Ranh giới nào với việc gạ tình?

08/05/2018 - 13:57

PNO - Tạm gác qua khía cạnh luật pháp, thì gạ tình nên được nhìn theo khía cạnh thuần đạo đức, hoặc nên có kết hợp với giới tính, văn hóa?

Mấy tuần qua, việc Phạm Lịch lên báo tố Phạm Anh Khoa gạ tình cô khi cùng tham gia chương trình truyền hình Trời sinh một cặp đã làm tốn khá nhiều giấy mực. Vụ việc có lẽ còn lâu mới dừng lại khi Phạm Anh Khoa thì dọa kiện, còn Phạm Lịch thì không chấp nhận lời xin lỗi. Ai đúng ai sai, nội tình vụ này thế nào, ở đây xin không bàn tiếp, chỉ muốn nhìn rộng hơn: Ranh giới nào với việc gạ tình?

Ranh gioi nao voi viec ga tinh?
 

Gạ tình thật ra là một trong những biểu hiện của “quấy rối tình dục”, của “dâm ô”. Theo Điều 146 của Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” được định nghĩa như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu, hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Đối với “nạn nhân” mà tuổi từ 16 trở lên, thì luật này không điều chỉnh. Cũng trong bộ luật này, nếu hành vi quấy rối tình dục mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 121, với khung là “Tội làm nhục người khác”.

Còn theo Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ ngày 01/5/2013) có đến 4 điều đề cập đến quấy rối tình dục. Chi tiết như sau: “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Điều 8); “người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục” (Điều 37); “ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình” (Điều 183); “tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi…, quấy rối tình dục” (Điều 182).

Ngày 25/5/2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tất cả những điều trên đây, muốn xử lý được, thì nạn nhân (nguyên đơn, nguyên cáo) phải chứng minh với bằng chứng, nhân chứng và các giấy xác nhận pháp y khác về thân thể, tâm thần…

Trên thế giới, phần lớn vụ gạ tình chỉ dừng lại ở mức lùm xùm trên báo giới, truyền thông, chứ khi ra đến tòa thì đuối lý vì thiếu nhân chứng, bằng chứng. Chưa nói, nhiều trường hợp nguyên đơn bị kiện ngược lại tội vu khống.

Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 định nghĩa về “Tội vu khống” như sau: “Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Tạm gác qua khía cạnh luật pháp, thì gạ tình nên được nhìn theo khía cạnh thuần đạo đức, hoặc nên có kết hợp với giới tính, văn hóa?

Bởi qua thực tế đời sống và văn hóa của nhiều dân tộc cho thấy, việc gạ tình (tán tỉnh, quyến rũ) chỉ là một biểu hiện của sự khỏe khoắn, lịch lãm. Một người đẹp, người khỏe mạnh mà không thu hút được người khác về mặt cảm xúc thì người đó chưa thật sự đủ quyến rũ. Về mặt giới tính - một bản năng gốc không thể chối bỏ - khi bị thu hút về sự hấp dẫn giới tính, thì người bị thu hút có lời nói và hành vi tán tỉnh là đương nhiên. Tùy nền văn hóa và đạo đức, sự tán tỉnh, quyến rũ này có thể bị xem là gạ tình, quấy rối tình dục, hoặc chỉ là một cử chỉ bình thường, lịch lãm.

Rồi mỗi người cũng có cách nhìn và quan niệm khác nhau về gạ tình, về quấy rối tình dục; điều này cũng được thay đổi qua thời gian, qua tương quan với xã hội.

Ví dụ dễ nhìn thấy nhất đó là vụ lùm xùm của Monica Lewinsky với Bill Clinton vào năm 1998. Mới đây, sau 20 năm, chính Monica Lewinsky cũng đã nhìn khác đi, cô viết rằng mình đã không tiên lượng hết hậu quả khi tiết lộ hành vi vụng trộm không đáng có của người hai người đã trưởng thành.

Văn Bảy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI