11, trao đổi với chúng tôi, đại diện Shopee cho hay, đã nắm được thông tin về tài khoản đăng bán các sản phẩm sô-cô-la, kẹo mút nghi có chứa cần sa. Do các sản phẩm kinh doanh có chứa chất cấm nên đơn vị này sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Nguy cơ gây nghiện, tàn phá hệ hô hấp và thần kinh

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, cục đang điều tra và sẽ xử lý nghiêm những đối tượng mua bán cần sa núp bóng thực phẩm. Thời gian gần đây, cần sa được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như sô-cô-la, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu, nước ngọt, sau đó mua bán công khai trên mạng.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng chỉ ra, trong cần sa có chứa THC là chất kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện gấp 3-4 lần nhựa cần sa. Tinh dầu cần sa chính là loại thường được trộn lẫn trong thực phẩm.

THC được cảnh báo sẽ gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, thúc đẩy ung thư tiến triển nhanh hơn. Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ bị tổn thương tế bào não khiến hệ thần kinh suy nhược, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí xuất hiện ảo giác. 

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Hoa Sen), thực phẩm có chứa chất kích thích thì ít nhiều sẽ gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Về nguyên tắc, các hợp chất được sử dụng trong thực phẩm phải nằm trong danh mục được phép sử dụng. “Tất cả thực phẩm này là thực phẩm nhập nên vấn đề nằm ở chỗ nhập chính ngạch hay nhập lậu. Tuy nhiên, nếu được nhập khẩu chính ngạch, đó là các chất kích thích dùng trong dược phẩm chứ không phải thực phẩm” - tiến sĩ Đồng nói.

Điều đáng lo ngại là, các loại thực phẩm trên thường được làm dưới dạng bánh, kẹo nên đối tượng sử dụng thường là trẻ em. Hiện tỷ lệ sử dụng cần sa ở Việt Nam ở mức 1,6-2% số người nghiện, nhưng đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên. 

Phản hồi báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 19/11, Công ty TNHH Shopee cho biết, liên quan đến sản phẩm nghi ngờ vi phạm pháp luật đăng bán tại Shopee, sàn thương mại này đã lập tức chuyển vụ việc đến cơ quan công an chuyên ngành về an ninh mạng để xác minh theo cơ chế hợp tác giữa hai bên.

“Hiện Công ty đang phối hợp với cơ quan công an để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Do vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh làm rõ nên trước mắt, chúng tôi đã tạm khóa tất cả các đăng bán sản phẩm có liên quan cho đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng”, đại diện Shopee cho biết

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI